Sáng 13-12, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xét xử vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án Nha Trang Golden Gate hơn 20.100 m2 - số 28E Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang.
Kể công và xin giảm nhẹ
Tại phiên tòa, hai bị cáo Nguyễn Chiến Thắng và Đào Công Thiên (cựu Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) được nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án.
Bị cáo Thắng cho biết đây là lần thứ 3 phải ra trước tòa với tư cách bị cáo. Bị cáo Thắng kể thời kỳ mình giữ chức chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thì nền kinh tế thế giới khủng hoảng, vì vậy cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng... Trong bối cảnh đó, ông đã cùng nhiều cán bộ vượt qua thách thức để kiềm chế lạm phát và đẩy lùi suy thoái kinh tế.
Dẫn thêm một số dẫn chứng rồi bị cáo Thắng thừa nhận do năng lực còn hạn chế, chính sách pháp luật chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ đã gây khó khăn cho người thực thi. Việc có những sai sót xảy ra trong quá trình xử lý công việc là khó tránh khỏi. "Trong những ngày tháng ở trong trại giam, tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, không cảm thấy thẹn đối với những gì tôi đã làm cho nhân dân, cho tỉnh Khánh Hòa quê hương của tôi" - bị cáo Thắng nói.
Còn bị cáo Đào Công Thiên cho biết đang tập trung cải tạo tại Trại giam A2. Dù tình trạng sức khỏe không tốt nhưng bản thân luôn cầu nguyện cho mọi người, cho chính mình vượt qua thử thách. "Tôi sẽ không bao giờ quên ngày 16-2-2016 - một ngày đen đủi của tôi, ngày tôi ký 2 quyết định mà bị tòa xử như hôm nay… Bản thân thấy vẫn còn những thiếu sót. Dù đã cố gắng hết mình nhưng không tránh được những sai phạm…" - bị cáo Thiên nói.
Trên cơ sở những gì đã đóng góp, cả hai bị cáo xin tòa giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.
Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng tại phiên xét xử
Hai hướng xử lý tài sản
Trước đó, VKSND tỉnh Khánh Hòa đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chiến Thắng 5-6 năm tù. Các bị cáo Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên, Võ Tấn Thái mỗi người bị đề nghị từ 3-4 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, VKSND tỉnh Khánh Hòa đề nghị HĐXX tuyên giao UBND tỉnh Khánh Hòa hủy bỏ các quyết định giao đất, cho thuê đất, giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang; thu hồi toàn bộ khu đất hơn 20.100 m2 tại số 28E Trần Phú theo quy định.
Vụ án với 4 bị cáo cùng tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Ngoài ông Thắng, ông Thiên còn có ông Lê Đức Vinh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; ông Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Hai người này vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Đồng thời, UBND tỉnh Khánh Hòa phải giải quyết nghĩa vụ tài chính với Công ty Đỉnh Vàng Nha Trang và công ty này có trách nhiệm nộp lại các giấy tờ liên quan cho cơ quan nhà nước.
Đại diện VKSND cũng cho rằng dự án này đến từ việc các bị cáo thực hiện hành vi trái pháp luật. Do vậy, đề nghị HĐXX đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa lưu ý, xem xét trường hợp nếu tiếp tục cho doanh nghiệp sử dụng khu đất trên để thực hiện dự án thì phải theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa, đại diện Công ty Đỉnh Vàng Nha Trang thông tin công ty đã đầu tư khoảng 300 tỉ đồng vào dự án này, đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, dự án đã được HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua… Vì thế, việc thu hồi dự án, hủy bỏ các quyết định giao đất, cho thuê đất sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn được tiếp tục thực hiện dự án.
Theo cáo trạng, khu đất 28E Trần Phú diện tích hơn 20.100 m2 do nhà nước quản lý về đất, còn tài sản trên đất của 2 doanh nghiệp điện lực. Dù dự án không thuộc diện nhà nước thu hồi nhưng lãnh đạo tỉnh thời điểm đó lại phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Trong khi đó, Công ty Đỉnh Vàng Nha Trang lại đứng ra thỏa thuận, bồi thường tài sản trên đất để biến thành "đất sạch". Công ty sau đó cũng đã nộp 75,9 tỉ đồng tiền thuê đất - được cho là quá thấp so với giá thị trường thời điểm đó. Các sai phạm trên dẫn đến thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 137,7 tỉ đồng.
Dự kiến chiều 18-12, HĐXX sẽ tuyên án.
Muốn gỡ phong tỏa vì "gia đình khó khăn"
Trước đó, để phục vụ điều tra vụ án, công an đã kê biên nhà, đất, tài sản của 4 bị cáo nói trên. Trong đó, bị cáo Thắng bị kê biên căn nhà ở đường Ngô Thời Nhiệm và Trịnh Phong (TP Nha Trang) do bị cáo và vợ đứng tên, tổng diện tích 453 m2. Công an đồng thời phong tỏa tổng số tiền hơn 40 tỉ đồng (trong đó có 33 tỉ đồng, hơn 300.000 USD, gần 6.900 euro) ở nhiều tài khoản cùng đứng tên vợ ông Thắng tại một số ngân hàng ở chi nhánh Khánh Hòa.
Tại phiên tòa, gia đình bị cáo Nguyễn Chiến Thắng đề nghị gỡ các lệnh phong tỏa tài sản vì đang gặp nhiều khó khăn.