Nhân viên y tế "dứt áo" bệnh viện công (*): Nhiều hệ lụy khó lường

HẢI YẾN - NGỌC DUNG - HOÀNG PHÚC |

Việc bác sĩ giỏi rời bệnh viện công, thiệt thòi nhiều nhất là bệnh nhân, kế đến là sinh viên ngành y, bác sĩ nội trú khi thiếu người dìu dắt

Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh là một trong những xã đông dân nhất TP HCM với 180.000 người. Tuy nhiên, nhân viên y tế tại trạm chỉ có... 6 người.

Áp lực đè nặng trạm y tế

Chị Phạm Huế Thanh, Trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc B, cho biết với mức lương chỉ từ 6-7 triệu đồng/tháng mà nhân viên y tế phải làm rất nhiều việc. "Đi làm vì đam mê chứ nếu tính đến lương chắc chúng tôi không trụ được đến ngày hôm nay" - chị Thanh tâm sự và cho biết với dân số đông như tại Vĩnh Lộc B, ít nhất phải có 25 nhân viên mới gồng gánh hết việc.

Phường Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM, có hơn 64.000 dân nhưng chỉ có 7 nhân viên y tế. Nhân sự mỏng không phải đến bây giờ mới xảy ra mà đã tồn tại từ trước.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Vương, Trưởng Trạm Y tế phường Thạnh Xuân (quận 12, TP HCM), cho biết trước dịch Covid-19, tại trạm có 9 nhân viên. Tuy nhiên, đến hiện tại chỉ còn 7 người do 2 người xin nghỉ. Bảy nhân viên còn lại phải chia sẻ, choàng gánh công việc với nhau mới bảo đảm công tác phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn.

 Nhân viên y tế dứt áo bệnh viện công (*): Nhiều hệ lụy khó lường  - Ảnh 1.

Nhân viên y tế cơ sở việc nhiều, thu nhập thấp. Trong ảnh: Tiêm vắc-xin cho người dân tại trạm y tế phường Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM. Ảnh: HẢI YẾN

"Nhiều anh em ở đây vừa rồi có ý định xin nghỉ việc ra ngoài làm lo kinh tế gia đình. Tôi đã phải động viên mọi người rất nhiều, ráng gắn bó. Bởi hiện tại đã thiếu nếu nghỉ việc thì cũng khó khăn cho những người ở lại" - bác sĩ Vương nói.

Chảy máu chất xám

Bác sĩ P. đang công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới nói rằng dù là bác sĩ lâu năm nhưng hiện mức thu nhập của anh hiện vào khoảng hơn 7 triệu đồng/tháng. Để tăng thu nhập, mỗi lần xong việc ở bệnh viện, anh phải tranh thủ "nhảy" ra ngoài làm thêm. "Sắp tới, mình chắc cũng xin nghỉ việc ở bệnh viện, ra ngoài mở hẳn phòng khám tư, thu nhập khá cao hơn và công việc cũng vơi đi áp lực" - bác sĩ P. nói.

Bác sĩ Nguyễn Viết Thái, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, cho biết việc một số cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện nghỉ việc trong thời gian qua đã gây không ít khó khăn trong hoạt động của đơn vị vì thiếu hụt nhân lực, bác sĩ kinh nghiệm. "Cán bộ y tế có năng lực, kinh nghiệm nghỉ việc sẽ gây khó cho việc chăm sóc sức khỏe người dân. Để tìm người thay thế cũng khó và còn mất thời gian để đào tạo, thích ghi dần" - bác sĩ Thái lo ngại.

Nhân viên y tế cơ sở vì lương thấp dứt áo ra đi trong khi bác sĩ giỏi nghề cũng bỏ bệnh viện công dù có thâm niên hàng chục năm, thậm chí đã nắm giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt trong bệnh viện.

Một lãnh đạo bệnh viện tư nổi tiếng ở TP HCM chia sẻ chỉ trong hơn 2 năm qua, số lượng bác sĩ đang giữ các chức vụ hoặc có kinh nghiệm ở bệnh viện công chuyển công tác sang bệnh viện tư ngày càng nhiều. Với nguồn nhân lực cao cấp này, bệnh viện tư đang từng bước đáp ứng được nhu cầu thực tế của bác sĩ là cải thiện thu nhập.

Mới đây, một "cây đa cây đề" hàm GS-TS-BS trong lĩnh vực thần kinh nghỉ việc một bệnh viện công lập lớn trên địa bàn thành phố để chuyển sang bệnh viện tư nhân đã để lại nhiều tiếc nuối, suy tư cho đồng nghiệp. Câu chuyện này, một GS-TS-BS là "đàn em" của vị BS nói trên, chia sẻ: "Thay đổi môi trường làm việc là một "cú rẽ" quan trọng trong đời, cho dù đang ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy vậy, mình không xem đó là cuộc "tháo chạy" từ bệnh viện công sang tư như cách ví von của một số người. Nên hiểu một cách đơn giản, là ông ấy tìm cho mình môi trường làm việc phù hợp hơn để tiếp tục cống hiến".

PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP HCM - cho biết tình trạng chảy máu chất xám đã được TP HCM lường trước sau đại dịch Covid-19. Do đó, thành phố đã có nhiều giải pháp như đưa nguồn nhân lực mới ra trường về trạm y tế làm việc, nâng mức lương cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa thay đổi chính sách nâng cao cho người đã gắn bó lâu năm, chế độ đãi ngộ ở bệnh viện công vẫn còn thấp.

Bệnh viện thiếu người, trò mất thầy giỏi

GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, thừa nhận thời gian qua, nhiều bác sĩ giỏi của ông cũng đã rời bệnh viện đến một môi trường làm việc tốt hơn. "Từ lâu ai cũng biết rằng các bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy... là cái nôi đào tạo nhân lực ngành y. Thế nhưng nhiều chuyên gia giỏi, thầy giỏi lại chuyển sang bệnh viện tư vì thiếu máy móc, thiết bị y tế hiện đại, thiếu thuốc men và cơ chế đãi ngộ. Việc này đồng nghĩa với các em sinh viên, các bác sĩ nội trú, bác sĩ đào tạo sau đại học sẽ không được những "người thầy lớn" dìu dắt, đào tạo. Tình trạng này dẫn tới các bệnh viện lớn mất thầy, trò không được đào tạo chuẩn. Như vậy, chúng ta sẽ mất đi một vài thế hệ kế cận. Đây là một việc hết sức đau xót" - GS Giang tâm tư.

Theo nhiều chuyên gia, nếu không có giải pháp chặn làn sóng nghỉ việc, các cơ sở y tế công lập sẽ phải mất nhiều năm nữa để đào tạo, huấn luyện được một lứa cán bộ có tay nghề. Trong khi đó, chính nhân viên y tế cũng thiệt thòi vì mất cơ hội học tập, phát triển ở bệnh viện công và phải mất thời gian thích ứng với chỗ làm việc mới. Khi có sự thiếu hụt bác sĩ, nhân viên y tế lành nghề, chất lượng chăm sóc người bệnh chắc chắn sẽ không bảo đảm.

Làn sóng nghỉ việc chưa dừng lại

Kết quả nghiên cứu tình trạng lương của nhân viên y tế tuyến đầu trong phòng chống Covid-19 của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho thấy lương bình quân của họ ước tính 7,36 triệu đồng. Với mức lương này, chỉ 19,1% nhân viên y tế cho biết có thể chi trả hoàn toàn chi phí sinh hoạt.

Ngoài ra, khoảng 60% nhân viên y tế phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng đáng kể khi đại dịch diễn ra. Trong số các nhân viên y tế được khảo sát có hơn 1/3 cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm; hơn 62% cán bộ y tế không có trợ cấp trong đại dịch.

Nghiên cứu cũng cho thấy Covid-19 đã khiến khoảng 40% số người được khảo sát gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất; 70% bị lo lắng và trầm cảm; 25% giảm mức độ hài lòng với công việc... Trong 2.472 nhân viên y tế được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đề nghị đánh giá về khả năng duy trì công việc hiện tại thì có 3,4% cho biết "chắc chắn từ bỏ".

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-8

Kỳ tới: Làm sao giữ người?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại