Nhận quà cảm ơn có phải là hành vi nhận hối lộ?

Việt Anh/VOV2 |

Vụ "chuyến bay giải cứu", các bị cáo khai nhận tiền của doanh nghiệp vì nghĩ đó là quà cảm ơn. Nhưng các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách nhiệm vụ của mình và nhiều lần nhận "quà cảm ơn" bằng cả gia tài mà nhiều người mơ ước.

Trong vụ đại án "chuyến bay giải cứu", cơ quan tố tụng cáo buộc 21 cựu quan chức đã nhận hối lộ 515 lần với 165 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, tháng 3/2020, dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, Chính phủ Việt Nam tổ chức “chuyến bay giải cứu” đầu tiên đưa 30 công dân từ Vũ Hán (Trung Quốc) về Việt Nam. Do nhu cầu được về nước rất lớn, tháng 11/2020, Chính phủ thí điểm rồi cho triển khai các chuyến bay tự nguyện trả phí. Văn phòng Chính phủ cùng tổ công tác gồm 5 Bộ (Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông vận tải và Quốc phòng) được giao nhiệm vụ phối hợp thực hiện.

Với chủ trương hướng đến tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhưng khi vận hành trên thực tế, hàng loạt lãnh đạo, cán bộ tại các bộ, ngành đã lợi dụng vị trí được giao để nhận tiền, ưu ái cho các doanh nghiệp “đi cửa sau”.

Người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án này là Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế). Tuy nhiên, ông Kiên nói không ép bức, không đòi hỏi, doanh nghiệp tự đưa tiền và nhận thức đó là quà cám ơn. Trong khi ông Kiên có đến 253 lần nhận tổng số 42,6 tỉ đồng, trong đó 228 lần qua chuyển khoản.

Nhận quà cảm ơn có phải là hành vi nhận hối lộ? - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng

Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng cho biết: "Điều 354, Bộ luật hình sự 2017 quy định nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích (vật chất hoặc phi vật chất khác) dưới bất kỳ hình thức nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người khác hoặc cho tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vi lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa hối lộ".

"Lợi ích phi vật chất" quy định tại điểm b khoản 1 các điều 354, 358, 364, 365 và 366 của Bộ luật Hình sự là những lợi ích không phải lợi ích vật chất.

Ví dụ: Hối lộ bằng cách tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu, cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài; hối lộ tình dục,...

Khoản 4 Điều 3 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP

Theo luật sư Nguyễn Văn Hưng, với người Việt Nam, quà biếu được hiểu như sự biết ơn, có trước có sau. Tuy nhiên đó chỉ thực sự là quà cảm ơn khi giữa người có chức vụ và người đưa quà biếu không có bất kỳ thỏa thuận nào về việc tặng quà biếu, người nhận quà biếu thực hiện công việc của mình đúng chức năng, quyền hạn, vô tư, giá trị món quà không lớn.

Còn nếu người có chức vụ nhận quà biếu thường xuyên, có hệ thống, tuy không có thỏa thuận giữa người tặng quà và người nhận quà, giá trị quà biếu lớn, người đưa quà biếu ngầm hiểu là của hối hộ thì coi là phạm tội nhận hối lộ. Đối với những công việc, những ngành có quy định cấm nhận quà dưới bất kỳ hình thức nào, giá trị nào thì việc nhận quà biếu cũng coi như hành vi nhận hối lộ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại