Nhanh tay mua lại hàng chục MiG-29 với giá rẻ như cho, Mỹ khiến nhiều quốc gia phải ôm hận

Nam Đồng |

Ngoài 4 tiêm kích Sukhoi Su-27, Không lực Hoa Kỳ còn sở hữu một phi đội MiG-29 Fulcrum với số lượng lên tới 21 chiếc.

Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, tình cảnh khó khăn về kinh tế của Nga cũng như nhiều nước cộng hòa mới tách ra độc lập đã cung cấp cho Mỹ cơ hội không thể tốt hơn để sở hữu nhiều vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự thuộc hàng báu vật mà trước kia họ hầu như chẳng thể tiếp cận.

Có thể kể ra đây một vài ví dụ tiêu biểu như trong thập niên 1990, Hoa Kỳ đã mua được từ Nga 1 hệ thống phòng không lục quân tầm xa S-300V (không chuyển giao radar đa kênh 9S32 GRILL PAN) cùng với 1 tổ hợp S-300P của Belarus (không có thiết bị điện tử đi kèm).

Sau đó đến năm 1995, Mỹ tiếp tục mang về từ Belarus 2 tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-27 Flanker. Sang đến năm 2009, 2 chiếc Su-27UB khác của Ukraine cũng vượt đại dương tới Hoa Kỳ để phục vụ chương trình đào tạo phi công chiến đấu.

Tuy nhiên hợp đồng đáng chú ý nhất phải kể đến thương vụ mua lại 21 chiến đấu cơ MiG-29 Fulcrum thuộc biên chế Không quân Moldova.

Nhanh tay mua lại hàng chục MiG-29 với giá rẻ như cho, Mỹ khiến nhiều quốc gia phải ôm hận - Ảnh 1.

Tiêm kích MiG-29UB của Không quân Moldova

Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, trong năm 1997, Moldova đã bán cho Mỹ 21 tiêm kích MiG-29 Fulcrum (bao gồm 2 phiên bản MiG-29S và MiG-29UB), giá trị hợp đồng ước tính vào khoảng 40 triệu USD, như vậy tính bình quân mỗi chiếc MiG-29 chỉ có giá chưa tới 2 triệu USD.

Mỹ thông báo, mục đích chính của thương vụ trên là nhằm ngăn cản nguy cơ chúng được bán cho những quốc gia "hiếu chiến" như Iran. 

Bên cạnh đó, những chiếc MiG-29 này còn rất hữu ích khi được triển khai cho hoạt động huấn luyện đối kháng nhằm nâng cao kỹ năng không chiến quần vòng cho các phi công thuộc Không quân và Hải quân Hoa Kỳ.

Dữ liệu thu thập được sẽ rất hữu ích đối với các cuộc xung đột có thể nổ ra trong tương lai và còn ảnh hưởng trực tiếp đến thiết kế cũng như quá trình thử nghiệm những hệ thống vũ khí mới.

Nhanh tay mua lại hàng chục MiG-29 với giá rẻ như cho, Mỹ khiến nhiều quốc gia phải ôm hận - Ảnh 2.

Tiêm kích MiG-29UB của Moldova được vận chuyển bằng máy bay vận tải tới Mỹ

Như vậy, dễ dàng nhận thấy đây là một "món hời" cực lớn đối với Không lực Hoa Kỳ, Moldova đã bán cả phi đội MiG-29 của mình với mức giá rẻ như cho, thậm chí còn rẻ hơn cả MiG-21 hay Su-22 đã qua sử dụng.

Nhờ sự nhanh nhạy và hiệu quả, Không quân Mỹ đã sở hữu số lượng lớn tiêm kích đánh chặn hàng đầu của khối Warsaw trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, họ còn khiến những quốc gia có ý định mua hàng thanh lý chất lượng cao như Iran hay Triều Tiên phải "tiếc ngẩn ngơ".

Hiện tại không rõ còn bao nhiêu chiếc MiG-29 thuộc diện này đang hoạt động, nhưng nhiều máy bay đã được chuyển giao cho các bảo tàng tại Nellis AFB, Nevada; NAS Fallon, Nevada; Goodfellow AFB, Texas; và Wright-Patterson AFB, Ohio để trưng bày phục vụ khách tham quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại