Nhận tiền không tịch thu tiêu hủy tang vật, 4 công chức quản lý thị trường Phú Thọ bị xử lý thế nào?

Hoàng An |

Luật sư phân tích, hành vi của nhóm công chức Quản lý thị trường ở Phú Thọ đã gây thiệt hại cho Nhà nước, gây ảnh hưởng đến uy tín cơ quan, tổ chức, cần xử lý nghiêm.

Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ vừa ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Vi Ngọc Khang, Cục phó Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ và các ông Chu Ngọc Hoàng, Bùi Mạnh Công, Hà Minh Tuyền, kiểm sát viên thị trường thuộc đội Quản lý thị trường số 8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ để điều tra hành về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", trong việc kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Bước đầu, cơ quan chức năng nhận định ông Khang có hành vi nhận tiền để không thu giữ, không tiêu hủy vật chứng gây thất thoát cho Nhà nước khoảng 400 triệu đồng.

Theo dõi vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) nêu quan điểm, quản lý thị trường là cơ quan có chức năng nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cơ quan này có trách nhiệm kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm của doanh nghiệp ở mức độ xử phạt hành chính. Hoạt động của cơ quan quản lý thị trường tốt sẽ giúp cho môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tạo ra môi trường, hệ sinh thái tốt để các doanh nghiệp tự do kinh doanh.

Ngược lại, nếu nơi đâu lực lượng quản lý thị trường yếu, mỏng hoặc kém về năng lực, phẩm chất thì có thể tiếp tay cho sai phạm.

Việc buông lỏng quản lý, để hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra thiếu sự kiểm soát, thậm chí nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế xảy ra sẽ gây thất thoát đến tài sản của Nhà nước, làm giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với chính quyền, làm mất đi tính tôn nghiêm của pháp luật.

Trong vụ việc xảy ra với nhóm công chức của Cục quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ, luật sư Cường cho rằng, những người này đang thực hiện nhiệm vụ, công vụ, vì vụ lợi họ đã không làm hết chức trách, nhiệm vụ của mình gây thiệt hại đến Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức.

Với hành vi này, khi bị kết tội các công chức sẽ phải đối mặt với hình phạt từ 5 - 10 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại khoản 2, Điều 356, Bộ luật Hình sự.

Ông phân tích thêm, một tình tiết đáng chú ý khi cán bộ Quản lý thị trường Phú Thọ làm nhiệm vụ đã có hành vi nhận 40 triệu đồng từ chủ tàu để đoàn kiểm tra không thu giữ trụ bơm và không tịch thu cả tàu lẫn dầu. "Trường hợp người có chức vụ quyền hạn đã nhận tiền, tài sản của người khác để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì đây là hành vi đưa hối lộ và người nhận tiền trong trường hợp này là nhận hối lộ", luật sư Cường nói.

Theo ông, cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ số tiền 40 triệu đồng mà chủ doanh nghiệp đã đưa cho cán bộ quản lý thị trường trong vụ việc này được thực hiện như thế nào. Trường hợp hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội "Đưa hối lộ" theo Điều 364 và tội "Nhận hối lộ" theo Điều 354, Bộ luật Hình sự thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố người đưa hối lộ và người nhận hối lộ theo các quy định pháp luật.

Liên quan đến sai phạm của 4 cán bộ, theo Công an tỉnh Phú Thọ, tháng 5/2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh này thành lập đoàn kiểm tra do ông Khang (khi đó là quyền đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 8) làm trưởng đoàn. Thành viên gồm các ông Chu Ngọc Hoàng, Bùi Mạnh Công, Hà Minh Tuyền, kiểm sát viên thị trường, tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên tuyến Sông Lô.

Quá trình kiểm tra, đoàn phát hiện 3 tàu tại khu vực cảng Sông Lô - thuộc địa phần huyện Đoan Hùng có hành vi bán xăng dầu trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, các tàu trên vẫn hoạt động, trong khoang có chứa dầu, máy bơm và trụ bơm.

Đội Quản lý thị trường số 8 đã ra 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi vi phạm trên với tổng số tiền 30 triệu đồng. Về hình phạt bổ sung, đội quản lý thị trường số 8 đã ra quyết định tịch thu tang vật là 3 trụ bơm xăng dầu tự động.

Trên cơ sở đó, ngày 7/6, cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ ký quyết định xử lý tang vật vi phạm bằng hình thức tiêu hủy.

Quá trình điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ xác định thực tế đoàn kiểm tra không thu giữ, không tiêu hủy 2/3 trụ bơm như trong hồ sơ xử lý vi phạm. Do có quen biết ông Khang nên ông Nguyễn Xuân Ngọc, chủ tàu vi phạm, đã đưa cho ông Khang 40 triệu đồng để đoàn kiểm tra không thu giữ trụ bơm của ông Ngọc.

Ngoài ra, do có mối quan hệ với quản lý thị trường nên ông Nguyễn Huy H., người không liên quan đến 3 tàu vi phạm, đã đứng ra xin và nhận là người vi phạm để nộp phạt thay cho một chủ tàu vi phạm.

Việc Đội Quản lý thị trường số 8 Cục quản lý thị trường Phú Thọ không tịch thu cả tàu lẫn dầu mà chỉ tịch thu trụ bơm là trái với quy định của Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền khoảng 400 triệu đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại