Năm nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nhãn lồng Hưng Yên vẫn “chinh phục” được thị trường châu Âu, EU với chất lượng quả thơm ngon, mẫu mã đẹp.
Từ giữa tháng 8, nhãn lồng Hưng Yên mới bước vào chính vụ. (Ảnh: Minh Châu).
Mới đây, ở xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) đã thực hiện chuyến hàng đầu tiên xuất nhãn lồng tươi đi thị trường châu Âu, EU và Vương quốc Anh.
Trước đó, vào giữa tháng 7/2021, Công ty Cổ phần nông nghiệp hữu cơ Fusa (Hải Dương) đã tiến hành thu mua nhãn quả tươi của Hợp tác xã Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng tại xã Tân Hưng để xuất khẩu đi thị trường châu Âu, EU và Vương quốc Anh. Ngay trong lô hàng đầu tiên, hợp tác xã đã thu hoạch gần 2 tấn nhãn, tuyển chọn để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Trao đổi với PV Infonet, Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên Nguyễn Văn Thơ, cho biết, hiện nay nhãn lồng Hưng Yên được phân phối vào 3 hệ thống chính.
Theo đó, nhãn được đưa vào hệ thống các siêu thị và cửa hàng tại Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh thông qua VietPost và Viettel Post. Tại Hà Nội, mỗi ngày tiêu thụ trung bình từ 1,5-2 tấn; tại Quảng Ninh bình quân mỗi ngày khoảng 3 tấn.
Đặc biệt, ngay từ đầu vụ, tỉnh Hưng Yên đã đăng ký hợp đồng với 1 số doanh nghiệp để xuất khẩu nhãn. Theo đó, chuyến hàng đầu tiên được xuất thử nghiệm sang Singapore vào ngày 4/8 với số lượng 3 tấn.
Riêng Hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu (xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên) đã phối hợp với Công ty TNHH Mia Fruit xuất khẩu chính ngạch được 700 kg nhãn lồng Hưng Yên sang thị trường Singapore.
“Hiện nay nhu cầu tiêu thụ nhãn ở Singapore và Trung Quốc mỗi ngày bình quân cần từ 10-12 tấn, nhưng hiện tại chúng tôi chưa đáp ứng được công suất này vì nhãn mới bắt đầu vào vụ nên số lượng thu hoạch chưa nhiều.
Đến khoảng từ giữa tháng 8 trở đi thì nhãn bắt đầu bước vào chính vụ, lúc đó mới đáp ứng được số lượng nhãn xuất đi như trên”, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thơ khẳng định.
Ngoài ra, ông Thơ cũng cho biết, ngoài phân phối vào hệ thống siêu thị và cửa hàng, xuất khẩu, năm nay, nhãn lồng Hưng Yên sẽ đáp ứng nhu cầu khách hàng từ Quảng Ngãi và Bình Định trở ra.
“Vừa rồi, Sở Công Thương đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành về việc tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nhãn. Hiện tỉnh Hưng Yên đã ưu tiên cho đội ngũ lái xe, thương lái và chủ vườn nhãn được tiêm vắc xin trước.
Hiện tại việc tiêu thụ nhãn chưa gặp khó khăn lớn, tuy nhiên đối với thị trường bán lẻ trong nước, sản phẩm nhãn tương đối khó khăn do dịch bệnh nên thương lái khó tiếp cận với nhà vườn”, ông Thơ nói thêm.
Về giá nhãn, theo Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên, giá nhãn lồng hiện được các HTX chào bán trên các sàn trung bình khoảng 45.000/kg, mức giá này cao hơn so với năm trước, mẫu mã và chất lượng nhãn năm nay cũng đều tốt hơn.
So với năm trước, mẫu mã và chất lượng nhãn năm nay đều tốt hơn. (Ảnh: Minh Châu).
Tùy thuộc loại nhãn mà có những mức giá khác nhau, nếu nhãn Hương Chi là loại nhãn cây già hiện có giá khoảng 40.000-42.000 đồng/kg.
Còn tại Singapore, giá nhãn lồng Hưng Yên được bày bán với giá khoảng 220 nghìn đồng/kg.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, năm 2021, tỉnh Hưng Yên có khoảng 4500 ha nhãn, trong đó khoảng 35% được trồng theo tiêu chuẩn VietGap.
Toàn tỉnh có 15 vùng trồng nhãn xuất khẩu, trong đó có 2 vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ là tại xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) và xã Hàm Tử (Khoái Châu); 13 vùng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Đến nay, toàn tỉnh có 4 khu vực đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý gồm: Thành phố Hưng Yên và các huyện: Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ.