Cặp ngà dài như ngà voi
Lợn bướu (Phacochoerus) cũng là một thành viên trong họ lợn (Suidae). Chúng có nét đặc trưng bởi cặp ngà dài và sắc, uốn cong như ngà voi.
Mỗi lợn bướu trưởng thành đều có 2 cặp ngà (thực chất là răng nanh): một cặp ở hàm trên và một cặp ở hàm dưới. Cặp ở hàm trên đặc biệt dài, có thể từ 25,5-63,5cm, uốn cong như cái móc câu giống như ngà voi. Cặp ở hàm dưới ngắn và nhỏ hơn, nhưng lại đặc biệt sắc nhọn.
Chân dung loài lợn bướu
Với 4 chiếc nanh dữ dằn này, lợn bướu vừa có thể tấn công, để lại vết thương vô cùng nghiêm trọng, vừa có thể phòng thủ, gây e ngại cho cho các loài thú săn mồi. Tuy nhiên, chúng hiếm khi chiến đấu, thường lập tức co giò bỏ chạy khi đánh hơi thấy mùi nguy hiểm.
Ngạc nhiên là lợn bướu chạy cực nhanh. Chúng có thể đạt vận tốc 50km/h.
Một loài lợn chăm chỉ
Mặc dù lợn bướu không phải là loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, nhưng chúng cũng không đông đảo gì mấy, chỉ bao gồm có 2 loài. Đó là lợn bướu thông thường (Phacochoerus phius) và lợn bướu sa mạc (Phacochoerus aethiopicus). Chúng thường sống trong các tràng cỏ, thảo nguyên và rừng rậm ở châu Phi.
Lợn bướu là một loài chăm chỉ
Thực tế, lợn bướu là một loài chăm chỉ. Mỗi ngày, chúng đều cặm cụi gặm cỏ, dũi đất đào củ. Là lợn, nên chế độ ăn của chúng rất phong phú - đúng với tiêu chí ăn tạp.
Chúng gần như là ăn tất tần tật, từ trái cây rụng đến côn trùng, nấm, thậm chí là cả trứng của động vật khác cũng không tha. Nếu vô tình gặp được xác động vật do thú săn mồi bỏ mứa, chúng cũng không ngại xúm vào xơi nốt.
Nhờ có khớp cổ chân linh hoạt, lợn bướu có thể dễ dàng quỳ xuống, thoải mái moi tìm đồ ăn trong lòng đất. Và dù đặc trưng bởi 2 cặp ngà độc đáo, cái tên "lợn bướu" thực ra lại bắt nguồn từ những cục u lồi kỳ dị trên mặt loài heo này.
Lợn bướu có 4 cặp ngà, kèm các khối u giữa mặt
Lợn bướu đực có 2 cặp bướu, 1 cặp ở dưới 2 hốc mắt và 1 cặp ở hàm trên. Còn lợn bướu cái thì chỉ có 1 cặp bướu dưới 2 hốc mắt mà thôi. Chúng được cấu thành từ xương và sụn.
Ưa dùng hang "chùa"
Tuy rất thích trú trong các hang hốc, nhưng nhà lợn bướu lại không tự đào. Chúng thường tìm hang nhím hoặc hang lợn đất vô chủ mà chui vào ở. Nhờ những cái hang "chùa" này, lợn bướu có thể nghỉ ngơi, tránh thú săn mồi và sinh nở, chăm sóc con non.
Một trong những đặc tính thú vị của nhà lợn bướu là chúng không vào hang theo cách thông thường, mà "chơi trò" chui giật lùi, nom rất ngộ nghĩnh. Tuy nhiên, nhà lợn bướu không "cài số de" cho vui, mà có mục đích cả. Làm như vậy, chúng có thể chìa bộ mặt với 4 chiếc nanh đầy đe dọa ra ngoài, cấm các loài động vật khác lại gần.
Thị lực của lợn bướu khá kém nhưng khứu giác thì trên cả tuyệt vời. Chúng có thể ngửi được cả mùi thức ăn lẫn kẻ thù từ rất xa.
Thích tụ hợp, "bà tám" với nhau và thương con nhất mực
Lợn bướu đực sống đơn độc, ưa đánh nhau dữ dội, nhất là khi đến mùa giao phối. Ngược lại, lợn bướu cái lại rất hòa đồng.
Chúng thường họp nhóm chung với một vài bà mẹ "bỉm sữa" đang nuôi con khác, sử dụng đủ các tiếng kêu để "bà tám" với nhau, từ khụt khịt khe khẽ đến ré lên eng éc.
Thời gian mang thai của lợn bướu cái khá dài, từ 5-6 tháng. Khoảng 10 ngày sau khi chào đời, lợn con mới bắt đầu theo mẹ ra khỏi hang. Lợn cái thì cực kỳ yêu thương và hết lòng chăm bẵm con non. Nó sẵn sàng làm tất cả mọi thứ, dám đối đầu cả với những loài săn mồi hung tợn để bảo vệ đám nhóc của mình.
Như mọi loài heo khác, lợn bướu cũng không có tuyến mồ hôi. Vì thế, để chống chọi lại cái bức bối của châu Phi, chúng lăn lộn tắm bùn. Lớp bùn dày bám trên da của chúng vừa có tác dụng chống nắng, làm mát, bảo vệ da lại vừa ngăn cản côn trùng đốt.
Dù không bị rơi vào nguy cơ tuyệt chủng, nhưng lợn bướu vẫn phải đối mặt với hiểm họa săn trộm. Hơn nữa, vì chúng khoái ăn rau củ, hay dũi phá ruộng vườn nên cũng bị nông dân xua đuổi, khiến số lượng ngày càng giảm sút.
Khi gặp nguy hiểm, lợn bướu có thể chạy 50km/h
Tham khảo: Africa Geographic