Sự trỗi dậy của AfD
Năm 1991, nước Bỉ đã có "ngày Chủ Nhật đen tối" đầu tiên trong lịch sử, khi đảng dân túy cực hữu Flemish Block có được 6,8% số phiếu tổng tuyển cử. Từ thời điểm đó trở đi, ở nhiều nước Tây Âu đã diễn ra những hiện tượng tương tự, từ Đan Mạch cho tới Thụy Sĩ. Và giờ đây, nước Đức cũng đã chứng kiến điều đó trong cuộc tổng tuyển cử 2017 ngày 25/9.
Đảng dân túy cực hữu Con đường mới cho nước Đức (AfD) không chỉ đã chiếm được ghế trong Quốc hội Đức, mà còn trở thành đảng lớn thứ ba trong cơ quan lập pháp này, sau khi đạt được một tỉ lệ phiếu bầu đáng kinh ngạc là 13,3%, cao hơn nhiều so với các cuộc thăm dò trước đó.
Từ những năm 1950 tới nay, ở Đức chưa xuất hiện một đảng nào mang tính chất cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa như AfD, với việc phản đối mở cửa biên giới cho người nhập cư hay không muốn Đức tiếp tục ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Trong lúc đó, các đảng trung hữu lớn đang liên minh cầm quyền là đảng Liên minh Dân chủ - Thiên chúa giáo (CDU), Liên minh Xã hội - Thiên chúa giáo (CSU) và đảng trung tả Dân chủ - Xã hội Đức (SPD) đều chỉ đạt được những kết quả tệ nhất so với lịch sử của họ trong 70 năm qua.
Các con số cho thấy, "nhân tố" AfD đã có số phiếu bầu bằng 2/3 so với SPD và bằng 40% so với liên minh CDU/CSU của thủ tướng Angela Merkel.
Các cuộc thăm dò của truyền hình quốc gia Đức cho thấy, đảng AfD được ủng hộ nhiều tại những vùng miền Đông của nước Đức. Điều này trùng hợp với kết quả bầu cử mới được công bố. AfD thực sự có được sự ủng hộ lớn nhất từ miền Đông.
Có 1,2 triệu người Đức trước đây không đi bỏ phiếu thì ở kỳ tổng tuyển cử này đã bầu cho AfD, trong khi con số đó của CDU/CSU là 1 triệu và SPD chỉ dành được 500 nghìn phiếu từ nhóm cử tri này. Điều này đã cho thấy sự phản đối của các cử tri đối với chính sách mở cửa cho người tị nạn của thủ tướng Merkel.
Chính sách mở cửa cho hàng triệu người tị nạn vào Đức đã không chỉ làm các cử tri Đức thay đổi lá phiếu của mình, mà nó còn khiến những người trước đây không đi bầu cử cũng đã phải quyết định lên tiếng thông qua lá phiếu.
Vẫn từ cuộc thăm dò của truyền hình quốc gia Đức, người ta thấy rằng 89% cử tri ủng hộ AfD cho rằng chính sách mở cửa cho người nhập cư của bà Merkel đã "phớt lờ các lo ngại của người dân", 85% muốn biên giới được quản lý chặt chẽ hơn và 82% cho rằng bà Merkel đã lãnh đạo 12 năm qua 3 nhiệm kỳ và thế là quá đủ.
Viết bài phân tích trên Guardian, giáo sư ngành khoa học chính trị Cas Mudde (ĐH Georgia, Mỹ), nhận định đảng AfD rõ ràng đã rất có lợi trong cuộc tổng tuyển cử cử ở Đức vừa qua khi vấn đề chính của cuộc bầu cử này là người nhập cư.
Liên minh của bà Angela Merkel vẫn thắng cử nhưng sẽ phải đối mặt với một nhiệm kỳ không mấy dễ chịu khi các thành viên AfD đã tiến được vào Quốc hội Đức. Ảnh: Getty
AfD có làm nên chuyện với 88 ghế trong quốc hội?
Tuy nhiên, theo giáo sư Mudde, liệu AfD có thực sự phát huy vai trò là đảng lớn thứ ba trong đời sống chính trị Đức hay không vẫn là điều đáng bàn, vì một số lý do.
Thứ nhất, kết quả thăm dò cho thấy rằng có tới 60% những người bỏ phiếu cho AfD cho biết họ đã bầu cho đảng này chỉ vì họ "phản đối tất cả các đảng còn lại". Chỉ có 1/3 số cử tri bỏ phiếu cho AfD cho biết lý do họ ủng hộ đảng này là vì tin tưởng vào đảng. Đây là điều hoàn toàn khác biệt so với cử tri của các đảng khác.
Điều đó cho thấy rằng, thực ra, AfD không có mối liên hệ chặt chẽ với các cử tri đã bỏ phiếu cho mình. Tỉ lệ ủng hộ cao dành cho AfD phần lớn là bởi vì các cử tri đã chán ngán với các đảng khác.
Theo Mudde, bản thân đảng AfD – một đảng cực hữu mới thành lập năm 2013, với nhiều đảng viên có tư tưởng bài ngoại, dân tộc chủ nghĩa, chống đối việc Đức tham gia vào khu vực dùng đồng tiền chung châu Âu và muốn đóng cửa biên giới, cũng còn rất nhiều điểm đáng tranh cãi.
Chỉ có 12% người dân Đức đánh giá tốt về người đứng đầu đảng AfD, bà Alice Weidel – một trong hai lãnh đạo của đảng này (người còn lại là ông Alexander Gauland). Tỉ lệ đánh giá tốt đó là thấp nhất so với chính trị gia lãnh đạo các đảng khác ở Đức.
Nhưng trên hết, giáo sư Mudde chỉ ra rằng, đột phá trong kết quả bầu cử khác với việc sẽ trở thành một lực lượng vững chắc. Hầu hết các đảng mới nói chung, các đảng dân túy cực đoan nói riêng, gặp khó khăn trong việc xây dựng một phe nhóm lớn và thống nhất trong quốc hội. Điều này đã được thực tế chứng minh là đặc biệt đúng với các đảng cực hữu Đức, nhất là trong giai đoạn những năm 1990.
Đó là chưa tính đến việc trong nội bộ AfD cũng đã có sự đấu tranh giữa bên "ôn hòa" và bên "cực đoan". Khi gần 90 đảng viên AfD trở thành các nghị sỹ trong quốc hội Đức tới đây, việc thống nhất họ thành một khối sẽ không hề đơn giản.
Giáo sư Mudde đánh giá, kết quả bầu cử Đức sẽ tiếp thêm lửa cho sự trở lại của chủ nghĩa dân túy – vốn là trào lưu nổi bật trong năm 2016 và đầu 2017 trên chính trường châu Âu (dù từng bị dập tắt đôi chút bởi kết quả bầu cử Hà Lan và Pháp vừa qua).
Vào thời điểm này, có thể nói là với sự "trỗi dậy" của AfD trong kết quả bầu cử, các nhà bình luận cho rằng chính trường Đức vừa trải qua một "cơn địa chấn". Điều này đúng, nhưng kết quả bầu cử chủ yếu cho thấy việc cử tri Đức mất niềm tin vào các đảng phái chính thống, chứ không phải họ đã hoàn toàn đi theo AfD.
Để chiếm được sự tin tưởng và trung thành của các cử tri, AfD sẽ phải xây dựng được một nhóm gắn bó và đoàn kết trong quốc hội, ít đấu đá nội bộ hay bê bối cá nhân. Nhưng dựa trên lịch sử Đức cũng như các tiền lệ ở châu Âu thì điều này sẽ rất khó xảy ra.