Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono nói với báo giới rằng quyết định dừng kế hoạch triển khai hệ thống phòng không Aegis Ashore được đưa ra sau khi xác định rằng sự an toàn của 2 khu dân cư dự tính là nơi đặt các hệ thống đó sẽ không thể được bảo đảm nếu không thiết kế lại về phần cứng, và việc đó sẽ rất tốn thời gian và chi phí.
“Cân nhắc chi phí và thời gian, tôi không có quyết định nào khác ngoài việc kết luận rằng việc thực thi kế hoạch đó là không hợp lý”, ông Kono nói.
Năm 2017, chính phủ Nhật thông qua kế hoạch triển khai 2 hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất nhằm bổ sung năng lực tự vệ sau khi đã có các tên lửa Aegis trên tàu và Patriot trên đất liền.
Các quan chức quân sự nước này nói rằng 2 hệ thống Aegis trên đất liền có thể bảo vệ toàn bộ Nhật Bản nếu được đặt tại căn cứ Yamaguchi ở miền nam và Akita ở miền bắc. Chính phủ của Thủ tướng Abe Shinzo giờ sẽ phải đánh giá lại chương trình phòng thủ tên lửa.
Kế hoạch triển khai thêm 2 hệ thống phòng thủ tên lửa vấp phải hàng loạt trở lại, trong đó có vấn đề lựa chọn địa điểm, chi phí ước tính tăng liên tục và lên tới 450 tỷ yen (4,1 tỷ USD) cho 30 năm hoạt động và bảo dưỡng. Những quan ngại đó khiến nhiều người phản đối kế hoạch.
Phe chỉ trích cũng cho rằng hệ thống Aegis được thiết kế để đánh chặn các tên lửa tầm xa của Triều Tiên tấn công đảo Guam và Hawaii chứ không phục vụ mục đích phòng vệ của Nhật Bản, nên việc đó có thể vi phạm điều khoản cấm tham gia chiến tranh trong hiến pháp của nước này.
Ông Kono cho biết Nhật Bản đã chi 180 tỷ yen cho 2 hệ thống này, nhưng khoản tiền đó không lãng phí vì sẽ phục vụ những hệ thống đang được trang bị cho những tên lửa trên tàu khu trục.
Nhật Bản chọn Aegis Ashore thay vì Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vì giá rẻ hơn và linh hoạt hơn.
Việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc từng vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc vì Bắc Kinh coi đó là mối đe dọa nhằm vào họ.
Mỹ đã lắp các hệ thống Aegis Ashore ở Romania và Ba Lan.