Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20-1 ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm. Ảnh: ABC News
Dự luật do các thành viên đảng Dân chủ đề xuất được Tổng thống Joe Biden ủng hộ vấp phải trở ngại tại một quốc hội mà đảng Dân chủ chiếm thế đa số mong manh.
Các quan chức chính quyền lập luận dự luật này là nỗ lực của Tổng thống Joe Biden để khởi động lại cuộc thảo luận về việc đại tu hệ thống nhập cư của Mỹ và để mở khả năng đàm phán. Một quan chức chính quyền cho biết ông Biden sẵn sàng làm việc với Quốc hội.
Theo đài CNN, dự luật có tên là Đạo luật Quốc tịch Mỹ năm 2021, gồm hoạch định cho lộ trình trở thành công dân Mỹ, giảm thời gian nhập quốc tịch từ 13 năm xuống còn 8 năm. Trong đó, bao gồm ngoại lệ với những người nhập cư không có giấy tờ đến Mỹ khi còn là trẻ em, những người thuộc diện cứu trợ nhân đạo được gọi là "Tình trạng được bảo vệ tạm thời" hoặc những người lao động nông nghiệp. Những cá nhân này có thể có thẻ xanh nếu đáp ứng các yêu cầu, trong đó có kiểm tra lý lịch.
Tuy nhiên, để đủ điều kiện theo dự luật này, những người nhập cư phải sống ở Mỹ trước ngày 1-1-2021.
Dự luật đề xuất của Tổng thống Biden, nếu được thông qua, cũng sẽ loại bỏ một số thuật ngữ khỏi luật nhập cư của Mỹ. Thay thế từ "người nước ngoài" bằng "không phải công dân". Tăng giới hạn ở mỗi quốc gia về số lượng nhập cư hợp pháp dựa trên việc làm và gia đình.
Sự thay đổi này theo quan chức chính quyền ông Biden là nhằm "phản ánh tốt hơn các đánh giá của tổng thống về vấn đề nhập cư".
Dự luật cũng sẽ tăng số lượng thị thực được cấp hàng năm từ 55.000 lên 80.000, theo một quan chức chính quyền Tổng thống Biden.
Công nhân dựng hàng rào gần El Paso, biên giới Mỹ - Mexico. Ảnh: AP
Đầu tư vào biên giới Mỹ - Mexico và khu vực Trung Mỹ cũng là vấn đề được hướng đến trong dự luật nhập cư Mỹ nói trên. Chính quyền ông Biden cũng sẽ tìm cách tạo ra những con đường hợp pháp và an toàn hơn cho việc di cư bằng cách thiết lập quá trình giải quyết tị nạn ở Trung Mỹ và tạo ra kế hoạch đầu tư 4 tỉ USD trong khu vực.
Theo đài CNBC, trước đó, trong ngày đầu nhậm chức, ông Biden đã ký sắc lệnh chấm dứt tình trạng khẩn cấp ở biên giới phía Nam do cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra và tạm dừng các dự án xây dựng bức tường biên giới.