Ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho rằng khi nhân viên y tế nghỉ việc chứng tỏ nơi đó đã không còn đủ hấp dẫn để giữ chân họ (về thu nhập, điều kiện làm việc…) trước nhiều ngã rẽ khác. Theo ông Quang, ngoài nguyên nhân chính là thu nhập thấp, còn có một số nguyên nhân khác.
Đâu chỉ vì tiền
Thứ nhất, áp lực công việc nặng nề và an toàn nghề nghiệp chưa bảo đảm. Thực tế, nhân viên y tế phải đối mặt với sự xúc phạm, đe dọa, hành hung từ phía người bệnh và người thân của họ. Tuy nhiên, cơ chế để bảo vệ y - bác sĩ còn nhiều bất cập.
Thứ hai, thuốc, vật tư y tế chưa đáp ứng đầy đủ để y - bác sĩ thuận lợi hơn trong công tác khám chữa bệnh, trong khi ở các bệnh viện tư, họ sẵn sàng đáp ứng đầy đủ.
Thứ ba, môi trường làm việc áp lực rất lớn nhưng lại không được động viên, đánh giá đúng mức từ người bệnh, xã hội đến cả các cấp quản lý.
Thứ tư, điều kiện học tập, trau dồi kỹ năng hay thăng tiến của bác sĩ, nhân viên y tế trong khu vực công cũng khác so với khu vực tư nhân. Khi làm việc ở khu vực công, y - bác sĩ muốn đi học phải chờ lần lượt, đáp ứng các yêu cầu của bệnh viện; khi muốn làm trưởng, phó khoa phải thuộc diện quy hoạch... Trong khi đó, ở khu vực y tế tư nhân nếu muốn đi học sẽ được tạo điều kiện; muốn thăng tiến chỉ cần có kỹ năng, được bệnh nhân tín nhiệm…
Không phải đãi ngộ mà cần công bằng
GS-TS Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội, nguyên Giám đốc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương - cho biết thực tế rất nhiều nhân viên y tế không phải làm 8 giờ mà là 10 giờ, 12 giờ, thậm chí 20 giờ mỗi ngày. Do đó, để giữ chân nhân viên y tế, Bộ Y tế cần xây dựng chính sách tổng thể để nhân viên y tế yên tâm, đủ sức công tác. "Đây không phải là đãi ngộ mà là sự công bằng về tiền lương. Chính sách bao gồm nhiều thứ: lương, chế độ trực, chế độ phụ cấp, chế độ độc hại rồi chính sách bồi dưỡng, nâng cao…" - GS Trí nêu quan điểm.
PGS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, cũng cho rằng thu nhập của nhân viên y tế ở khu vực công thấp không tương xứng với công sức bỏ ra, đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. "Tại TP HCM, Sở Y tế đã xây dựng đề án tăng cường năng lực cho y tế cơ sở. Trong đó có trợ cấp về hệ số lương cho cán bộ y tế cơ sở. Nhưng hiện anh em chưa nhận đồng nào bởi vì tất cả phải thông qua các thủ tục giấy tờ rất nhiều" - PGS Lan nói.
GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho rằng bác sĩ ngoài thu nhập ổn định cũng cần có phương tiện, thuốc tốt để chữa bệnh. Muốn vậy, viện phí phải được tính đúng, tính đủ. Hiện tại giá dịch vụ mới được tính 2/4 yếu tố chi phí là tiền lương và chi phí trực tiếp (chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định chưa được tính vào giá). "Không thể có chuyện giá dịch vụ 10 đồng lại chỉ tính 5 đồng. Hiện nay mức đóng BHYT quá thấp nên cũng cần tính toán cải tiến toàn bộ để có chất lượng dịch vụ tốt" - ông Giang nói.
Đồng quan điểm, PGS Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh mối tương quan giữa bác sĩ giỏi, trang thiết bị, thuốc chất lượng với cơ chế bệnh viện tự chủ. "Thực tế tài chính chúng ta có tự chủ được không? Từ mua sắm các vật tư, trang thiết bị, đặt máy móc, thuốc… tất cả phải theo quy trình rất ngặt nghèo. Tóm lại, cái gì cũng phải xin. Bệnh viện tự chủ là phải làm sao cho họ phát huy được chất xám để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đồng thời cải thiện đời sống y - bác sĩ" - PGS Phong Lan thẳng thắn.
Nhân viên y tế Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cạo râu, cắt tóc cho bệnh nhân. Ảnh: NGỌC DUNG
Kiến nghị nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100%
PGS-TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam, cho biết mới đây, Công đoàn ngành đã tập hợp các kiến nghị của cán bộ - công nhân viên chức ngành y tế về chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế gửi tới Đảng, Chính phủ, Ban Tuyên giáo, Tổng LĐLĐ Việt Nam. Theo PGS Bình, có nhiều quy định, chính sách liên quan lao động ngành y cần xem xét lại.
Về lương khởi điểm: Đối với bác sĩ, thời gian đào tạo kéo dài 6 năm (các ngành khác chỉ 4 năm) và phải mất 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1. Trong khi các ngành khác vừa ra trường đã hưởng mức lương khởi điểm là 2,34. "Đây là một bất cập, đề nghị điều chỉnh quy định lương khởi điểm riêng với bác sĩ ngành y tương đương bậc 2 là 2,67" - ông Bình nêu ý kiến.
Về chính sách thâm niên nghề: Hiện ngành giáo dục được hưởng chế độ thâm niên nghề trong khi ngành y có phần vất vả, độc hại hơn nhiều nhưng lại không có chế độ này. Do đó, Công đoàn y tế Việt Nam đề nghị quan tâm việc được hưởng chế độ thâm niên nghề y như đối với ngành giáo dục.
Về phụ cấp ưu đãi nghề: Theo Nghị định 56/2011, cán bộ y tế được hưởng từ 20%-70% chế độ phụ cấp ưu đãi nghề. Rất nhiều đối tượng lao động làm việc trong điều kiện môi trường bệnh viện lại không được hưởng phụ cấp này. Do đó, Công đoàn y tế Việt Nam đề nghị nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% và mở rộng một số đối tượng người lao động trong ngành y tế cùng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.
Bên cạnh đó, Công đoàn y tế Việt Nam cũng đề xuất có chính sách đặc biệt để thu hút nhân lực trong lĩnh vực đặc thù ngành y như phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS, hồi sức - cấp cứu, giải phẫu bệnh… Bởi những ngành nghề này có yếu tố nguy hiểm, cần tập trung cao độ tâm sức, trí tuệ nhưng hiện nay chưa có cơ chế phù hợp trong thu hút lao động này.
Rà soát ngay chế độ phụ cấp chống dịch
Bà Đào Hồng Lan, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết đã giao các vụ, cục liên quan của Bộ Y tế rà soát ngay về chế độ phụ cấp chống dịch Covid-19 cho toàn ngành. "Đây là quyền lợi chính đáng cán bộ y tế tham gia chống dịch đủ điều kiện được hưởng nhưng hiện chưa được hưởng, cần xem vướng ở đâu để tháo gỡ. Tôi chia sẻ với một số trăn trở của bệnh viện, trong đó có vấn đề kinh phí cũng như chế độ phụ cấp, tiền lương của nhân viên y tế" - bà Lan nói.