Hai vợ chồng chị Jessica và anh Adam Davis vốn đã có một cuộc sống yên ấm, hạnh phúc tại bang Ohio, Mỹ, với 4 đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn.
Tuy vậy anh chị vẫn luôn muốn mang đến tình thương và tạo ra sự thay đổi tích cực với những đứa bé không may mắn khác. Chính vì thế gia đình Davis đã quyết tâm nhận con nuôi.
Họ đã bỏ ra một khoảng thời gian tương đối dài để nghiên cứu và đăng ký xin nhận con nuôi tại những cơ sở từ trong nước đến quốc tế. Trong quá trình đó, họ biết được Uganda là một trong những nước nghèo khó nhất thế giới và là nơi có số lượng trẻ mồ côi cực kỳ cao.
Và cơ duyên đã đưa đẩy họ biết đến trường hợp của cô bé mồ côi Namata từ miền đất châu Phi xa xôi có hoàn cảnh rất tội nghiệp.
Namata được gia đình Davis nhận nuôi thông qua tổ chức cho nhận con nuôi EAC.
Dù có rất nhiều thủ tục phức tạp và mệt mỏi, cuối cùng chị Jessica và anh Adam cũng đã chính thức trở thành bố mẹ nuôi của Namata thông qua tổ chức cho nhận con nuôi European Adoption Consultants (EAC). Năm 2015, anh chị đã đưa cô bé trở về Mỹ, sắp xếp cuộc sống mới cho con gái nuôi, hy vọng cô bé sớm hòa nhập với môi trường mới, sẽ nhận được những điều tốt đẹp nhất.
“Tôi chưa bao giờ tưởng tượng nổi những gì sẽ xảy ra tiếp đó”, chị Jessica chia sẻ trên CNN.
Cô bé 6 tuổi Namata vô cùng lanh lợi nên quá trình học tiếng Anh có rất nhiều tiến bộ vượt bậc. Mọi thứ diễn ra rất hoàn hảo và thuận lợi, cho đến 6 tháng sau, khi Namata có đủ vốn từ và bắt đầu chia sẻ cho bố mẹ nuôi về cuộc sống của cô bé trước khi đến Mỹ. Đó là một sự thật làm cho gia đình Davis kinh hoàng và đau đớn vô cùng: Namata còn có mẹ ruột ở Uganda và mẹ rất yêu thương cô bé.
Dù đã có 4 đứa con, vợ chồng Davis vẫn muốn nhận nuôi và thay đổi cuộc đời của những đứa bé bất hạnh khác nữa.
Khi nhận nuôi Namata, vợ chồng Jessica và Adam được thông báo rằng Natama là đứa bé mồ côi. Họ nói cô bé sinh ra đã không có bố, sau đó cũng bị mẹ ruột bạc đãi rồi bỏ rơi. Họ còn nói cô bé không được đi học, thậm chí còn không được cho ăn uống đàng hoàng.
Ban đầu khi nghe con gái nuôi kể những chuyện “phi lý” như thế, gia đình Davis còn nghĩ rằng cô bé dựng chuyện lên như một cách để đối mặt với những tổn thương tâm lý năm xưa. Namata thường kể cho mẹ nuôi Jessica nghe về người mẹ ruột.
Cô bé nói mẹ ruột mỗi ngày đều đưa em đến trường. Mẹ chăm sóc cho em từng chút một, rất thương em. Và Namata nức nở rằng cô bé rất nhớ mẹ ruột và chỉ muốn quay về bên mẹ mà thôi.
Cô bé Namata luôn kể về một cuộc sống rất khác, rất hạnh phúc với mẹ ở quê nhà.
Nhưng thực chất một cô bé 6 tuổi thì không thể dựng lên cả một câu chuyện dài và nhiều chi tiết đến như thế. Adam và Jessica đã rất sốc khi khám phá ra sự thật về cô con gái nuôi Namata - người mà họ vẫn nghĩ là trẻ mồ côi.
Họ bàng hoàng không thể tin được rằng tổ chức EAC đã tước đi hạnh phúc của một đứa trẻ, tách cô bé ra khỏi gia đình thân thương để rồi trục lợi trên đứa bé đáng thương đó. Càng đáng sợ hơn vì có lẽ họ không phải là cặp bố mẹ duy nhất sẽ phải trải qua điều kinh khủng này.
Chia sẻ với CNN, Adam cho biết: “Thứ tổn thương duy nhất mà con bé phải gánh chịu đó là bởi vì chúng tôi muốn nhận một đứa con nuôi. Con bé đã có một tổ ấm hạnh phúc với mẹ ruột, cho đến khi nó được chọn cho gia đình chúng tôi”.
Khi cho cô con gái nuôi học tiếng Anh, vợ chồng Davis không thể ngờ lại được nghe một sự thật quá kinh hoàng.
Trong khi đó, người mẹ ruột của Namata ở quê nhà vẫn không hay biết điều gì cả. Cô vẫn tưởng con gái mình được gia đình Davis bảo trợ. Những người ở EAC đã nói với cô rằng Namata sẽ được học hành và được nuôi nấng thật tốt tại Mỹ và chỉ sống vài năm rồi quay về Uganda.
Theo đúng luật, gia đình Davis có thể giữ bé Namata ở lại nhưng dĩ nhiên, họ làm sao có thể chịu đựng nổi khi biết rằng mình đang mang lại sự bất hạnh cho một đứa bé và một người mẹ khác như vậy. Nhà Davis đã quyết định hủy các giấy tờ nhận nuôi, cho phép cô bé Namata được quay trở về Uganda đoàn tụ với mẹ ruột.
Namata và 4 anh chị em nhà Davis có cuộc sống khá hạnh phúc tại Mỹ.
Keren Riley, một người tham gia vào các dự án đoàn tụ trẻ em Uganda với gia đình, chia sẻ với CNN rằng có một số tổ chức mang danh cho nhận con nuôi nhưng thực tế chỉ nhắm vào những đối tượng là các gia đình đông con khó khăn về kinh tế hoặc những bà mẹ đơn thân để lừa họ bỏ con.
Những đứa bé này sau đó được các gia đình mong con ở nước ngoài sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để nhận nuôi.
“Tôi không muốn bất cứ bà mẹ nào phải trải qua điều tương tự như tôi”, Jessica nói.
Trong khi Namata được nhận nuôi tại Mỹ, mẹ em vẫn tưởng con gái được bảo trợ đi vài năm rồi về.
Sau khi câu chuyện được công bố rộng rãi, tổ chức EAC đã ngay lập tức bị đóng cửa và phải chịu sự điều tra của bộ ngoại giao và FBI. Tài liệu điều tra cho thấy, kể từ năm 1990, EAC đã chuyển giao hơn 2.000 đứa trẻ “mồ côi” đến với các gia đình tại Mỹ. Trong số đó, thật sự không biết có bao nhiêu đứa bé có gia đình, có bố mẹ yêu thương nhưng đã bị tách ra một cách tàn nhẫn như vậy.
Mặc dù Namata đã trở về với mẹ ruột nhưng đối với nhà Davis, cô bé vẫn luôn là đứa con gái mà họ yêu thương. Hai gia đình vẫn thường xuyên trao đổi hình ảnh để Jessica và Adam có thể cập nhật được tin tức của Namata.
Namata có một gia đình hạnh phúc với mẹ và những người anh em.
“Mỗi lần nhận được hình của Namata, tôi chỉ trực trào nước mắt. Tôi thật sự muốn ôm con bé vào lòng, nhưng rồi lại tự nhủ những gì con bé suýt phải mất đi khi được gia đình tôi nhận nuôi”, chị Jessica chia sẻ. “Một trong những bức ảnh tôi thích nhất đó là bức Namata ngồi trên mặt đất, đối diện là mẹ cô bé. Người phụ nữ ấy, người đã sinh ra Namata, người trông giống hệt con bé, cả nụ cười cũng là một… Người mẹ ấy yêu Namata hơn bất kỳ ai trên trái đất này đang nhìn thẳng vào mắt đứa con gái mà cô suýt đánh mất trong gang tấc”.
Namata cho những đứa bé cùng xóm xem ảnh khi cô bé đang ở Mỹ.
(Nguồn: CNN)