Nhân vật cao tay nhất trong hậu cung Thanh triều dưới thời Ung Chính - Càn Long

Trần Quỳnh |

Có lẽ cả cuộc đời, Càn Long chỉ không phụ duy nhất người phụ nữ này.

Đó chính là thân mẫu của ông – Sùng Khánh Hoàng thái hậu Nữu Hỗ Lộc thị.

Mỗi khi nhắc tới tình cảm mẹ con của Càn Long và Thái hậu Nữu Hỗ Lộc thị, hậu thế thường ca ngợi về lòng hiếu thuận khó ai có được của vị vua này. Khi Thái hậu còn tại thế, thái độ của Hoàng đế đối với thân mẫu có thể coi là bảo sao nghe vậy.

Cũng bởi vị Thái hậu này có được một cuộc sống viên mãn như vậy, không ít người cho rằng Nữu Hỗ Lộc thị thực chất là một nhân vật cao tay bậc nhất trong hoàng cung Thanh triều khi xưa.

Từ tú nữ của Khang Hi đến sủng phi của Ung Chính đế

Nhân vật cao tay nhất trong hậu cung Thanh triều dưới thời Ung Chính - Càn Long - Ảnh 1.

Sùng Khánh Hoàng Thái hậu (1693 - 1777) từng là phi tần của Ung Chính Hoàng đế và là thân mẫu của Càn Long Hoàng đế sau này. (Ảnh: Nguồn Baike).

Trong cuốn tiểu thuyết cung đấu nổi tiếng mang tên "Hậu cung Chân Hoàn truyện", nhân vật chính Chân Hoàn được cho là lấy nguyên mẫu từ Thái hậu Nữu Hỗ Lộc thị - thân mẫu của Càn Long Hoàng đế.

Cuốn tiểu thuyết này từng xây dựng chi tiết về việc nhân vật Chân Hoàn tham gia kỳ tuyển chọn tú nữ dưới thời vua Ung Chính.

Tuy nhiên theo khẳng định của chuyên gia nghiên cứu lịch sử tại Cố Cung, sử sách mặc dù ghi lại rất ít thông tin về Nữu Hỗ Lộc thị, nhưng việc bà tham gia kỳ tuyển tú khi Ung Chính làm Hoàng đế không phải là thông tin chính xác.

Theo đó, các tài liệu chính sử có ghi lại việc bà  tiến vào phủ đệ của Dận Chân (Ung Chính sau này) với thân phận của một Cách Cách. Vào thời bấy giờ, Cách Cách không chỉ là cách gọi cho con gái của Hoàng đế mà còn dùng để chỉ cấp bậc dành cho thị thiếp có địa vị thấp trong hoàng tộc.

Như vậy, chắc chắn Nữu Hỗ Lộc thị không tham gia vào kỳ tuyển tú thời Ung Chính đế, bởi trước đó bà đã trở thành thị thiếp từ thời vị vua này còn chưa lên ngôi.

Các chuyên gia sử học cũng suy luận rằng, rất có thể Nữu Hỗ Lộc thị đã tham gia kỳ tuyển tú dưới thời vua Khang Hi, tuy nhiên bà lại được Hoàng đế ban cho người con trai thứ tư của mình – Tứ a ca Dận Chân.

Cụ thể, vào dương lịch năm 1704, Nữu Hỗ Lộc thị được chỉ hôn cho Dận Chân khi bà mới 13 tuổi. Bởi chức quan của cha ruột bà không cao, Tứ a ca khi đó mới chỉ là Bối lặc, cho nên địa vị Cách Cách trong phủ của Nữu Hỗ Lộc thị cũng không phải là thân phận quá cao sang.

Nhân vật cao tay nhất trong hậu cung Thanh triều dưới thời Ung Chính - Càn Long - Ảnh 2.

Từ một thị thiếp không mấy được sủng ái, Nữu Hỗ Lộc thị đã vươn lên trở thành sủng phi và đặt tiền đề cho việc nắm giữ ngai vị Thái hậu sau này. (Ảnh minh họa).

Tương truyền rằng mấy năm đầu khi mới vào phủ, vị Cách Cách này không mấy được Dận Chân sủng ái. Thế nhưng Nữu Hỗ Lộc thị vẫn không hề nản lòng, tận tình ở bên hầu hạ Tứ a ca.

Có giai thoại kể lại, một lần Dận Chân lâm bệnh nặng, sinh mệnh chỉ như chỉ mành treo chuông, Nữu Hỗ Lộc thị đã tận tay nấu một thang thuốc quý, ngày đêm túc trực chăm lo mới khiến cho bệnh tình của Tứ a ca có chuyển biến tốt.

Sau khi bình phục, Dận Chân vô cùng cảm kích bà, tình cảm phu thê giữa hai người cũng càng lúc càng trở nên tốt đẹp.

Thân phận thực sự của Nữu Hỗ Lộc thị và nghi án xoay quanh thân thế của Càn Long

Năm 1711, Nữu Hỗ Lộc thị sinh hạ cho Dận Chân một người con trai. Đó chính là Ái Tân Giác La Hoằng Lịch, tức Càn Long Hoàng đế sau này.

Tuy nhiên, việc Càn Long có thực sự là con đẻ của Nữu Hỗ Lộc thị hay không cho tới nay vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Xung quanh nghi vấn về mẹ ruột của Càn Long, có hai giả thiết nhận được nhiều sự ủng hộ.

Nhân vật cao tay nhất trong hậu cung Thanh triều dưới thời Ung Chính - Càn Long - Ảnh 3.

Trên các tác phẩm phim truyện, Nữu Hỗ Lộc thị thường được xây dựng là một nhân vật tâm cơ và cao tay bậc nhất trong chốn hậu cung Thanh triều. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Giả thiết thứ nhất cho rằng mẹ đẻ nhà vua là Tiền thị, một phụ nữ Hán tộc có địa vị thấp.

Bởi Càn Long từ nhỏ đã được vua Khang Hi yêu thích nên Ung Chính luôn coi ông là người kế vị. Thế nhưng việc Thái tử có một người mẹ mang địa vị thấp sẽ trở thành rào cản trong những bước đi chính trị của hoàng tộc sau này.

Để giải quyết vấn đề trên, Ung Chính sau khi kế vị đã cho Nữu Hỗ Lộc thị thay thế thân phận của Tiền thị. Vì thế Nữu Hỗ Lộc thị đã trở thành mẹ ruột của Càn Long trên danh nghĩa, còn Tiền thị thì biến mất không một tung tích.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, Ung Chính kế vị khi Càn Long đã mười mấy tuổi. Nếu phát hiện mẹ đẻ của mình đột nhiên bị tước đoạt địa vị, Càn Long nhất định sẽ oán trách chứ không thể hiếu thuận với Nữu Hỗ Lộc thị tới mấy thập niên như trong sử sách đã ghi.

Giả thiết thứ hai lại khẳng định, Ung Chính đã hoán đổi thân phận cho Tiền thị bằng cách để bà nhận quan Điển nghi tên Lăng Trụ của gia tộc Nữu Hỗ Lộc làm cha nuôi, từ đó trở thành một thành viên trong dòng họ này.

Giả thiết này nhận được sự đồng tình của không ít người. Bởi một viên quan tứ phẩm như Lăng Trụ vốn sở hữu địa vị, quan chức không cao. Việc ông có thêm hay bớt đi một người con gái cũng không đưa tới sự chú ý lớn.

Về thân thế của Càn Long, có giai thoại khác còn truyền lại rằng ông thực chất là con của Đại học sĩ Chiết Giang tên Trần Thế Quán. Do có giao tình với Dận Chân, vợ ông lại mang thai và sinh hạ cùng thời điểm với phu nhân của Tứ a ca nên hai giai đình đã dùng cách trộm long tráo phụng.

Tuy nhiên tất cả những giai thoại trên vẫn chỉ được xem là giả thiết và không có chứng cứ xác thực. Về phần Càn Long, mặc dù thân thế của ông có gây nhiều tranh cãi, nhưng Nữu Hỗ Lộc thị vẫn được vị Hoàng đế này coi là thân mẫu và tận hiếu một cách danh chính ngôn thuận.

Cuộc đời viên mãn của Thái hậu trường thọ và hưởng phúc nhất Thanh triều

Nhân vật cao tay nhất trong hậu cung Thanh triều dưới thời Ung Chính - Càn Long - Ảnh 5.

Dù có phải là một nhân vật tâm cơ hay không thì sự thực là Thái hậu Nữu Hỗ Lộc thị vẫn là nhân vật tôn quý và được hưởng phúc nhất trong hậu cung Thanh triều. (Ảnh minh họa).

Năm 1721, Khang Hi gặp người cháu Hoằng Lịch ở đài Mẫu Đơn. Thấy cháu trai thông minh hơn người, Hoàng đế liền đặc cách đem Hoằng Lịch vào cung nuôi dưỡng và tự mình dạy dỗ.

Năm 1722, Tứ a ca Dận Chân kế vị, trở thành Ung Chính đế. Có ý kiến cho rằng việc Khang Hi yêu thích Hoằng Lịch đã trở thành lợi thế để Ung Chính nối ngôi.

Cũng bởi vậy mà không ít người khẳng định, Ung Chính đế ngay từ đầu đã xác định Hoằng Lịch sẽ trở thành người kế thừa của mình.

Sau khi kế vị, Ung Chính đã phong Nữu Hỗ Lộc thị làm Hi phi, sau tấn làm Hi Quý phi.

Theo thông lệ, những thiếp thất của vị Hoàng đế mới lên ngôi có danh vị Trắc Phúc tấn mới được sách phong lên các bậc Phi, Quý phi hoặc cao hơn là Hoàng quý phi; các Cách cách chỉ được sách phong cao nhất là lên bậc Tần.

Tuy vậy, Ung Chính Đế vẫn đặc cách sách phong Nữu Hỗ Lộc thị ngôi vị Hi phi, thuộc hàng Chính tam phẩm và ban Cảnh Nhân cung cho bà.

Năm 1736, Ái Tân Giác La Hoằng Lịch kế vị ở tuổi 25, trở thành Càn Long Hoàng đế. Nữu Hỗ Lộc thị cũng nhờ con mà vinh hiển, được tôn làm Hoàng Thái hậu.

Sau khi kế vị, Càn Long vẫn luôn tỏ ra vô cùng hiếu thuận với thân mẫu của mình.

Tương truyền rằng có lần Nữu Hỗ Lộc thị vô tình nói tới việc tu sửa một ngôi miếu hoang ở phía đông phủ Thuận Thiên, Càn Long đã lập tức rút ngân khố, sai quan viên trùng tu cẩn thận, còn nhắc nhở mọi người sau này không nên để Thái hậu bận tâm về những việc nhỏ nhặt này.

Trong suốt thời gian tại vị, Càn Long từng nhiều lần tuần du ở các nơi. Thái hậu Nữu Hỗ Lộc thị luôn được Hoàng đế mời đi cùng để thưởng ngoạn phong cảnh ở khắp vùng.

Mỗi lần tới sinh nhật của thân mẫu, Càn Long đều tổ chức đại lễ ăn mừng vô cùng long trọng và quy mô. Đặc biệt là vào đại thọ 80 của Nữu Hỗ Lộc thị, Hoàng đế khi đó đã bước qua tuổi lục tuần vẫn đích thân mặc y phục rực rỡ, khiêu vũ để chúc mừng mẫu thân.

Năm Nữu Hỗ Lộc thị 86 tuổi, Càn Long cũng đã bước sang tuổi 67. Vị Hoàng đế ấy vẫn thầm nghĩ chờ đến đại thọ 90 của Thái hậu nhất định sẽ làm một đại lễ linh đình trước nay chưa từng có.

Chỉ tiếc rằng trong năm ấy, Hoàng Thái hậu Nữu Hỗ Lộc thị không may lâm bệnh nặng qua đời.

Nhân vật cao tay nhất trong hậu cung Thanh triều dưới thời Ung Chính - Càn Long - Ảnh 7.

Có câu "mẫu bằng tử quý" (mẹ vinh hiển nhờ con), sự xuất hiện của người con trai là Càn Long Hoàng đế đã thay đổi cuộc đời của Thái hậu Nữu Hỗ Lộc thị. (Ảnh minh họa).

Sử cũ ghi lại, Nữu Hỗ Lộc thị 13 tuổi đã vào phủ Bối lặc làm thị thiếp, 18 tuổi hạ sinh Hoằng Lịch, 31 tuổi được sắc phong làm Hi phi, 38 tấn làm hi Quý phi, 43 tuổi trở thành Hoàng Thái hậu, sau cùng hưởng thọ ở tuổi 86.

Có ý kiến cho rằng, Nữu Hỗ Lộc thị mặc dù lúc đầu phải mang thân phận thi thiếp, nhưng sự ra đời của Càn Long đã thay đổi vận mạng của bà, khiến bà trở thành vị Thái hậu hưởng hết phúc trạch chốn nhân gian.

Nhìn lại cuộc đời của mẹ ruột Càn Long, có thể thấy bà không chỉ là Thái hậu trường thọ nhất, hưởng phúc nhất trong lịch sử Đại Thanh mà còn có thể xem là người phụ nữ có tâm và có tầm nhất trong hậu cung của vương triều này.

*Tổng hợp (KKNews, Ifeng...)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại