Huấn luyện... với hàng nghìn nút buộc
Sáng sớm, mặt trời trên biển Nha Trang đỏ rực như hòn lửa. Từng đợt sóng vỗ dạt dào vào mạn tàu buồm Lê Quý Đôn. Từ buồng chỉ huy, Thượng úy Cao Xuân Long, Phó thuyền trưởng tàu Lê Quý Đôn, phát khẩu lệnh qua hệ thống truyền thanh nội bộ: “Alamcambat” (Báo động chiến đấu).
Chưa đầy 30 giây sau khi khẩu lệnh được phát ra, toàn bộ cán bộ, thủy thủ đã tập trung đầy đủ trên mặt boong tàu. “Toàn tàu kiểm tra buồm”, Thượng úy Long phát khẩu lệnh to rõ, dứt khoát.
Các thủy thủ nhanh chóng chạy tỏa về các hướng, thoăn thoắt trèo lên những cột buồm được phân công. Tàu buồm Lê Quý Đôn có ba cột buồm. Mỗi cột cao hơn 4m với 5 thanh xà ngang.
Trong bộ quân phục hải quân, các thủy thủ leo chót vót trên ngọn các cột buồm trông giống như những bông hoa nở trên nền trời xanh.
Vừa quan sát hoạt động của các thủy thủ, Thượng úy Long cho chúng tôi biết:
“Kiểm tra cột buồm thứ nhất và cột buồm thứ hai cần có 10 thủy thủ, cột buồm thứ 3 cần 6 thủy thủ. Nhà báo nhìn động tác của các thủy thủ đơn giản như vậy nhưng để thuần thục, nhanh, chính xác, yêu cầu tính cẩn thận, tỉ mỉ rất cao. Con tàu có 180 dây buồm với hàng nghìn nút buộc.
Khi tàu hoạt động, mỗi nút đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của tàu. Vì vậy, các thủy thủ phải kiểm tra đến từng nút buộc. Để đáp ứng được khả năng thực hiện nhiệm vụ ban đêm hoặc trong điều kiện thời tiết giông bão, các thủy thủ phải thường xuyên luyện tập, các thao tác phải đạt đến trình độ kỹ năng, kỹ xảo”.
Mặt trời dần lên cao, mồ hôi ướt đẫm trên khuôn mặt các thủy thủ. Sau gần một giờ kiểm tra, công tác chuẩn bị đã kết thúc. Các thủy thủ nhanh chóng tháo dây buộc buồm, leo xuống những vị trí phân công.
Thượng úy Long khẩn trương vào ca bin quan sát máy đo tốc độ gió, hướng gió, rồi trở ra phía mũi tàu quan sát hướng gió ngoài thực địa. Gió hướng Đông. Đồng chí Long bảo, bây giờ tàu đi về phía Đông Bắc.
Để tàu di chuyển được, buồm phải hợp với hướng gió một góc từ 60 đến 80 độ. Rồi anh lệnh cho các thủy thủ bên phải tàu nới dây, mạn trái thu dây. Những bắp tay cuồn cuộn của các thủy thủ bám chắc nịch vào những sợi dây buồm.
Họ phối hợp từng động tác nhịp nhàng. Thanh xà ngang của cột xà lệch dần về bên phải. Nếp gấp của cánh buồm từ từ nhả ra kéo căng lên. Buồm trương gió, con tàu rẽ sóng vượt ra khơi. Ánh mắt của các thủy thủ dõi theo làn nước, tươi vui, hồ hởi.
Chúng tôi đứng cạnh Thiếu úy QNCN Hoàng Đăng Dương. Anh được mọi người đặt cho biệt danh là “triển vọng”, bởi vì còn rất trẻ nhưng ý thức học tập của Dương rất tốt. Dương luôn chủ động tìm tòi, học hỏi cái mới.
Nhiệm vụ nào được giao Dương cũng đều hoàn thành tốt, nhiều việc còn có sáng tạo bất ngờ. Dương ít nói, tính tình hiền khô. Anh bảo: “Mỗi khi nhìn thấy con tàu rẽ sóng ra khơi, trong tôi thấy lâng lâng vui sướng. Trước khi sang Ba Lan học, tôi không biết gì về tàu buồm.
Trong 3 tháng huấn luyện với Hải quân Ba Lan, tôi phải làm quen với những điều cơ bản nhất. Ví dụ như động tác leo cột buồm, chúng tôi phải học mất 3 tuần, theo cấp độ từ thấp lên cao. Thời gian học ngắn nên tôi tranh thủ mọi lúc để học tập, làm chủ trang bị, kỹ thuật.
Sau 4 tháng huấn luyện thực hành trên biển từ Ba Lan về Việt Nam, đến nay, tôi đã nắm hết các nội dung được phân công và biết thêm những thủy thủ trong tổ. Tôi luôn tâm niệm, con tàu là tài sản, là máu thịt của mình nên luôn nỗ lực học tập, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng của con tàu”.
Các thủy thủ làm công tác chuẩn bị căng buồm. Ảnh: Phạm Tuấn.
... đến làm chủ
Ở Học viện Hải quân, tàu buồm Lê Quý Đôn còn có tên gọi khác là “tàu 8x”. Anh Long bảo: “Khi con tàu mới nhận về biên chế của học viện, có rất nhiều đoàn khách tới tham quan. Mọi người đều ngỡ ngàng khi biết từ thuyền trưởng đến các thủy thủ hầu hết thuộc thế hệ 8x.
Có 5 thủy thủ thuộc thế hệ 9x. Vì vậy mọi người gọi vui là “tàu 8x”. Nghe anh Long chia sẻ, khơi gợi trong chúng tôi một niềm tự hào, làm chủ con tàu buồm hiện đại vào loại bậc nhất thế giới là đội ngũ cán bộ, thủy thủ có tuổi đời còn rất trẻ.
Trong suốt quá trình “nhập vai” kíp tàu luyện tập, chúng tôi thấy cán bộ và thủy thủ đều sử dụng bằng tiếng Anh. Hỏi ra mới biết, 100% cán bộ, thủy thủ trên tàu đều “sành” tiếng Anh. Khẩu lệnh, tên gọi của các trang bị chuyên dùng trên tàu đều được sử dụng bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, để tiện trong quá trình huấn luyện, đặc biệt là lực lượng học viên mới, kíp tàu đang đề xuất xây dựng bảng ngôn ngữ bằng tiếng Việt.
Rời boong tàu, chúng tôi vào buồng chỉ huy thông tin. Thượng úy Nguyễn Thanh Lý, Trưởng ngành thông tin, ra-đa và Trung úy QNCN Nguyễn Văn Việt đang miệt mài với công việc thu phát tín hiệu.
Biết chúng tôi đến tham quan, anh Lý vui vẻ giới thiệu:
“Tất cả các máy móc, trang bị thông tin trên tàu đều rất hiện đại, nằm trong hệ thống cứu nạn và an toàn hàng hải toàn cầu. Sau khi nhận bàn giao từ Hải quân Ba Lan, đến nay, chúng tôi đã làm chủ được hơn 80% các trang bị, vận hành thành thạo, khai thác tối đa tính năng sử dụng, có thể phát hiện và sửa chữa những hỏng hóc nhỏ”.
Anh Lý kể, rất thích học với các học viên Ba Lan. Khi học tập họ rất nghiêm túc. Mỗi khi có khó khăn cần hỏi, các bạn đều tận tình giúp đỡ. Trong quá trình huấn luyện thực hành trên biển, các chiến sĩ Hải quân Ba Lan luôn sát cánh bên cạnh các thủy thủ của tàu.
Họ vừa quan sát, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc. Cũng chính vì vậy mà quá trình tiếp nhận, sử dụng của thủy thủ kíp tàu diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.
Đã lên tàu, muốn hiểu được khó khăn, vất vả của các thủy thủ phải xuống tìm hiểu ở khoang máy. Khoang máy nằm ở tầng sâu nhất của con tàu.
Khi vừa bước vào cửa khoang, chúng tôi đã cảm nhận được luồng hơi nóng tỏa ra từ động cơ trộn lẫn mùi xăng dầu, vị mặn mòi của nước biển phả vào mặt. Quả thật, nếu chưa quen thì rất nhiều người sẽ bị lợm giọng, buồn nôn từ những giây đầu tiên.
Trung úy QNCN Vũ Đình Chinh tươi cười hỏi chúng tôi: “Đi tác nghiệp ngoài biển, nhà báo có bị say sóng không?”. “Chúng tôi đã có nhiều chuyến hải trình trên biển nên đã quen với sóng gió” - chúng tôi trả lời. Câu chuyện say sóng dần dần dẫn chúng tôi đến công việc chuyên môn.
Chinh giới thiệu cho chúng tôi những loại máy hiện đại trên tàu như máy lọc nước biển, máy nén khí... Chinh cho biết, nước biển ở Việt Nam mặn hơn so với bên Ba Lan nên hằng ngày, anh phải thường xuyên lau chùi, bảo dưỡng các loại động cơ.
Đến bây giờ, Chinh đã quen với tiếng nổ của từng loại máy, chỉ cần nghe sự thay đổi là biết được động cơ bị “cảm cúm” hay bị “ốm nặng”. Hiện nay, Chinh đang tìm thêm tài liệu liên quan đến các loại máy mới trang bị để nghiên cứu học hỏi.
Anh bảo: “Tôi cố gắng để trở thành “bác sĩ” giỏi, khắc phục được mọi sự cố “ốm đau” của con tàu”.
Rời khoang máy, đi tham quan khu nhà ăn, nhà bếp, phòng ngủ... trò chuyện với các thủy thủ, chúng tôi được biết, toàn bộ kíp tàu vẫn giữ nguyên kể từ thời gian học tập bên Ba Lan đến nay.
Trải qua quá trình làm việc và sinh hoạt, giờ đây, họ đã thấu hiểu và tìm được tiếng nói chung trong thực hiện mọi nhiệm vụ.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với sức sáng tạo của tuổi trẻ, cán bộ, thủy thủ tàu buồm Lê Quý Đôn luôn đoàn kết, tích cực huấn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó.
Thượng úy Cao Xuân Long: “Huấn luyện trên tàu buồm là quá trình đầy thử thách nhưng cũng rất thú vị để phát triển sự tự tin và thay đổi phong cách sống của mỗi học viên hải quân. Môi trường huấn luyện trên tàu buồm rất căng thẳng.
Học viên sẽ học cách tự xoay xở và tương tác với các thành viên khác trong đội để điều khiển con tàu, giúp thúc đẩy khả năng tự nhận thức, sự tự tin ở mỗi người. Huấn luyện trên tàu buồm, các học viên sẽ học được nhiều điều về biển cả, về gió và dòng chảy và cả về bản thân mình cùng các đồng đội”.