Liên quan đến phản ánh về tình trạng “cò phà” tại khu vực phà Cái Viềng (xã Phù Long, đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng), thuộc sự quản lý của Công ty Bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ Hải Phòng, UBND huyện Cát Hải vừa có kết quả kiểm tra, xác minh.
Theo đó, lực lượng chức năng bước đầu xác định, có ba người liên quan là Lê Mạnh Đạt (SN 1991, làm xe ôm, là người địa phương); Phan Văn Quỳnh (SN 1971, ở quận Hồng Bàng) và Đỗ Đức Tuyệt (SN 1990, ở huyện Kiến Thụy), đều là nhân viên bến phà Cái Viềng.
Nhóm nhân viên bến phà câu kết với tài xế xe ôm nhận tiền của các tài xế xe khách rồi dẫn qua trạm thu vé mà không phải xếp hàng.
Căn cứ kết quả xác minh, UBND huyện Cát Hải đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch”, theo quy định tại Nghị định 45/2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch, mức phạt 4 triệu đồng/người.
Đồng thời, tịch thu toàn bộ số tiền (1,1 triệu đồng) thu lợi bất hợp pháp của những người này nộp vào ngân sách Nhà nước.
Ô tô xếp hàng chờ lên phà Gót - Cái Viềng cao điểm mùa du lịch.
Trong quá trình mở rộng điều tra, Công an xã Phù Long (Cát Hải, Hải Phòng) còn phát hiện hai người có hành vi móc nối với nhân viên điều phối phà, tiếp cận các tài xế ô tô đi xuống phà nhanh không phải xếp hàng và có thu tiền để hỗ trợ xe qua phà. Hai người này là Bùi Đình Cương (SN 1996) và Nguyễn Văn Tùng (SN 1991, cùng trú xã Phù Long).
Huyện Cát Hải thừa nhận có tình trạng “cò phà”, tuy nhiên lãnh đạo UBND huyện này cho rằng đây chỉ là trường hợp cá biệt do một số người lợi dụng tình hình ách tắc tại bến phà để trục lợi cá nhân khi không có sự điều hành của lực lượng chức năng và không diễn ra thường xuyên.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Cát Hải cho biết, địa phương đã làm việc, đề nghị Công ty Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy Hải Phòng, lãnh đạo Ban Quản lý bến phà Gót - Cái Viềng quán triệt tới đội ngũ cán bộ, nhân viên bến phà và đề nghị có hình thức xử lý với hai nhân viên có hành vi vi phạm nêu trên.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng công an huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý tại bến phà, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, không để tái diễn tình trạng “cò phà”.