Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 25/11 đưa tin, Trưởng tiểu ban lãnh đạo công tác thí điểm cải cách thể chế giám sát toàn diện quốc gia Vương Kỳ Sơn mới đây đã triển khai công tác này tại ba địa phương: Bắc Kinh, Sơn Tây và Chiết Giang.
Đa chiều (Mỹ) từng nhận định, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ đảm nhận vị trí Trưởng ban tiểu ban lãnh đạo công tác thí điểm cải cách thể chế giám sát toàn diện quốc gia, bởi những "tiểu ban lãnh đạo" cao cấp được thành lập sau Đại hội khóa 18 đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ - 2012) đa phần đều do ông Tập trực tiếp chỉ đạo.
Do đó, việc được bổ nhiệm chức danh mới này cho thấy, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương (CCDI) Vương Kỳ Sơn đóng vai trò quan trọng tiến trình cải cách chính trị đang diễn ra tại Trung Quốc.
Ông Vương Kỳ Sơn (đeo kính, giữa) trong chuyến khảo sát tại Sơn Tây ngày 17/11. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Trung Quốc sẽ có cơ quan "quyền lực thứ tư"?
Website chính thức của CCDI tuyên bố, khác với CCDI và Viện kiểm sát, Ủy ban giám sát mới thành lập sẽ đảm nhiệm khối công việc như: Giám sát hành chính, phòng chống tham nhũng, phối hợp với cơ quan kiểm sát điều tra các vụ án tham nhũng và phòng chống tội phạm viên chức.
Đồng thời, ủy ban này sẽ trở thành cơ quan giám sát, hành pháp phối hợp với CCDI trong các công việc chung.
Giới phân tích đánh giá, quyền lực của Ủy ban giám sát lớn hơn CCDI vì ủy ban này có quyền hành pháp trong khi CCDI chỉ có quyền giám sát (kiểm tra).
Đặc biệt, phạm vi giám sát của ủy ban mới thành lập cũng rộng hơn - bất luận là đảng viên hay không phải đảng viên, chỉ cần là công nhân viên chức đều được đưa vào "tầm ngắm".
Ngày 7/11, Văn phòng trung ương đảng cộng sản Trung Quốc công bố Đề án triển khai thí điểm cải cách thể chế giám sát quốc gia tại Bắc Kinh, Sơn Tây và Chiết Giang, đồng thời thành lập Ủy ban Giám sát các cấp.
"Ủy ban giám sát thực chất là một cơ quan chống tham nhũng, nhiệm vụ của công tác giám sát cải cách thể chế chính là tăng cường sự lãnh đạo thống nhất của đảng với hoạt động chống tham nhũng", Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh.
Một số ý kiến nhận định, trong tương lai, ủy ban này sẽ trở thành cơ quan giám sát chống tham nhũng "siêu cấp".
Đồng thời, "quyền giám sát" của cơ quan này rất có thể trở thành "quyền lực thứ tư" trong hệ thống chính trị Trung Quốc, song song với quyền lập pháp của Quốc hội, quyền hành pháp của Quốc vụ viện và quyền tư pháp của Tòa án và Viện kiểm sát.
Trước đó, phát biểu tại các buổi khảo sát, Vương Kỳ Sơn cho biết, trong cơ cấu của Ủy ban giám sát cấp địa phương, Bí thư tỉnh/thành ủy nắm quyền tổng phụ trách, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật nắm quyền chỉ đạo chuyên môn.
Theo giới quan sát, điều này đồng nghĩa với việc ông Vương có thể sẽ thuận lợi trở thành Chủ nhiệm Ủy ban giám sát quốc gia trong thời gian tới.
Và việc bổ nhiệm Vương vào vị trí mới này được coi là động thái "một mũi tên trúng hai đích" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bởi:
Thứ nhất, thông qua việc thành lập Ủy ban giám sát, ông Tập muốn tăng cường thực quyền cho "nhân vật quyền lực số hai Trung Quốc".
Thứ hai, đây được coi là bàn đạp nhằm giúp Vương liên nhiệm sau Đại hội khóa XIX ĐCSTQ sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2017.
Có ý kiến đánh giá, Vương Kỳ Sơn vốn là trợ thủ đắc lực nhất trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" nên rất có khả năng nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phá bỏ quy tắc ngầm "7 lên 8 xuống" và dùng lý do "Vương có đóng góp to lớn, không ai có thể thay thế trong quá trình chống tham nhũng" để giúp ông này tiếp tục được bổ nhiệm sau Đại hội XIX.
"Kinh nghiệm và sức ảnh hưởng của Vương Kỳ Sơn trong 4 năm chống tham nhũng chính là điểm tựa cho Chủ tịch Tập Cận Bình nên Vương có thể sẽ không "về hưu" sau Đại hội XIX", chuyên gia kinh tế chính trị Trình Hiểu Nông bình luận.
Đối với 7 Ủy viên thường vụ của Bộ chính trị Trung Quốc, "7 lên 8 xuống" là một quy tắc ngầm, ý chỉ cán bộ 67 tuổi có thể được bầu vào vị trí này nhưng một người 68 tuổi sẽ "không đủ tiêu chuẩn".
Vương Kỳ Sơn sinh năm 1948, năm nay tròn 68 tuổi - đúng độ tuổi "về hưu" được áp dụng với Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc.