Ngày mùng 5 Tết Nguyên đán tại Trung Quốc, người dân thường gói sủi cảo ăn để kỷ niệm ngày lễ "Phá ngũ". Ngày này có nghĩa là nhiều điều kiêng kỵ trong những ngày trước Tết Nguyên đán có thể được loại bỏ. "Phá ngũ" vừa đến, có nghĩa là giai đoạn đầu tiên của dịp Tết Nguyên đán cũng cơ bản kết thúc. Tương truyền sinh nhật Thần Tài chính là mùng 5 tháng Giêng, ngày này cũng trở thành ngày may mắn trong dân gian đón Thần Tài.
Đối với người dân nước này, sủi cảo không chỉ là món ăn mà còn là di sản văn hóa giúp gắn kết tình cảm. Vào dịp Tết, đặc biệt là giao thừa, người Trung Quốc thường quây quần bên gia đình và thưởng thức món sủi cảo. Theo trang 52yushi, sủi cảo đôi khi được người dân Trung Quốc gấp theo hình dáng giống với thỏi vàng, thỏi bạc được sử dụng để giao dịch mua bán trong thời kỳ phong kiến của nước này. Do vậy, việc người dân ăn sủi cảo trong dịp năm mới còn mang ngụ ý 'thu hút tài lộc' cho bản thân họ.
Món sủi cảo của ngày mùng 5 Tết có một số điểm khác biệt. Thứ nhất, một vài khu vực gọi hoạt động làm sủi cảo là "bóp miệng tiểu nhân", khi làm sủi cảo, phải dùng tay bóp cho phần bột bao trọn lấy phần nhân. Người ta nói rằng điều này có thể tránh được những lời gièm pha của miệng đời trong năm mới.
Thứ hai, nhân sủi cảo phải được băm rất mạnh, tốt nhất là để hàng xóm có thể nghe thấy, mong đợi năm sau mọi việc suôn sẻ, xua đuổi phiền phức từ những người không tốt đẹp.
Ngoài ra, từ thời xưa, việc lựa chọn nhân sủi cảo đều mang ý nghĩa riêng, thể hiện sự mong muốn của mọi người trong năm mới.
Trong sử sách và dân gian, những loại nhân sủi cảo dưới đây được coi là không may mắn và không thích hợp ăn vào dịp Tết Nguyên đán. Chúng là gì?
4 loại nhân sủi cảo tuyệt đối không dùng trong những ngày đầu năm mới
Nhân nấm rơm
Người Trung Quốc xưa cho rằng việc ăn những chiếc sủi cảo có nhân nấm rơm mang ý nghĩa của cải bị ăn mất. Tài sản bị thất thoát vào đầu năm mới sẽ khiến cho cả năm gặp xui rủi. Chính vì thế, sủi cảo nhân nấm rơm tuyệt đối không được phục vụ trên các bàn tiệc vào dịp Tết Nguyên đán.
Nhân cua
Những chiếc sủi cảo nhân cua cũng là món ăn không được ưa chuộng trong những ngày đầu năm. Bởi quan niệm trong dân gian cho rằng, sủi cảo nhân cua sẽ khiến người ăn bị "đi lạc", tứ tán tha phương. Do đó, thịt cua thường không được chọn làm nhân bánh sủi cảo trong dịp Tết.
Nhân nấm hương hoặc nhân rau muống
Nấm hương và rau muống đều được coi là hai loại thực phẩm không mang lại may mắn trong những ngày đầu năm mới. Vì vậy, người ta thường tránh chọn nấm hương hoặc rau muống để làm nhân gói sủi cảo trong dịp này.
Những loại nhân sủi cảo phù hợp trong những ngày đầu năm mới
Vậy, loại nhân sủi cảo nào phù hợp cho những ngày Tết Nguyên đán? Đầu tiên, nhân thịt lợn và hành lá là 2 loại nhân phổ biến nhất. Thịt lợn tượng trưng cho sự đoàn tụ, thu hoạch còn hành lá có tác dụng xua đuổi tà ma. Do đó, sự kết hợp này có thể mang lại nhiều phúc khí và may mắn cho người ăn sủi cảo được gói bằng loại nhân này.
Bên cạnh đó, rau hẹ và trứng cũng là lựa chọn không tồi để gói sủi cảo. Rau hẹ được người xưa coi là biểu tượng của sự trường thọ và trứng tượng trưng cho sự đoàn tự. Sủi cảo nhân trứng và hẹ vừa mang hương vị mùa xuân lại mang ý nghĩa tốt đẹp cho những ngày đầu năm mới.
Thậm chí, nhiều gia đình còn cho tiền xu vào trong chiếc bánh rồi hấp lên. Nếu ai ăn trúng bánh có nhân chứa tiền xu, được coi là may mắn cả năm.
*Nguồn: Sohu