Theo SCMP, đây dường như là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm tăng cường giám sát hai đồng minh của Mỹ.
Theo Yonhap, máy bay Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, được cho là máy bay trinh sát loại Y-9, vào khu vực nhận dạng phòng không của Hàn Quốc ba lần trong ngày, mà không đưa ra bất kỳ thông báo nào.
Một quan chức Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc nói máy bay đầu tiên vào từ một khu vực gần đảo Jeju và đảo Ieo lúc 10h21 sáng, ở lại trong khoảng một giờ.
Hai lần có mặt tiếp theo diễn ra lúc 11h54 sáng và 14h14. Vị này cho biết thêm, máy bay quân sự Trung Quốc được phát hiện trong khu vực 8 lần kể từ đầu năm.
Các máy bay chiến đấu được điều động để theo dõi máy bay Trung Quốc và cũng đưa ra thông điệp cảnh báo, Yonhap nói. Bộ quốc phòng Hàn Quốc sau đó triệu tập tùy viên quân sự từ đại sứ quán Trung Quốc.
Cũng trong ngày thứ Năm, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết các máy bay chiến đấu được triển khai để giám sát một máy bay Y-9 của Trung Quốc khi nó bay qua Biển Nhật Bản. Tokyo không nói chi tiết về vụ việc.
Yue Gang, đại tá và nhà bình luận quân sự của PLA đã nghỉ hưu ở Bắc Kinh, cho biết các chuyến bay do thám rất có thể giúp Bắc Kinh hiểu rõ hơn về hoạt động quân sự trong khu vực, sau khi Mỹ mới bay máy bay ném bom B-52 có khả năng hạt nhân qua Biển Đông và Biển Hoa Đông.
"Các chuyến bay như vậy sẽ trở thành thói quen vì Trung Quốc cần hiểu rõ các mối đe dọa quân sự", ông nói. Ông nhắc đến quyết định của Seoul năm 2016 về việc triển khai hệ thống chống tên lửa do Mỹ hậu thuẫn, được gọi là Terminal High Altitude Area Defense (THAAD), mà Bắc Kinh coi là mối đe dọa.
Đối với chuyến bay của Trung Quốc vào khu vực nhận dạng phòng không Nhật Bản, Yue cho biết có thể nó liên quan tới quyết định gần đây của Tokyo, về việc tổ chức hai hệ thống đánh chặn tên lửa đất đối đất Aegis Ashore do Mỹ chế tạo.
Các khu vực nhận dạng phòng không bao gồm không phận trên đất liền hoặc dưới nước, trong đó việc xác định, định vị và điều khiển máy bay được thực hiện vì lợi ích an ninh quốc gia. Tuy nhiên, khái niệm này không được định nghĩa trong bất kỳ điều ước quốc tế nào hoặc được quy định bởi bất kỳ cơ quan quốc tế nào, theo SCMP.