Cuối tháng 7, VietinBank thông báo tuyển dụng nhân sự trụ sở chính với 48 chỉ tiêu và tại các chi nhánh với 185 chỉ tiêu. Trước đó, ngân hàng liên tục thông báo tuyển người với hơn trăm chỉ tiêu mỗi đợt.
Nhà băng này cũng là đơn vị biến động, điều chuyển nhân sự sôi động nhất nửa đầu 2020. Trong 3 tháng gần đây, ngân hàng tổ chức 5 đợt công bố các quyết định điều động bổ nhiệm nhân sự các cấp phó tổng giám đốc, trưởng/phó phòng hội sở chính, giám đốc các chi nhánh và nhiều cán bộ công ty con…
Tại phiên họp thường niên 2020, Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ cho biết VietinBank không định hướng giảm nhân sự do cần xây dựng cán bộ cho tương lai. Ngân hàng sẽ cơ cấu lại, bố trí cán bộ theo hướng phù hợp với năng lực, nâng cao năng suất của từng bộ phận.
Tương tự, Vietcombank liên tục đăng tin tuyển dụng tại trụ sở chính và chi nhánh chủ yếu ở vị trí chuyên viên. Ngân hàng cũng bổ nhiệm nhiều nhân sự cấp giám đốc, trưởng phòng tại trụ sở chính vào giữa tháng 6.
Trong kế hoạch nhân sự 2020, quy mô nhân viên của Vietcombank dự kiến tăng 12% lên 2.270 người và tỷ lệ chi phí lương trên lãi trước thuế nâng từ 27% lên 37%. Tổng giám đốc Phạm Quang Dũng từng cho biết tại đại hội thường niên ngân hàng sẽ không giảm lương của người lao động, nếu có chỉ hạ thu nhập của ban lãnh đạo.
Ban điều hành sẽ cố gắng kiểm soát danh mục, chất lượng tín dụng để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh.
BIDV cũng thông báo tuyển nhân sự tại hơn 40 vị trí từ đầu năm, chủ yếu là nhân viên tín dụng, công nghệ thông tin…
Không riêng ngân hàng Việt, HSBC cũng có kế hoạch tuyển thêm 500 nhân viên tín dụng tại khu vực châu Á dù dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp vào đầu tháng 3, nhằm thâm nhập vào thị trường quản lí tài sản.
Diễn biến nhân sự tại một số ngân hàng nửa đầu năm 2020. Nguồn: BCTC.
Ở chiều ngược lại, nhiều nhà băng tư nhân có kế hoạch dừng tuyển dụng và giảm lương nhân viên để tiết kiệm chi phí.
Đơn cử, VPBank trong nửa đầu năm giảm hơn 4.200 nhân viên. Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết tại phiên họp thường niên, ngân hàng sẽ nỗ lực tái cấu trúc, giảm chi phí, nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình trong năm 2020.
Tương tự tại MB, ngân hàng giảm nhân sự từ 15.691 người xuống 14.969 người. Ban điều hành ngân hàng đề cập trong báo cáo đầu năm, sẽ hạ chi phí hoạt động, các khoản chi chưa cấp thiết trong bối cảnh khó khăn, theo chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Sacombank cũng tinh giản biên chế, tái cấu trúc bộ máy, giảm gần 600 nhân viên trong 6 tháng, còn gần 18.640 người.
Với TPBank, sau khi số lượng nhân viên tăng trong 4 tháng đầu năm, Tổng giám đốc Nguyễn Hưng chia sẻ sẽ dừng tuyển mới và không tăng lương cho người lao động trong năm nay. Ngân hàng xác định trong bối cảnh khó khăn, cần tiết giảm chi phí, đồng thời tăng năng suất lao động của nhân viên để đáp ứng nhu cầu phát triển.
PG Bank cũng cho biết sẽ không tuyển dụng thêm nhân sự năm 2020, chỉ điều chuyển nhân sự nội bộ và tuyển dụng bổ sung nhân sự nghỉ việc. Đồng thời, ngân hàng sẽ thực hiện cơ cấu lại các điểm giao dịch kém hiệu quả.
SHB cho biết các cấp lãnh đạo HĐQT, Ban Điều hành và cán bộ quản lý cấp cao của ngân hàng tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch. Thu nhập các cấp quản lý toàn hệ thống từ phó phòng sẽ giảm 10- 30% tùy theo mức lương.
Từ tháng 4, HDBank cũng giảm lương kinh doanh 10-25% để đối phó với tình hình phức tạp của đại dịch, áp dụng cho nhân viên có tổng lương từ 10 triệu trở lên.
Theo báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam quý II của Navigos Search, các ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn rà soát các chi phí vận hành theo chỉ đạo của Thống đốc, dẫn đến việc nhu cầu tuyển dụng chững lại và chưa có dấu hiệu tái khởi động, đặc biệt đối với phân khúc tuyển dụng ứng viên cao cấp.
Tuy nhiên, với phân khúc nhân viên và chuyên viên, tại các ngân hàng từ quý II xuất hiện xu hướng tuyển dụng lớn các vị trí kinh doanh để phục vụ cho dịch vụ bán chéo (cross sales) các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.