Nhận lệnh từ Thủ tướng, hầm xuyên núi trên cao tốc 14.114 tỷ đồng giáp Trung Quốc vượt tiến độ "thần kỳ"

Thái Hà |

Nhánh hầm đầu tiên vừa được thông trên tuyến cao tốc này vượt tiến độ tới 3 tháng.

Thông nhánh hầm đầu tiên trên tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh

Mới đây, tại địa phận xã Thuỵ Hùng, huyện Thạch An, tiếng hò reo vỗ tay của từng tốp cán bộ, kỹ sư, công nhân vang lên từ trong lòng núi sau những tiếng nổ mìn lớn đánh dấu mốc chính thức thông nhánh phải hầm Đông Khê. Đây là ống hầm đầu tiên được đào thông trên toàn tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, vượt 3 tháng so với tiến độ đề ra.

Hưởng ứng lời kêu gọi thi công “vượt nắng, thắng mưa”, “3 ca 4 kíp”, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm” của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu đã huy động 1.091 nhân sự, 376 thiết bị máy móc và triển khai 27 mũi thi công đồng loạt 24/7, hướng tới mục tiêu thông tuyến vào năm 2025.

Nhận lệnh từ Thủ tướng, hầm xuyên núi trên cao tốc 14.114 tỷ đồng giáp Trung Quốc vượt tiến độ 'thần kì' - Ảnh 1.

Lễ thông nhánh phải hầm Đông Khê. Ảnh: Đèo Cả

Tại hầm Đông Khê, để hoàn thành việc đào thông hơn 493 mét nhánh phải, đội ngũ kỹ sư và công nhân đã vượt qua nhiều thách thức về địa chất, đạt tốc độ thi công trung bình 2,86 md/ngày. 

Ông Phạm Duy Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, đại diện Tổng thầu thi công, chia sẻ: “Cột mốc này là minh chứng cho sự nỗ lực đáng ghi nhận của toàn thể đội ngũ lao động tại dự án. Thành quả này không chỉ vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch, mà còn mang lại niềm vui và tự hào cho tất cả chúng tôi. Nhánh hầm trái dự kiến sẽ được đào thông vào đầu tháng 12 tới, tiếp tục đánh dấu một bước tiến quan trọng".

Nhánh phải hầm Đông Khê, một điểm nhấn trong tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, là hạng mục đầu tiên hoàn thành công tác đào và gia cố. Ngay sau cột mốc này, đội ngũ kỹ sư và công nhân sẽ triển khai các công đoạn tiếp theo như đào hạ nền, gia cố, lắp đặt ván khuôn để đổ bê tông vỏ hầm, lắp đặt hệ thống thiết bị ITS. 

Nhận lệnh từ Thủ tướng, hầm xuyên núi trên cao tốc 14.114 tỷ đồng giáp Trung Quốc vượt tiến độ 'thần kì' - Ảnh 2.

Công trường đào hầm Đông Khê. Ảnh: Đèo Cả

Toàn bộ hạng mục hầm Đông Khê và Thất Khê dự kiến sẽ hoàn thiện cơ bản vào tháng 6/2025, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Khoảnh khắc nhánh phải hầm Đông Khê thông suốt được đánh dấu bằng ba tiếng nổ lớn. Cán bộ, người lao động từ hai phía cửa Đông và cửa Tây tiến vào, trong ánh sáng le lói của đèn pin và bụi mờ của lòng núi hàng triệu năm tuổi. 

Giữa làn khói, các tốp thợ dần nhận ra nhau, hò reo vui mừng và trao nhau những cái bắt tay siết chặt, khích lệ những nỗ lực thời gian qua để đón khoảnh khắc đáng nhớ này.

Anh Mã Thành Long, một thợ đào hầm, không giấu nổi xúc động khi được tham gia xây dựng tuyến cao tốc đầu tiên trên quê hương Cao Bằng của mình. Cầm trên tay một mảnh đá nhỏ thu được từ lúc nổ mìn thông hầm vừa rồi, anh chia sẻ: “Tôi muốn mang kỷ vật này về nhà để lưu giữ khoảnh khắc đặc biệt hôm nay".

Nhận lệnh từ Thủ tướng, hầm xuyên núi trên cao tốc 14.114 tỷ đồng giáp Trung Quốc vượt tiến độ 'thần kì' - Ảnh 3.

Anh Mã Thành Long - thợ đào hầm chia sẻ. Ảnh: Đèo Cả

Cũng như anh Long, các thợ đào hầm khác của dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh đều có chung niềm phấn khởi khi tiếng nổ cuối cùng vang lên. “Lúc đó, anh em từ hai phía cửa hầm tiến lại, bắt tay nhau, ai nấy đều vui mừng rạng rỡ. Cảm xúc khó tả, những khó khăn đều tan biến trong niềm tự hào”, anh Long bộc bạch.

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh nhận mệnh lệnh từ Thủ tướng

Trước đó, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ đã khảo sát thực địa và có cuộc làm việc với yêu cầu hoàn thành dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) ngay trong năm 2025, góp phần thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau trong năm 2025.

Thủ tướng nhấn mạnh dự án cao tốc này rất quan trọng để kết nối hai tỉnh, kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô với miền núi phía Bắc; kết nối quốc gia, nối tuyến cao tốc từ Cao Bằng - Lạng Sơn tới Hà Nội, thông tuyến cao tốc từ Bắc vào Nam tới tận mũi Cà Mau.

Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), liên danh các nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu. Công trình có tổng chiều dài 121 km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng.

Ảnh: Báo Cao Bằng

Dồn lực thi công trên toàn tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ảnh: Báo Cao Bằng

Giai đoạn 1 được đầu tư hơn 93 km, tổng mức đầu tư 14.114 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước chiếm hơn 69%. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư tiếp gần 28 km còn lại.

Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6-7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa giao thương tiếp giáp với Trung Quốc, sớm đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với các tỉnh lân cận Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội đi Hải Phòng; các tỉnh phía Nam Việt Nam kết nối với các tỉnh Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội, kết nối với tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang và các tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam.

Xa hơn, là hình thành tuyến vận tải hướng Nam kết nối ASEAN đi Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu (Trung Quốc) sang Trung Á và châu Âu. Đồng thời, đảm bảo giao thương thuận lợi, nâng cao hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng kết nối khu vực nói riêng.

Ngoài ra, Dự án giúp kết nối các trục ngang tuyến trong mạng lưới hệ thống đường cao tốc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển của tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế khu vực phía Bắc, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển cho toàn vùng Đông Bắc với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại