Nhìn lại lịch sử hậu cung Thanh triều, không khó để nhận thấy có rất nhiều phi tử đến từ Mông Cổ đã từng nắm trong tay địa vị hết sức cao quý.
Theo thống kê của tờ báo Sohu (Trung Quốc), trong tổng cộng 187 hậu phi có danh vị của Đại Thanh, số người thuộc Mãn tộc lên tới 136 vị, số người đến từ Mông Cổ có 21 vị, còn cung phi Hán tộc chỉ có vẻn vẹn 9 vị.
Không chỉ vậy, vương triều này trước sau có tổng cộng 4 vị Hoàng hậu và 13 vị Phi đến từ bộ lạc Khoa Nhĩ Thấm thuộc thế lực Mông Cổ.
Chưa dừng lại ở đó, hầu hết các tần phi này được gả tới Đại Thanh đều sở hữu địa vị không dễ dàng bị lung lay. Bởi lẽ ngay tới Hoàng đế cũng không muốn gây khó dễ với họ chứ chưa nói tới các phi tần khác.
Điều này phần nào do tính cách hào sảng, không thích tranh sủng của những cô gái đến từ các bộ lạc thảo nguyên. Thế nhưng nguyên nhân quan trọng hơn lại đến từ thái độ không thể không nể mặt của các Hoàng đế nhà Thanh đối với họ, mà lý do chủ yếu lại bắt nguồn từ chủ trương "Mãn – Mông liên hôn" đã được đặt ra từ thời khai quốc.
Phi tần Mông Cổ trong hậu cung nhà Thanh: Áp đảo cả về số lượng và địa vị
Vào thời nhà Thanh, các phi tần Mông Cổ chẳng những chiếm một số lượng không nhỏ mà còn sở hữu danh phận và địa vị không mấy ai dám động tới. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Năm xưa khi đặt nền móng thành lập Thanh triều, Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích từ sớm đã coi trọng việc kết thông gia với các bộ lạc Mông Cổ. Trong giai đoạn tại vị, bản thân ông cũng có tới hơn 10 vị phi tần đến từ thế lực này.
Tới thời kỳ Hoàng Thái Cực nắm quyền, số lượng và địa vị của các hậu phi Mông Cổ đã đạt tới đỉnh cao cực thịnh. Không chỉ có 2 Hoàng hậu đều đến từ bộ lạc Khoa Nhĩ Thấm, ngay cả tứ phi cũng mang xuất thân tương tự.
So với các hậu phi Mãn - Hán khác, những phi tần Mông Cổ này sở hữu địa vị rất được tôn sùng. Trong số đó, nhân vật nổi danh hơn cả chính là Thần phi Hải Lan Châu và Hiếu Trang Văn Hoàng hậu.
Nhan sắc thật khác xa một trời một vực của các phi tần Mông Cổ thời nhà Thanh so với hình tượng trên phim ảnh. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Đến thời kỳ Thuận Trị đế tại vị, phế hậu của vị vua này cùng Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu cũng có xuất thân từ Mông Cổ.
Về sau tới giai đoạn Khang Hi cầm quyền, do vai trò và sức ảnh hưởng của Mông Cổ đã giảm dần, vì vậy số lượng hậu phi Mông Cổ nhập cung cũng không nhiều như trước đó, ngay tới địa vị của họ cũng dần dần bị hạ xuống.
Trong thời kỳ tại vị của Càn Long đế, hậu cung Thanh triều không chỉ có Dĩnh Quý phi và Dự Phi xuất thân từ Mông Cổ mà còn có Thận tần, Tuân tần. Vị Hoàng đế này tại vị 60 năm, số phi tử có danh phận lên tới 36 vị, trong đó các phi tần Mông Cổ chiếm cứ tỷ lệ cũng không phải là ít.
Mặc dù càng về cuối thời nhà Thanh, số lượng và địa vị của các hậu phi mang gốc gác Mông Cổ khó có thể so sánh với những giai đoạn trước đó. Tuy nhiên hậu cung của vương triều này vẫn ghi nhận không ít các nhân vật nổi tiếng đến từ thế lực nói trên như Hiếu Tĩnh Thành hoàng hậu (mẹ ruột của Cung Thân Vương) hay Hiếu Triết Nghị Hoàng hậu của Đồng Trị đế…
Động cơ chính trị thâm sâu phía sau sự ưu ái của các Hoàng đế Thanh triều dành cho hậu phi Mông Cổ
Ảnh minh họa: Nguồn Baidu.
Theo nhận định của chuyên trang lịch sử Qulishi (Trung Quốc), việc các Hoàng đế nhà Thanh liên tục nạp phi tử Mông Cổ vào hậu cung vốn không bắt nguồn từ việc họ yêu thích phụ nữ của bộ tộc này mà lại đến từ những động cơ chính trị thâm sâu khác.
Vào thời điểm Thanh triều bắt đầu thành lập, ba thế lực chính trị lớn nhất Trung Hoa vào thời điểm bấy giờ lần lượt là chính phủ nhà Minh, tập đoàn thế lực Mông Cổ và chính quyền Hậu Kim.
Trong đó, Mông Cổ và Minh triều đã đấu đá nhau gần 3 thế kỷ, quan hệ từ sớm đã không có nửa điểm hòa hợp. Lợi dụng sự mâu thuẫn của hai tập đoàn chính trị nói trên, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đứng đầu Hậu Kim đã liên thủ với Mông Cổ, dồn toàn lực tấn công Minh triều.
Vào thời điểm bấy giờ, do cần khẩn cấp ổn định hậu phương nên Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã liên tục tìm cảnh củng cố mối quan hệ Mãn – Mông bằng cách liên hôn với các nữ nhân thuộc các bộ lạc Mông Cổ, để cho họ làm hậu phi của Hoàng đế hoặc các phúc tấn của các Hoàng tử hay có khi là làm vợ của công thân.
Tới thời kỳ Hoàng Thái Cực, Thanh triều đã chính thức được thành lập, hơn nữa còn tiếp tục gia tăng mức độ đả kích đối với Minh triều.
Vào giai đoạn này, tập đoàn chính trị nhà Thanh vẫn liên tục tìm cách để tiếp tục củng cố mối quan hệ với các quý tộc Mông Cổ.
Thực tế, những bộ lạc thuộc tập đoàn chính trị này đóng vai trò trọng yếu trong công cuộc lật đổ Minh triều. Bởi lẽ kỵ binh Mông Cổ với sức tấn công cường hãn đã mang tới công dụng trọng yếu trong nhiều cuộc chiến, từ đó tạo dựng được công lao to lớn trong việc giúp nhà Thanh nhập quan và thống nhất.
Ảnh: Nguồn Baidu.
Mãn Thanh làm chủ trung nguyên có công không nhỏ của Mông Cổ. Hơn nữa thế lực này lại nằm ngay ở nơi biên cương, sở hữu vị trí địa lý liền kề, gần cận. Bởi vậy triều đình nhà Thanh hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ với họ, và cách thông dụng, hữu hiệu hơn cả vào thời bấy giờ chính là liên hôn.
Thông qua những đám cưới chính trị, nhà Thanh vừa âm thầm khống chế các bộ lạc Mông Cổ, lại vừa ngấm ngầm điều khiển, chi phối để họ để tiếp tục bán mạng bảo vệ lợi ích cho vương triều của mình.
Hơn nữa, việc số lượng hậu phi Mông Cổ gia tăng trong hậu cung Thanh triều dần tăng lên cũng khiến cho bản chất của hình thức liên hôn dần phát sinh biến hóa: Ban đầu là do các bộ lạc Mông Cổ vì muốn có được sự bảo hộ của Mãn tộc nên đem phụ nữ gả cho họ, về sau thì Mãn tộc muốn mua chuộc Mông Cổ nên tăng cường chủ động nạp phi tần.
Trên thực tế, bản thân thế lực Mông Cổ thông qua phương thức liên hôn cũng thu về không ít lợi lộc, từ đó càng thêm trung thành với Thanh triều và dần trở thành những người bảo vệ biên giới phía Bắc cho vương triều này.
Bởi vậy có thể thấy, việc các Hoàng đế nhà Thanh không ngừng nạp phi tử Mông Cổ thực chất không bắt nguồn từ sở thích hay hứng thú mà chỉ nhằm phục vụ một mục đích chính trị duy nhất: Đó chính là lợi dụng thế lực của các bộ lạc Mông Cổ nhằm củng cố sự toàn vẹn và thống nhất về lãnh thổ cho đất nước của mình.
*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc)