Ông Masashi Tsuda đã phát hiện ra những vấn đề liên quan tới trí nhớ khi mới ngoài 50 tuổi, bao gồm:
Thường xuyên quên mật khẩu của ngăn tủ đựng đồ tại cơ quan, gặp khó khăn trong việc làm quen với hệ thống máy tính mới của công ty và bỗng nhiên quên sạch bài thuyết trình cho kế hoạch kinh doanh mới.
Mặc dù hai lần được bác sĩ khẳng định do làm việc quá căng thẳng nên mới bị như vậy, song 5 năm trước, ông Tsuda bất ngờ nhận chẩn đoán về chứng Alzheimer giai đoạn đầu.
"Chúng tôi vừa mới xây dựng lại nhà riêng, thế nhưng mọi kế hoạch sắp tới dường như tan vỡ hết bởi ông ấy dần quên đi nhiều thứ quan trọng. Tôi từng bị sụt 8 kg, mái tóc bạc trắng vì suy nghĩ quá nhiều", bà Kazuko – vợ của ông Tsuda kể lại trong nước mắt.
Theo dự báo, từ giờ tới năm 2025, cứ năm công dân cao tuổi tại Nhật Bản thì sẽ có một người mắc phải chứng đãng trí. (Ảnh minh họa)
Nhưng ông Tsuda không phải là trường hợp cá biệt, bởi Nhật Bản vốn là một quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của vấn nạn đãng trí tuổi già trong những thập niên tới - với khoảng 4,6 triệu người dân đang phải đối mặt với căn bệnh nguy hiểm này.
Các chuyên gia dự đoán, nếu tình trạng dân số già hóa vẫn tiếp tục diễn ra thì tới năm 2025, cứ năm người trên 65 tuổi sẽ có một người phải sống chung với nó cho tới hết cuộc đời.
Đối mặt với tình trạng thiếu hụt đội ngũ nhân viên chăm sóc chuyên nghiệp, đồng thời mức chi phí y tế lại đang dần gia tăng nên nhiều khu vực trên khắp xứ anh đào đã đưa ra biện pháp nhằm giải quyết mọi việc theo hướng hợp lý nhất.
Gia tăng số bệnh nhân mắc bệnh đãng trí
Năm 2015, chính quyền tại Nhật Bản đã công bố Kế hoạch Da cam – một gói giải pháp đồng bộ nhằm đối phó với tình trạng người mắc chứng đãng trí tuổi già gia tăng trong dân số: Đào tạo thêm nhiều nhân viên chăm sóc y tế chuyên nghiệp, nghiên cứu phát triển những loại thuốc mới, thường xuyên thăm hỏi và hỗ trợ gia đình của họ.
28% của 480.000 dân số tại thành phố Matsudo là trên 65 tuổi. (Ảnh minh họa)
Riêng thành phố Matsudo nơi vợ chồng ông Tsuda sinh sống, các chính sách như vậy từng áp dụng từ năm 2010 bởi khi đó đã có tới 28% của 480.000 dân số trên 65 tuổi.
Khoảng 11.000 công dân cao tuổi mắc chứng đãng trí tuổi già – cao hơn tới 3.000 trường hợp so với bảy năm trước hiện đang được chăm sóc bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Con số trên không bao gồm những người chưa được đội ngũ y bác sĩ chẩn đoán cụ thể. Nếu tính hết mọi trường hợp đó thì tới năm 2025, đây sẽ là nơi sinh sống của 26.000 bệnh nhân thiếu minh mẫn về mặt thần trí.
"Từ nhiều năm trước, chúng tôi đã nhận ra số lượng người cao tuổi mắc chứng đãng trí gia tăng sẽ tạo nên gánh nặng to lớn đối với xã hội. Nếu không có giải pháp kịp thời thì mọi chuyện còn phức tạp hơn nữa", đại diện Cục Phúc lợi Người cao tuổi thành phố Matsudo bà Junko Yoshida nói.
Những cơ sở dịch vụ phải thường xuyên tiếp xúc với người cao tuổi là ngân hàng hay taxi. (Ảnh minh họa)
Nhiều kế hoạch nhằm đối mặt với vấn nạn trên được đưa ra, mà đi đầu là việc nâng cao nhận thức về chứng bệnh này cho người dân cũng như các doanh nghiệp lớn nhỏ – đặc biệt là những cơ sở dịch vụ phải thường xuyên tiếp xúc với người cao tuổi như ngân hàng hay taxi.
Vào mùa hè năm ngoái, thành phố Matsudo phân phát miễn phí hàng loạt phù hiệu kèm theo mã QR, giúp cơ quan cảnh sát có thể xác định gia đình của bệnh nhân đãng trí một cách nhanh chóng.
Chính quyền cũng tổ chức các khóa huấn luyện kéo dài 90 phút với mục đích gây dựng đội ngũ tình nguyện viên ở từng khu dân cư, góp phần nâng cao nhận thức và cung cấp sự hỗ trợ trực tiếp ngay trong phạm vi gần.
"Đã có khoảng 21.490 lượt người hoàn thành khóa huấn luyện trên, trong đó 3.000 người thường xuyên tham gia vào hoạt động tuần tra khu phố cùng chiếc vòng đeo tay màu da cam đặc trưng", bà Yoshida cho biết.
Dân số mắc chứng đãng trí tuổi già tại Nhật Bản đang ngày một gia tăng. (Ảnh minh họa)
Các nhóm tình nguyện viên sẽ mặc chiếc áo khoác màu da cam khoảng vài lần mỗi tháng, di chuyển khắp các khu dân cư mà họ đang sinh sống nhằm phân phát tờ rơi với thông tin về dịch vụ hỗ trợ bệnh nhân đãng trí tuổi già và trực tiếp giúp đỡ khi cần thiết.
Cô Manami Yoshii, một tình nguyện viên chia sẻ: "Chúng tôi hay tạt qua những ngôi nhà mới xây vì chủ nhân của chúng thường có tuổi đời khá trẻ. Tuy nhiên, nếu bắt gặp một căn hộ cũ kỹ có rèm cửa rủ xuống giữa ban ngày hoặc số lượng báo giấy chất đống ngoài cửa thì chúng tôi sẽ lập tức gọi điện báo cảnh sát".
Ngoài ra, số lượng người già đãng trí đi lạc tại Nhật Bản đã đạt tới tình trạng đáng báo động với con số kỷ lục lên tới 15.432 trường hợp vào năm 2016 vùa qua – cao hơn hơn 25% so với năm trước đó.
Hướng giải quyết
Cách đây hai năm, khi bắt gặp một phụ nữ lớn tuổi đang dắt xe đạp đi giữa trời mưa mà không mang theo dù che chắn, ông Hiroyuki Yamamoto đã cố gắng tiếp cận và biết rằng bà này đang trên đường tới tỉnh Nagano – nơi cách vị trí hiện tại hàng trăm km.
Dựa vào những nội dung được huấn luyện từ trước, ông tiếp tục trò chuyện với thái độ thân thiết cho tới khi cảnh sát có mặt để đưa nạn nhân về nhà một cách an toàn.
"Câu chào hỏi xã giao là sự khởi đầu của mọi thứ, bạn không thể làm quen hoặc hỏi han đối phương có ổn hay không, bởi làm như vậy sẽ khiến họ trở nên đề phòng hơn. Tốt nhất là hãy bình luận về thời tiết, khen ngợi mọi thứ xung quanh nhằm xác định vấn đề dựa theo câu trả lời mà bản thân được nghe", ông Yamamoto nhấn mạnh.
Chân dung ông Hiroyuki Yamamoto.
Hoạt động tuần tra khu dân cư ở thành phố Matsudo đã mang lại kết quả rất khả quan. Trong sáu năm vừa qua, có 180 trường hợp người cao tuổi với dấu hiệu đãng trí được đưa về nhà an toàn sau khi bỏ gia đình đi lang thang ngoài đường suốt nhiều giờ liền.
Thậm chí, một quán cà-phê chuyên phục vụ cho những bệnh nhân đó cũng được mở ra nhằm mục đích giúp họ thư giãn và trao đổi kinh nghiệm về quá trình đấu tranh của bản thân.
"Đó là nơi để mọi người có thể tới và trò chuyện một cách cởi mở bên tách trà nóng. Tôi cảm thấy mẹ ruột tôi, 69 tuổi có thể chia sẻ rất nhiều điều khi thoải mái nói chuyện một cách từ tốn mà không hề gây khó chịu cho người đối diện", cô chủ quán Yukari Sakamoto tâm sự.
Các nhóm tình nguyện viên sẽ mặc chiếc áo khoác màu da cam, đi qua từng khu phố để hỗ trợ người cao tuổi bị đãng trí khi cần thiết.
Sau nhiều tai nạn đáng tiếc từng xảy ra, bà Kazuko Tsuda đã thuyết phục chồng mình tham gia một trung tâm chăm sóc người cao tuổi nửa ngày – nơi những người mắc chứng đãng trí tuổi già có thể cùng vận động nhẹ nhàng, hát karaoke, trồng rau xanh hoặc đi dạo dưới sự giám sát của nhân viên chăm sóc.
Hiện bà Kazuko đang phải thích ứng dần với sự thay đổi của chồng, song vẫn rất hạnh phúc khi ông Tsuda luôn nhận ra người vợ "đầu ấp tay gối" suốt hơn 30 năm qua.
"Nếu có một điều ước, tôi sẽ ước hai vợ chồng có thể cùng nhau làm mọi việc như trước kia. Kazuko sẽ cảm thấy mọi thứ dễ dàng hơn nếu tự mình thực hiện được một việc gì đó – dù nó có đơn giản hay phức tạp đi chăng nữa.
Đúng vậy, ông ấy mắc chứng Alzheimer! Nhưng điều đó không có nghĩa rằng ông ấy đã mất đi cả lòng tự trọng", bà Kazuko khẳng định.