Nhân vụ bé gái 12 tuổi tố cha dượng cưỡng hiếp đến có bầu: Chuyên gia lý giải sự ảnh hưởng tâm lý khủng khiếp suốt cuộc đời

Mai Thùy |

Theo các chuyên gia, đối với những đứa trẻ bị cha dượng xâm hại tình dục dẫn đến có thai, chúng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý dai dẳng trong cả cuộc đời. Thậm chí, có nhiều trẻ không thể phát triển lành mạnh được, luôn khiếp sợ những người đàn ông hoặc có thái độ căm thù với họ.

Những ngày gần đây, vụ bé gái 12 tuổi (ở Sơn La) tố cha dượng nhiều lần cưỡng hiếp dẫn đến có bầu 7 tháng đang khiến dư luận hoang mang. Theo lời kể của bé gái này, lần đầu tiên em bị cha dượng giở trò đồi bại là lúc gần nghỉ hè lớp 5, tức chưa đầy 11 tuổi.

Khi ấy, lợi dụng lúc mẹ em đi làm, em bé thứ 2 còn nhỏ, cha dượng đã cưỡng hiếp em ngay tại nhà và tổng cộng em đã bị xâm hại đến 8 lần. Mỗi lần như vậy, em đều rất sợ, muốn nói với mẹ nhưng người cha dượng luôn tìm cách ngăn cản và dọa sẽ giết cả 2 mẹ con.

Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi mẹ em thấy con xanh xao lạ thường và nghi ngờ sức khỏe của con có vấn đề nên cho đi khám thì phát hiện em đã có thai. Hiện em cùng mẹ đang phải "lánh nạn" tại Bắc Ninh theo sự trợ giúp của một nhóm thiện nguyện.

Nhân vụ bé gái 12 tuổi tố cha dượng cưỡng hiếp đến có bầu: Chuyên gia lý giải sự ảnh hưởng tâm lý khủng khiếp suốt cuộc đời - Ảnh 1.

Em bé 12 tuổi đang mang bầu 7 tháng vì bị cha dượng cưỡng hiếp. Ảnh: Phùng Minh

Sự việc đau lòng trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ trẻ em gái bị xâm hại tình dục ngay cả khi người đó là người thân trong gia đình. Bởi lẽ, trên thực tế, chuyện cha dượng giở trò đồi bại với con gái riêng của vợ đã từng diễn ra ở nhiều nơi và các nạn nhân trong những vụ việc ấy đa phần đều là những bé gái đang ở tuổi vị thành niên, thậm chí là những em bé còn rất nhỏ.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, việc cha dượng cưỡng hiếp con riêng của vợ là điều không thể chấp nhận được và những kẻ thực hiện hành vi đó cần phải bị pháp luật trừng trị nghiêm minh, đủ sức răn đe với những kẻ khác để không xảy ra những tình trạng tương tự.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, ở những gia đình mà người mẹ tái giá, mang theo con riêng sống chung với người chồng mới, bên cạnh những trường hợp đứa con riêng đó được yêu thương, quan tâm như con đẻ từ phía cha dượng thì cũng có một số trường hợp, đứa trẻ sẽ gặp những nguy cơ như bị bạo hành hoặc bị xâm hại tình dục.

"Nếu người cha dượng độc ác, đứa trẻ sẽ có nguy cơ bị hành hạ, đánh đập. Điều này hay xảy ra với những bé trai. Còn với những bé gái, dù ít bị đánh đập nhưng lại dễ có nguy cơ bị lợi dụng, xâm hại", chuyên gia Trịnh Trung Hòa nói.

Nhận định về nguyên nhân các bé gái dễ có nguy cơ bị cha dượng xâm hại như trường hợp của bé 12 tuổi nêu trên, vị chuyên gia này cho rằng, trước hết, điều này xuất phát từ tâm lý ngây thơ của những đứa trẻ. Chúng nghĩ người cha dượng đã được mẹ mình thương yêu, tín nhiệm lấy làm chồng nên đương nhiên là người tốt. Tâm lý này khiến trẻ mất cảnh giác và không có ý định đề phòng người cha mới này.

Nhân vụ bé gái 12 tuổi tố cha dượng cưỡng hiếp đến có bầu: Chuyên gia lý giải sự ảnh hưởng tâm lý khủng khiếp suốt cuộc đời - Ảnh 2.

Việc sống chung một nhà là cơ hội để những người cha dượng "yêu râu xanh" dễ thực hiện hành vi đồi bại của mình với những bé gái. Ảnh: Ngôi nhà nơi bé gái 12 tuổi tố bị cha dượng nhiều lần hãm hiếp

Thứ hai là, khi sống chung dưới một mái nhà với tư cách là cha – con, người cha dượng có rất nhiều cơ hội để lại gần và tiếp cận đứa trẻ. Khi thời cơ đến (chẳng hạn, người mẹ đi vắng, chỉ có hai người ở nhà), những kẻ này dễ dàng khống chế và thực hiện những điều "bậy bạ" với con gái riêng của vợ.

Sau những hành vi đồi bại ấy, chúng dùng cái uy của một người bố để dọa nạt, cấm đoán trẻ không được nói ra sự thật. Do đó, nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục, thậm chí xâm hại rất nhiều lần nhưng không được phát hiện hoặc chỉ được phát hiện khi những đứa trẻ bị xâm hại đã mang thai.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, đối với những đứa trẻ bị cha dượng xâm hại tình dục dẫn đến có thai, chúng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý dai dẳng trong cả cuộc đời. Thậm chí có nhiều trẻ không thể phát triển lành mạnh được, luôn khiếp sợ những người đàn ông hoặc có thái độ căm thù với họ.

Cùng với đó, việc bị xâm hại và mang thai, làm mẹ quá sớm dễ khiến tâm lý của các sản phụ vị thành niên trở nên nhạy cảm, dễ rơi vào hoang mang. Nếu không có sự hỗ trợ và hướng dẫn từ người thân, các em dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, suy nhược cơ thể và nhiều hệ lụy khác…

Các chuyên gia nhận định, thực tế, trong cuộc sống ngày nay, chuyện các gia đình không hạnh phúc dẫn đến tan vỡ và những người bố, người mẹ lựa chọn tái hôn để có cuộc sống mới cũng là điều hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, để không dẫn đến những câu chuyện đau lòng như trên, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, với những người phụ nữ trước khi quyết định "đi bước nữa", ngoài tình yêu, hạnh phúc của bản thân mình, còn phải nghĩ đến đứa con và tìm hiểu cho thật kỹ xem người đàn ông đó có đủ tình yêu thương và bao dung với con riêng của mình không; có phải là tuýp "yêu râu xanh", có nguy cơ hãm hại con hay không… Những điều này rất quan trọng để quyết định đi tới một cuộc hôn nhân mới.

Không những thế, theo chuyên gia Trịnh Trung Hòa, khi đã sống chung, những người mẹ có con gái riêng cũng không được chủ quan, mất cảnh giác mà tin tưởng tuyệt đối vào chồng mới. "Người mẹ cần phải thường xuyên trò chuyện cùng con, để ý những dấu hiệu, biểu hiện khác lạ (khi đứa trẻ bị xâm hại, chúng thường hay sợ sệt, giật mình và có cảm giác không an toàn…) để có thể kịp thời phát hiện và ngăn chặn sự việc trước khi nó đi quá xa và để lại hệ lụy nặng nề về sau cho con trẻ", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại