Hồi tháng Mười vừa qua, HLV Troussier đã có bài trả lời phỏng vấn khá dài trên đất Trung Quốc. Trong đó khi đánh giá về nền bóng đá và đội tuyển Việt Nam, ông thầy người Pháp đã chỉ ra hai điểm bóng đá Việt Nam giống Trung Quốc, song lại là điểm trừ mạnh mẽ để cả hai nền bóng đá có thể vươn đến đẳng cấp cao hơn.
Điều thứ nhất là giải vô địch quốc gia của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều "sống bằng hơi thở của ngoại binh" khi các CLB đổ tiền thuê ngoại binh xịn để có được thành tích, thay vì tập trung đào tạo trẻ, tạo cơ hội cho các cầu thủ nội. Thứ hai, là số lượng cầu thủ xuất ngoại và thành công ở các nền bóng đá có đẳng cấp cao hơn.
Chốt lại bài phỏng vấn của mình với báo Trung Quốc, chiến lược gia người Pháp nhận định: "Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều đang sở hữu giấc mơ World Cup 2026. Tuy nhiên nếu muốn có được cơ hội lọt vào VCK World Cup, trước tiên phải có một giải đấu chuyên nghiệp, cùng nhiều cầu thủ xuất ngoại hơn".
Cả hai vấn đề HLV Troussier đề cập đến, bóng đá Thái Lan đang làm tốt hơn rất nhiều so với Việt Nam. Về tính cạnh tranh, Thai League có đến 18 đội (ngang số đội với Bundesliga của Đức) và có đến 3 đội bóng xuống hạng mỗi mùa. Còn ở giải hạng Nhất có 22 đội, một con số rất bất ngờ khi tính khốc liệt ở giải đấu này cũng không hề kém cạnh Thai League.
Điều đáng nói hơn là giải hạng Nhất Thái Lan là cái nôi phát triển những tài năng trẻ, họ ưu tiên trình làng những "viên ngọc" của lò đào tạo, sau đó sẵn sàng bán kiếm lời để lấy chi phí duy trì đội bóng.
Trong khi đó V.League chỉ có 14 đội dự tranh, con số ở giải hạng Nhất Việt Nam là 12, số suất lên hạng là 1,5 và nhận được sự quan tâm rất ít ỏi.
Về việc xuất ngoại, những chuyến ra nước ngoài thi đấu của những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh hay Quang Hải, Văn Hậu, thực ra chỉ là những "chuyến dạo chơi", thay vì đem lại động lực và sức sống mới cho bóng đá Việt Nam. Thậm chí với những thất bại triền miên của những cầu thủ Việt xuất ngoại, việc vươn tới một nền bóng đá đẳng cấp hơn đang trở thành một lựa chọn khó khăn và đầy may rủi cho các "đàn em".
Trong khi đó, suốt nhiều năm qua, cầu thủ Thái Lan khá thành công ở "biển lớn". Sau Chanathip Songkrasin và Theerathon Bunmathan, đến lượt Supachok Sarachat đang cực kỳ thành công ở J.League, với 7 bàn thắng ghi được sau 22 trận ra quân trong màu áo CLB Consadole Sapporo.
Không thể phủ nhận rằng suốt hơn nửa thập kỷ qua, bóng đá Việt Nam đã có được những bước tiến vượt bậc, những cột mốc lịch sử dưới triều đại của HLV Park Hang-seo. Song nền móng của những thành công ấy dựa rất nhiều vào một lứa cầu thủ tài năng được ông thầy người Hàn Quốc tận dụng triệt để, để rồi khi lứa "thế hệ vàng" này bắt đầu "tụt dốc", lớp kế cận của bóng đá Việt Nam đang chỉ để lại rất nhiều sự mơ hồ.
Ở hai kỳ SEA Games mà bóng đá Việt Nam giành chiếc HCV dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, trong khi ông thầy người Hàn Quốc tận dụng triệt để sức mạnh từ các cầu thủ quá tuổi, thì bóng đá Thái Lan dành sân chơi cho bóng đá trẻ đúng nghĩa. Sau chức vô địch AFF Cup 2018, thầy Park cùng các học trò của mình phải ngậm ngùi nếm trải thất bại trước Thái Lan, nhìn "đại kình địch" Đông Nam Á hai lần lên ngôi đầy xứng đáng.
Có thể nói việc HLV Park Hang-seo rời bỏ bóng đá Việt Nam ở thời điểm lứa cầu thủ "thế hệ vàng" từng cùng ông dựng nên không ít cột mốc lẫy lừng đã "qua đỉnh" là quyết định cực kỳ khôn ngoan. Minh chứng rõ rệt nhất cho điều đấy là người kế nhiệm ông đang phải cực kỳ chật vật với một đội tuyển Việt Nam đang trẻ hóa nhưng đầy mông lung, cùng thất bại ở kỳ SEA Games gần nhất.
Hiện tại, có không ít thông tin về việc Liên đoàn bóng đá Thái Lan đang nhắm HLV Park Hang-seo cho chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển nước nhà. Về phần mình, ông thầy người Hàn Quốc cũng đã lên tiếng tuyên bố sẽ dẫn dắt đội tuyển Thái Lan nếu nhận được lời đề nghị thỏa đáng.
Nắm đội tuyển Thái Lan, HLV Park Hang-seo sẽ có được lợi thế từng có với bóng đá Việt Nam, đấy là một lứa cầu thủ tài năng, cùng một giải vô địch quốc gia đầy tính chuyên nghiệp "chống lưng" cho mình. Song cũng như ở Việt Nam, sức ép của người hâm mộ lẫn giới chuyên môn Thái Lan chưa bao giờ là nhỏ cả.
Còn nhớ ở vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á, HLV Kiatisuk từng được tung hô hết cỡ khi đưa Thái Lan lọt vào vòng 3 đầy hứng khởi với những cú "hạ knock out" đội tuyển Việt Nam đầy sức thuyết phục. Nhưng cũng chính người hâm mộ và giới chuyên môn Thái Lan nhanh chóng quay lưng lại với "Zico Thái" sau những thất bại thảm thương trước những đội bóng hàng đầu châu Á.
Với bóng đá Thái Lan, đã từ lâu VCK World Cup mới là mục tiêu hướng đến, chứ không phải AFF Cup hay SEA Games. Đấy sẽ là trở ngại và rủi ro lớn nhất mà HLV Park Hang-seo phải đối mặt khi nhận lời cầm quân trên đất Thái. Nói gì thì nói, trình độ của bóng đá Thái Lan dẫu có "qua mặt" được Việt Nam, thì vẫn là "vùng trũng" của châu Á, chưa thể đủ sức cạnh tranh được với các "ông lớn" châu lục.
Đấy là còn chưa nói đến việc ở vòng loại World Cup 2026, Thái Lan rơi vào bảng đấu khó khăn hơn nhiều so với Việt Nam, với sự góp mặt của Trung Quốc - đội vừa thắng "Voi chiến" 2-1 ở Bangkok, cùng "ông kẹ" Hàn Quốc. Nếu chẳng may Thái Lan "rụng" ngay ở vòng đấu này, trong khi đội tuyển Việt Nam của HLV Troussier lấy vé đi tiếp, thì sẽ là thảm họa thực sự cho HLV Park Hang-seo.