Công hàm khẳng định rằng Nhật Bản, với tư cách một quốc gia thành viên của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982, phản đối quan điểm của Trung Quốc rằng việc “vẽ đường cơ sở của Trung Quốc quanh các đảo và đá trên Biển Đông là việc phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế nói chung”.
Nhật Bản nói rằng UNLCOS 1982 đặt ra những điều kiện cụ thể và riêng biệt để áp dụng đường cơ sở cho quần đảo, trong khi Trung Quốc không thể viện dẫn các điều khoản phù hợp trong UNCLOS để khẳng định tính hợp pháp của đường cơ sở mà họ vẽ ra.
Không có dư địa cho bất kỳ quốc gia thành viên nào biện hộ việc áp dụng đường cơ sở của quần đảo mà không đáp ứng được những điều kiện mà UNLCOS đặt ra, công hàm của Nhật Bản khẳng định.
Nhật Bản nói rằng Trung Quốc đề cập đến tự do hàng hải và tự do bay trên Biển Đông trong Công hàm số CML63/2020. Nhật Bản cho rằng tự do hàng hải và tự do bay phải được bảo đảm ở vùng biển xung quanh và vùng trời phía trên các cấu trúc được xác định là cấu trúc chỉ nổi khi thuỷ triều thấp cũng như không có vùng biển và không phận chủ quyền riêng, như nội dung của phán quyết mà Toà trọng tài quốc tế đưa ra vào ngày 12/7/2016.
Tuy nhiên, Trung Quốc không chấp nhận phán quyết này và khẳng định họ có “chủ quyền trên vùng biển bao quanh và vùng trời bên trên các cấu trúc chỉ nổi khi thuỷ triều xuống.
Thực tế là Trung Quốc phản đối hoạt động bay của Nhật Bản ở vùng trời trên đá Vành Khăn và cố hạn chế tự do bay trên Biển Đông, công hàm của Nhật nói.
Phái đoàn Nhật đề nghị Tổng thư ký LHQ lưu hành công hàm này tới tất cả các quốc gia thành viên của UNCLOS 1982 và LHQ.
Cuộc chiến phản đối công hàm công hàm liên quan đến Biển Đông bắt đầu từ Báo cáo ranh giới thềm lục địa mở rộng tại khu vực phía bắc biển Đông mà Malaysia gửi lên Uỷ ban ranh giới thềm lục của LHQ vào ngày 12/12/2019.
Ngay trong hôm đó, Trung Quốc gửi công hàm phản bác báo cáo của Malaysia.
Công hàm của Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền đối với 4 nhóm đảo là Hoàng Sa, Trường Sa (của Việt Nam), Trung Sa, Đông Sa (gọi chung là Nam Hải chư đảo); Trung Quốc có các vùng biển (nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) từ các nhóm thực thể và; Trung Quốc có quyền lịch sử ở biển Đông.
Hàng loạt quốc gia gồm Việt Nam, Indonesia, Mỹ, Anh, Pháp và Đức đều đã gửi công hàm phản đối các luận điểm này của Trung Quốc.