Tài năng thơ ca bộc lộ từ khi còn rất nhỏ
Có lẽ không còn ai xa lạ với cái tên Trần Đăng Khoa, bởi ông không chỉ nổi tiếng, mà còn nổi tiếng từ rất lâu. Rất khó để tìm được một người thứ hai nổi tiếng cả nước nhờ tài thi ca khi chỉ mới 7-8 tuổi như ông. Ở độ tuổi bạn bè đồng trang lứa vẫn đang tập tành học văn thơ ở trường, Trần Đăng Khoa đã có thơ được đăng báo.
Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, quê Hải Dương. Từ khi còn rất nhỏ, ông đã bộc lộ khả năng thiên phú về thi ca khi cho ra đời nhiều áng thơ hay. Năm 1968, ở độ tuổi lên 10, Trần Đăng Khoa đã xuất bản tập thơ đầu tiên mang tên Góc Sân Và Khoảng Trời. Nhưng bài thơ tiêu biểu trong đó như: Hạt Gạo Làng Ta, Trăng Ơi... Từ Đâu Đến, Khi Mẹ Vắng Nhà... được nhiều thế hệ biết đến và thuộc lòng. Sau này, bài Hạt Gạo Làng Ta càng trở nên nổi tiếng hơn khi được thi sĩ Xuân Diệu hiệu đính và nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ thành nhạc vào năm 1971.
Không chỉ được trong nước đón nhận và ưu ái gọi là "Thần đồng thơ Việt", tên tuổi của Trần Đăng Khoa còn vươn ra quốc tế khi dịch ra trên 40 thứ tiếng trên thế giới. Năm 1968, hãng truyền hình Pháp đã làm một cuốn phim tài liệu dài 30 phút về Trần Đăng Khoa mang tên Le petit monde de Khoa (Thế giới nhỏ của Khoa). Bộ phim do đạo diễn Gerard Guillaume trực tiếp viết kịch bản và lời bình, được phát trên các kênh truyền hình tại Pháp và Châu Âu theo lời giới thiệu của nhà thơ Xuân Diệu.
Video: Trần Đăng Khoa hướng dẫn các bạn cùng lớp làm thơ. Nguồn: mạng xã hội
Trong những thước phim cũ kĩ đó, ngoài khung cảnh nông thôn miền Bắc trong thời chiến gợi liên nhiều kỷ niệm, điều khiến người ta chú ý là cậu bé Khoa trong thế giới nhỏ của mình. Chỉ mới lên 10, Trần Đăng Khoa đã gây ấn tượng với phong thái tự tin, đĩnh đạc mà nhiều người hay gọi vui là "ông cụ non".
Trong một phân cảnh tại lớp học, Trần Đăng Khoa mặc dù có dáng người nhỏ bé nhất, nhưng đang đứng giảng giải cho bạn bè cùng trang lứa về cách làm thơ. Cậu thậm chí còn thể hiện khả năng xuất khẩu thành thơ ngay tại chỗ mà hiếm có ai trong độ tuổi đó làm được.
Ngày ấy, những lúc rảnh rỗi, Trần Đăng Khoa còn thường rủ các bạn bè cùng xóm tụ tập lại, cùng chia sẻ cách làm thơ. Vì khả năng vượt trội của mình, cậu thường có nhiệm vụ "thẩm định" và nhận xét thơ của các bạn.
Mặc dù được nhiều người biết đến, nhưng cuộc sống của cậu bé ở vùng quê Hải Dương ngày ấy vẫn trôi qua bình dị trong góc sân và khoảng trời quen thuộc. Những điều giản đơn như ao cá, con đường làng, đi cày, đi cấy, phụ bố mẹ làm việc vặt trong nhà... vẫn chính là những chất liệu làm nên nét đặc biệt trong thơ của thần đồng Trần Đăng Khoa.
Vững ngòi bút cống hiến cho nền Văn học nước nhà
Năm 1975, khi đang học lớp 10 trường phổ thông cấp 3 Nam Sách, Hải Dương, Trần Đăng Khoa lên đường nhập ngũ. Sau khi thống nhất, ông được bổ sung về Quân chủng Hải quân và cũng từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nam Việt Nam trong giai đoạn 1978-1979.
Đến khi trưởng thành, niềm yêu thích với văn thơ trong Trần Đăng Khoa vẫn không hề bị dập tắt. Ông theo học Trường Viết văn Nguyễn Du (hiện tại thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) và được cử sang học tại Viện Văn học Thế giới M. Gorki thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Nga. Khi trở về nước, ông làm biên tập viên Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Trong thời gian quân ngũ tại Quần đảo Trường Sa, Trần Đăng Khoa cảm nhận được những gian nan, vất vả của người chiến sĩ trên đảo. Cũng nhờ nguồn cảm hứng đó, ông đã cho ra đời khoảng trên 35 bài thơ, trong đó có hơn chục bài được phổ nhạc như: Lính Đảo Hát Tình Ca Trên Đảo, Hát Về Một Hòn Đảo, Thơ Tình Người Lính Biển... Đặc biệt, bài Thơ Tình Người Lính Biển sau đó còn được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng Một Chút Thơ Tình Của Người Lính Biển.
Năm 2000, với tư cách một nhà văn chứ không phải một thi sĩ, Trần Đăng Khoa cho ra đời một tập truyện - ký mang tên Đảo chìm. Tác phẩm đã được tái bút đến hơn 20 lần và được nhà văn Lê Lưu đánh giá là "Thần bút" của người lính biển Trường Sa.
Từ tháng 6/2004, ông mang quân hàm thượng tá Quân đội nhân dân Việt Nam và chuyển sang công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam. Tại đây, ông giữ chức Phó Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, sau đó là Trưởng ban Văn học Nghệ thuật.
Khi Đài tiếng nói Việt Nam thành lập VOVTV - tiền thân của Kênh truyền hình VOV và nay là Kênh Truyền hình Chuyên biệt Văn hóa - Du lịch (Vietnam Journey), ông được phân công làm Giám đốc đầu tiên. Giữa năm 2011, ông chuyển sang làm Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam VOV.
Hiện nay, sau nhiều năm cống hiến miệt mài cho nền Văn học nước nhà, Trần Đăng Khoa đang giữ vị trí Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống.
Tổng hợp