Theo tin của trang web Deutsche Welle (Đài Tiếng nói nước Đức) bản tiếng Trung Quốc ngày 20/1, lực lượng không gian này dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 4 năm 2020 và là một phần của Lực lượng Phòng vệ Không quân Nhật Bản.
Ông Abe đã tiết lộ tin này khi phát biểu tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Nhật Bản năm nay nhân kỉ niệm 60 năm ngày ký kết Hiệp định đảm bảo an ninh Nhật – Mỹ. Ông nói, Nhật Bản cần phải tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa xâm hại từ không gian mạng và gây nhiễu điện từ đối với các vệ tinh.
Hãng Associated Press viết, ngày càng có nhiều người lo lắng rằng Trung Quốc và Nga đang tìm cách gây nhiễu, vô hiệu hóa hoặc phá hủy các vệ tinh. Deutsche Welle cho rằng, mặc dù chính phủ Nhật Bản không đề cập rõ ràng đến tên Trung Quốc, nhưng ai là kẻ địch giả tưởng của lực lượng vũ trụ Nhật Bản thì mọi người đều biết khá rõ.
Ngày 20/1, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố Nhật Bản sẽ thành lập một lực lượng phòng thủ không gian với sự giúp đỡ của Mỹ (Ảnh: Đa Chiều)
Thủ tướng Shinzo Abe cũng nói, chúng tôi sẽ tăng cường mạnh mẽ khả năng và hệ thống tác chiến không gian để đảm bảo chiếm ưu thế trong các lĩnh vực này.
Lực lượng bộ đội không gian của Nhật Bản sẽ được triển khai tại một căn cứ quân sự ở vùng ngoại ô phía tây Tokyo. Khoảng 20 nhân viên sẽ có mặt tại đây để hoàn thành các công việc chuẩn bị trước khi lực lượng này chính thức bắt đầu hoạt động vào tháng 4 năm 2020.
Vai trò của đơn vị mới này là cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc và dẫn đường vệ tinh cho các binh sĩ ở tuyến trước.
Hồi tháng 12/2019, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã phê duyệt giành khoản ngân sách khoảng 460 triệu USD cho các dự án liên quan đến không gian này, nhưng quyết định này vẫn cần phải được Quốc hội phê chuẩn.
Trong Sách Trắng Quốc phòng do Nhật Bản phát hành vào cuối tháng 9/2019, lần đầu tiên Trung Quốc bị coi là mối đe dọa đối với Nhật Bản lớn hơn Triều Tiên.
Sách Trắng nói rằng trong bảy năm qua, Nhật Bản đã tăng chi tiêu quốc phòng 10% để ứng phó sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc và Triều Tiên, bao gồm các tên lửa của Triều Tiên có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Ngày 29/8/2019, Tổng thống Donald Trump tuyên bố thành lập quân chủng Không gian Mỹ (Ảnh: VCG)
Để duy trì sức mạnh quân sự hiện đại hóa hơn Trung Quốc, Nhật Bản đang mua các máy bay chiến đấu tàng hình do Mỹ sản xuất và các vũ khí tối tân khác.
Trong ngân sách quốc phòng mới nhất, quân đội Nhật Bản đã yêu cầu chi 115,6 tỷ Yên (1,1 tỷ USD) cho việc mua 9 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Lockheed Martin sản xuất, 6 chiếc trong số đó thuộc loại STOVL có thể cất hạ cánh cánh thẳng đứng hoặc trên đường băng ngắn của tàu sân bay.
Thông tin trên Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản cho thấy, kết hợp với các máy bay chiến đấu tàng hình và trang thiết bị chống tên lửa, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản năm 2020 được thực hiện từ ngày 1/4 sẽ gia tăng 1,2%, đạt 5,32 nghìn tỷ Yên (1 yên là khoảng 0,009 USD) – đạt mức kỷ lục mới.
Trong khi đó, ngân sách quân sự của Trung Quốc năm 2018 đã tăng tới 7,5%, đạt tới 177 tỷ USD, nhiều gấp hơn ba lần so với Nhật Bản. Trung Quốc cũng đang phát triển các vũ khí như máy bay chiến đấu tàng hình và tàu sân bay để giúp họ tăng cường tầm bao phủ về quân sự.
Thủ tướng Shinzo Abe ra sức mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong các công việc quốc tế, tăng cường hợp tác với quân đội Mỹ để cải thiện khả năng tương thích với các thiết bị quân sự và vũ khí của Mỹ.
Vào hôm Chủ nhật (19/1), nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước An ninh Nhật Bản - Hoa Kỳ, Shinzo Abe cho biết ông muốn tăng cường năng lực quân sự và hợp tác của Nhật Bản với Hoa Kỳ, bao gồm cả trong không gian và an ninh mạng.
Thủ tướng Shinzo Abe muốn sửa đổi Hiến pháp để tăng cường vai trò của Nhật trong các vấn đề quốc tế (Ảnh: Getty).
Ông Abe tuyên bố, ông quyết tâm hợp tác với Triều Tiên để giải quyết vấn đề “quá khứ bất hạnh” của Nhật Bản và hy vọng sẽ kết thúc các vấn đề hậu chiến liên quan trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm tới.
Ông nhắc lại ý muốn sẵn sàng bắt đầu cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Điều đáng chú ý là trước đây ông Abe thường đặt điều kiện cho khả năng gặp gỡ với tiền đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản tại Triều Tiên bị bắt cóc, nhưng hiện tại ông không đề cập rõ ràng đến những điều kiện này nữa.
Hãng Associated Press nói, một trong những kế hoạch của ông Abe trong nhiệm kỳ thứ ba của ông là sửa đổi hiến pháp. Sau thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II, Hiến pháp Nhật Bản được ban hành dưới ảnh hưởng của Hoa Kỳ cấm nước này sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.