Nhân trần và cam thảo: Dùng phối hợp lợi hay hại?

Nguyễn Hoàng Linh |

Rất nhiều gia đình hiện có thói quen uống nước nhân trần pha lẫn cam thảo để thay trà với mục đích vừa giải khát, vừa làm mát gan, giải độc, chống suy nhược, mệt mỏi…Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nếu không có bệnh và lạm dụng uống nhiều nước nhân trần pha với cam thảo thì hại nhiều hơn lợi.

Mặc dù, theo y học cổ truyền cả hai vị thuốc nhân trần và cam thảo đều rất tốt chữa các chứng bệnh liên quan đến gan, giúp giải độc, tăng cường sức khỏe… Tuy nhiên không nên uống thường xuyên.

Có nên pha chung nhân trần với cam thảo?

Nhân trần và cam thảo: Dùng phối hợp lợi hay hại? - Ảnh 1.

Cây nhân trần

Theo Y học cổ truyền, nhân trần có vị đắng, cay, tính hàn, lợi mật, nhuận gan, dùng chữa viêm gan (vàng da), viêm túi mật, giải cảm nhiệt, đau đầu, tiểu tiện bí,... cam thảo có vị ngọt, tính bình (chưa sao), vị ngọt, tính ôn (sau khi đã sao hoặc nướng chín) có tác dụng bổ khí, thanh nhiệt, giải độc, chủ trị các chứng tỳ vị hư nhược, ho suyễn, chống suy nhược...

Mặc dù, cả hai vị thuốc trên đều có những công dụng tốt, tuy nhiên nếu kết hợp lại với nhau thì lại không tốt. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch hội Đông Y Việt Nam, về nguyên tắc điều trị, khi mật không tiết ra (mật viêm, tắc mật...) thì mới cần lợi mật và khi gan có vấn đề thì mới phải nhuận gan.

Nếu không có bệnh mà lại uống hàng ngày, nghĩa là bắt gan và mật không có nhu cầu tiết cũng phải tiết, dẫn tới phải làm việc nhiều hơn nên dễ tổn thương, mất cân bằng và sinh bệnh.

Hơn nữa, việc có thói quen dùng nhân trần cùng cam thảo mà không biết cam thảo có tính chất giữ nước, trong khi nhân trần lại giúp đào thải, hai vị thuốc trái ngược nhau được sử dụng chung sẽ không có lợi cho cơ thể mà còn tiềm ẩn nguy hại bởi tương tác thuốc.

Điều nguy hại nữa, việc lạm dụng phối hợp nhân trần với cam thảo không phải ai cũng dùng được nhất là với trường hợp bị tăng huyết áp hoặc huyết áp không ổn định.

Nguyên do là vì cam thảo có tác dụng giữ nước trong cơ thể, từ đó làm tăng khối lượng tuần hoàn, làm tăng huyết áp và tăng gánh nặng cho tim.

Nhân trần và cam thảo: Dùng phối hợp lợi hay hại? - Ảnh 2.

Nước nhân trần

Không lạm dụng nhân trần và cam thảo

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, việc lạm dụng hai vị thuốc trên đều không có lợi cho cơ thể bởi chúng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Do cam thảo có tác dụng giữ nước trong cơ thể nếu dùng dài ngày có thể gây phù mà lầm tưởng là tăng cân, béo ra. Một số công trình nghiên cứu cho thấy cam thảo còn làm giảm nội tiết tố sinh dục ở nam giới nếu dùng trong thời gian dài dẫn đến những rối loạn sinh dục, làm giảm sức khỏe giới tính của phái nam.

Những người hay bị táo bón nếu dùng cam thảo dài ngày nguy cơ làm tăng khả năng táo bón nặng hơn và dẫn đến bị táo bón mạn tính bởi cam thảo có tính ôn (nóng) khi dùng cam thảo đã sao hoặc nướng chín.

Các trường hợp viêm thận, viêm gan, phụ nữ bị rối loạn nội tiết hoặc các trường hợp sau khi sử dụng các chế phẩm dạng corticoid để trị các bệnh viêm nhiễm, dị ứng (hen suyễn), đau khớp... nếu dùng thường xuyên và kéo dài bệnh sẽ nặng hơn. Vì cam thảo làm tăng khả năng giữ nước trong cơ thể dẫn đến phù nề.

Nhân trần và cam thảo: Dùng phối hợp lợi hay hại? - Ảnh 3.

Cam thảo

Với công dụng là lợi tiểu, mát gan... nhưng nếu dùng nhân trần dài ngày cũng không có lợi cho sức khỏe. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, với phụ nữ mang thai nếu không có bệnh lý về gan, không được bác sĩ chỉ định thì tuyệt đối không dùng nhân trần, cam thảo bởi uống nhiều sẽ làm xuất tiết các tuyến trong cơ thể, dẫn đến người mẹ bị mất sữa hoàn toàn hoặc chỉ có rất ít.

Ngoài ra, nhân trần giúp lợi tiểu, nghĩa là thải nhiều, nếu lượng nước và các chất dinh dưỡng bị đào thải quá nhiều, sẽ không còn các chất dinh dưỡng để nuôi thai, khiến cho thai bị suy dinh dưỡng...

Hơn nữa, trên thị trường hiện thuốc từ nhân trần chủ yếu là nhân trần khô, đây là loại rất dễ bị ẩm mốc nên các chủ kinh doanh thường phải dùng thuốc chống ẩm mốc. Hoặc cũng vì lợi nhuận nhiều người đã phun thuốc diệt cỏ vào cây tươi để cây nhanh héo và khô, dễ dàng chặt ra đem bán, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.

Cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để đảm bảo cho sức khỏe người sử dụng, không nên dùng phối hợp nhân trần với cam thảo và không thường xuyên sử dụng làm nước giải khát dùng dài ngày. Đặc biệt, không dùng theo sự mách bảo mà tự chuốc họa vào thân. Khi sử dụng phải theo chỉ định của thầy thuốc hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại