Vào tháng 12 năm 2018, Tokyo đã thông qua kế hoạch sửa đổi hai tàu sân bay trực thăng lớp Izumo để trang bị máy bay chiến đấu phản lực F-35B Lightning II. Những sửa đổi này sẽ cho phép Nhật Bản lần đầu tiên vận hành tàu sân bay với máy bay cánh cố định kể từ Thế chiến II. Chính phủ Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ mua thêm máy bay F-35.
Với kế hoạch cuối cùng là trang bị 105 chiếc F-35A và 42 chiếc F-35B, Nhật Bản sẽ trở thành nhà khai thác loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm này với số lượng lớn nhất bên ngoài Mỹ.
Một loại tàu chiến mà Lực lượng Phòng vệ Hải quân Nhật Bản sẽ không vận hành là thiết giáp hạm và không có kế hoạch mua sắm một phiên bản thế kỷ 21 của siêu thiết giáp hạm Yamato họ chế tạo trong Thế chiến 2.
Tuy nhiên, theo bài báo mới đây từ The Drive dẫn nguồn truyền thông Nhật Bản, Tokyo hiện đang xem xét tính khả thi của việc mua sắm hai "siêu khu trục hạm".
Những tàu chiến như vậy - giống như những chiếc tàu sân bay đã được sửa đổi - dường như trái với Hiến pháp năm 1947 của Nhật Bản, vốn phản đối chiến tranh, và các lực lượng quân sự của Nhật Bản được duy trì với mục đích tự vệ.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, các siêu khu trục hạm sẽ thay thế cho cặp hệ thống phòng không Aegis Ashore trên đất liền vốn đã được lên kế hoạch. Dự án này đã bị đình chỉ do các vấn đề kỹ thuật, chi phí và những lời chỉ trích trong nước.
Các tàu khu trục mới sẽ tập trung vào việc phòng thủ tên lửa - chủ yếu từ Triều Tiên - và sẽ được trang bị phiên bản hệ thống chiến đấu Aegis được trang bị radar tầm xa AN / SPY-7 của Lockheed Martin. Nền tảng đó ban đầu được dành cho hệ thống Aegis trên bờ.
Nikkei Asia đưa tin rằng kinh phí cho các sửa đổi hệ thống AN / SPY-7 để phù hợp với nhu cầu của Nhật Bản sẽ được phân bổ trong ngân sách tài khóa 2021.
Trong khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự kiến sẽ phê duyệt chương trình chế tạo các tàu này, các quan chức cũng đã xem xét lựa chọn một tàu chiến chuyên dùng đánh chặn tên lửa. Tuy nhiên, mặc dù thực tế là một con tàu như vậy sẽ có chi phí thấp hơn, nhưng nó có thể dễ bị tấn công từ tàu ngầm và từ trên không.
Điểm cân nhắc khác là ngay cả khi tên lửa của Triều Tiên được coi là mối đe dọa chính, Nhật Bản vẫn có những ưu tiên khác bao gồm việc tuần tra Biển Hoa Đông do sự gia tăng gây hấn của Trung Quốc và các tàu khu trục trang bị hệ thống chiến đấu Aegis mới có thể là một bổ sung thiết thực cho hạm đội do khả năng cơ động và khả năng phòng thủ của chúng.
Một vấn đề nổi bật có thể là nhân sự. Tokyo đã lựa chọn hệ thống Aegis Ashore để giải quyết tình trạng thiếu nhân sự, nhưng giờ đây, hải quân Nhật Bản có thể cần được mở rộng hơn nữa với việc bổ sung các tàu chiến mới.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là liệu Tokyo sẽ chọn đóng một tàu chiến mới hay một phiên bản phái sinh của các tàu hiện có trong hạm đội. The Drive trích dẫn một tin của hãng tin Kyodo cho rằng chính phủ đang xem xét một con tàu có lượng choán nước tiêu chuẩn trên 8.000 tấn - lớn hơn lượng choán nước của lớp khu trục hạm Maya 8.200 tấn trong hải quân Nhật Bản.
Lớp Maya là một phiên bản sửa đổi của lớp Atago và tàu Maya đầu tiên được đưa vào hoạt động vào ngày 19 tháng 3 năm 2020, với tàu thứ hai, Haguro, sẽ đi vào hoạt động từ tháng 3 năm sau. Các tàu này cũng được thiết kế để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo của Nhật Bản, nhưng giờ đây dường như Tokyo đang nghĩ lớn hơn.