Nhật Bản chi hàng tỉ đô la nhập những mặt hàng nào của Việt Nam?

Hùng Lê |

Dệt may; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; và thủy sản là bốn nhóm hàng hóa của Việt Nam mà Nhật Bản chi nhiều tiền nhập khẩu hiện nay.

Nếu như năm ngoái Việt Nam xuất siêu sang thị trường Nhật Bản thì trong 9 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại có sự đảo chiều khi Việt Nam thâm hụt hơn 620 triệu đô la Mỹ từ thị trường này.

Nhật Bản chi hàng tỉ đô la nhập những mặt hàng nào của Việt Nam? - Ảnh 1.

Mặt hàng dệt may là nhóm hàng Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Nhật Bản. Ảnh: Hùng Lê

Từ nhiều năm qua, Nhật Bản luôn nằm trong nhóm bốn đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (cùng với Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc). Cán cân thương mại giữa hai bên luôn được giữ ở mức khá cân bằng.

Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nên đa phần nhóm hàng chủ lực này của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu bị sự sụt giảm vào thị trường xứ mặt trời mọc trong chín tháng qua. Ở chiều ngược lại, trong cùng thời gian này, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Nhật Bản tăng nhẹ.

Cụ thể theo cập nhật của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9 vừa qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt hơn 14 tỉ đô la Mỹ, giảm gần 1 tỉ đô la (tương đương giảm hơn 6,4%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, trong ba quí vừa qua, bốn nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực với giá trị lên đến tỉ đô la của Việt Nam dù vẫn duy trì với kim ngạch tỉ đô la nhưng đa phần đều lại bị sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Đơn cử như nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là dệt may chỉ đạt kim ngạch 2,584 tỉ đô la, giảm hơn 320 triệu đô la. Nhóm mặt hàng này đóng góp 18,4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt nam ở thị trường xứ hoa anh đào.

Với nhóm phương tiện vận tải và phụ tùng chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 1,636 tỉ đô la, giảm gần 300 triệu đô la.Trong khi đó, nhóm mặt hàng thủy sản chiếm 7,4%, đạt hơn 1,03 tỉ đô la, giảm hơn 30 triệu đô la so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, chỉ tính riêng sự sụt giảm của ba nhóm hàng chủ lực này, trong chín tháng qua, cả nước đã sụt giảm hơn 650 triệu đô la kim ngạch xuất khẩu vào thị trường xứ mặt trời mọc.

Riêng nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tỉ đô la còn lại là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng có mức tăng nhẹ khoảng 30 triệu đô la, đạt tổng kim ngạch 1,445 tỉ đô la trong chín tháng đầu năm nay, chiếm 10,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, trong chín tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu vào thị trường Việt Nam của hàng hóa Nhật Bản vẫn có mức tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong cùng thời gian trên, cả nước chi khoảng 14,627 tỉ đô la nhập khẩu hàng hóa từ xứ mặt trời mọc, tăng gần 450 triệu đô la (tương đương tăng 3,1%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm hàng Việt Nam chi nhiều tiền nhất nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch hơn 3,9 tỉ đô la, tăng mạnh gần 22,3%, tương đương hơn 700 triệu đô la so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với kim ngạch là hơn 3,31 tỉ đô la, giảm hơn 180 triệu đô; sắt thép các loại đạt kim ngạch 1,067 tỉ đô la, tăng hơn 40 triệu đô la so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung trong 9 tháng đầu năm, cán cân thương mại có sự đảo chiều khi Việt Nam nhập siêu hơn 600 triệu đô la từ thị trường Nhật Bản. Trong khi năm ngoái, Việt Nam xuất siêu sang thị trường này.

Cụ thể theo cơ quan hải quan, kết thúc năm 2019, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Nhật Bản đạt khoảng 39,94 tỉ đô la, cao nhất từ trước đến nay và chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 20,41 tỉ đô la, tăng 8,4% so với năm 2018, chiếm 7,7% tổng kim ngạch cả nước.

Nhật Bản chi hàng tỉ đô la nhập những mặt hàng nào của Việt Nam? - Ảnh 2.

Nhiều sản phẩmcủa Việt Nam cũng đưa vào hệ thống phân phối bán lẻ của Nhật Bản. Trong ảnh là hệ thống Aeon ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa từ xứ hoa anh đào này với tổng trị giá 19,53 tỉ đô la, tăng 2,5% so với năm trước đó, chiếm 7,7% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Với tình hình dịch bệnh Covid-19 về cơ bản được kiểm soát ở Việt Nam cùng chiều hướng tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu trở lại và đặc biệt là chuyến công du của tân Thủ tướng Suga Yoshihide đến Việt Nam, giới phân tích hy vọng kết thúc năm 2020, quy mô thương mại với Nhật Bản sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để có thể cán mốc 40 tỉ đô la, một con số gần bằng của kết quả năm 2019.

Dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng dư địa từ thị trường Nhật Bản được giới phân tích đánh giá là còn rất lớn và là thị trường tiềm năng giúp tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai gần.

Việt Nam và Nhật Bản đang là thành viên của một số hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là điều kiện thuận lợi cho hai nước mở rộng hợp tác giao thương trên nhiều lĩnh vực.

Dù khó tính nhưng Nhật Bản được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam, với cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước có sự bổ sung cho nhau. Đáng chú ý, chất lượng hàng Việt Nam đã được người tiêu dùng Nhật Bản tin tưởng hơn.

Với kết quả kim ngạch xuất nhập khẩu trên cho thấy cơ cấu hàng hóa của Nhật Bản và Việt Nam mang tính bổ sung và không cạnh tranh lẫn nhau.

Nhật Bản là nước nhập siêu lớn về thủy sản, mặt hàng công nghiệp tiêu dùng như dệt may, giày da, thực phẩm , đồ gỗ, những mặt hàng chế biến,... trong khi Việt Nam lại là nước có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối về các sản phẩm này. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản máy móc, thiết bị, công nghệ và nguyên liệu cho sản xuất.

Theo giới phân tích Hiệp định CPTPP đang mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu ở thị trường xứ sở hoa anh đào.

Bên cạnh những mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu tỉ đô la nói trên, những sản phẩm khác của Việt Nam cũng đang xuất khẩu nhiều sang thị trường này gồm đồ gỗ, điện thoại di động, linh kiện điện tử...

Nhận định từ giới phân tích, sở dĩ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng mạnh thời gian qua là nhờ Hiệp định CPTPP. Bởi đây là lần đầu tiên Nhật Bản cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Và theo điều khoản trong CPTPP, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế ngay đối với 86% số dòng thuế, tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản và gần 90% số dòng thuế sau năm năm.

Do đó, CPTPP sẽ thúc đẩy mạnh mẽ dòng chảy thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, không chỉ giới hạn ở việc cắt giảm các dòng thuế mà còn tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, cũng như làm giảm các thủ tục về thương mại và đầu tư.

CPTPP là hiệp định thương mại tựdo thứ 3 mà Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia ký kết. Trước đó, hai nước đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tếtoàn diện ASEAN –Nhật Bản (có hiệu lực vào năm 2008) và Hiệp định Đối tác kinh tếViệt Nam –Nhật Bản (có hiệu lực vào năm 2009).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại