Trong cuộc sống, việc thuê nhà là chuyện rất bình thường. Và đi kèm với nó là nhiều câu chuyện có phần "dở khóc dở cười" giữa chủ nhà và khách cho thuê. Câu chuyện sau đây được chia sẻ trên 1 diễn đàn về dọn dẹp sở hữu hơn 430 nghìn thành viên là một ví dụ.
Cụ thể, theo chính chủ chia sẻ, khi khách thuê trả nhà, cô bước vào phòng vệ sinh và tá hoả bởi tình trạng của khu vực bồn cầu. Kèm theo dòng trạng thái là hình ảnh chụp lại chi tiết khu vực. Có thể thấy, bên trong bồn cầu đã bị ố vàng nghiêm trọng.
Bên dưới bài viết được chia sẻ, nhiều người khác nhận xét, bên cạnh thói quen sử dụng của người ở, rất có thể tình trạng bồn cầu trở nên ố vàng nghiêm trọng như thế này là do nguồn nước của gia đình. "Cái vệt ố kia là từ trong bồn dự trữ nước đằng sau bồn cầu chảy ra. Có thể do nước còn nhiều sắt, cặn kim loại, các tạm chất khác hoặc bị nhiễm phèn. Tất nhiên cũng có thể do người ở không thường xuyên cọ rửa nên mới đóng lại đậm như trong ảnh", người dùng có tài khoản tên Nguyễn T.T Hoài bình luận.
Điều này cũng được Cleanpedia, chuyên trang của Unilever khẳng định. Ngoài ra, nhiều gia đình còn có thói quen xấu là đổ nước thải, thậm chí là thức ăn thừa xuống bồn cầu. Đây cũng là một trong những tác nhân chính dẫn đến bồn cầu bị ố vàng nghiêm trọng.
Nguồn nước và thói quen sai lầm - đổ thức ăn thừa xuống bồn cầu cũng những nguyên nhân khiến các vết bẩn, ố vàng xuất hiện (Ảnh minh hoạ)
Cách làm sạch bồn cầu bị ố vàng
Việc bồn cầu bị ố vàng hay đóng cặn, những vết bẩn bám chặt không chỉ ẩn chứa nhiều vi khuẩn, gây mất thẩm mỹ cho khu vực bồn cầu nói riêng cũng như toàn bộ nhà vệ sinh nói chung, mà còn khiến người sử dụng không được thoải mái hoàn toàn. Trong một số trường hợp, vết ố vàng trên bồn cầu còn là nguyên nhân gây ra những mùi hôi khó chịu trong nhà vệ sinh.
Chính vì vậy, cách tốt nhất là người dùng cần xử lý những vết ố vàng trong bồn cầu này một cách triệt để, càng sớm càng tốt. Theo lời khuyên từ các chuyên gia trong lĩnh vực dọn dẹp, có nhiều phương pháp xử lý khác nhau, tuỳ vào tình trạng của vết ố vàng của gia đình.
1. Sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, sẵn có
Cụ thể, theo Cleanpedia, với những vết ố màu vàng nhạt, chưa quá đậm, người dùng có thể tận dụng chính những nguyên liệu tự nhiên, thân thiện, an toàn, sẵn có tại nhà. Có thể kể tới như chanh, giấm trắng, baking soda, phèn chua. Trong các chất này đều chứa lượng axit nhất định, bởi vậy đem lại hiệu quả làm sạch tốt.
Chanh, giấm trắng và baking soda là những nguyên liệu an toàn, giúp cọ rửa bồn cầu hiệu quả (Ảnh minh hoạ)
Cách sử dụng các nguyên liệu có sẵn tại nhà để cọ rửa bồn cầu khá đơn giản. Tuy nhiên, bước đầu tiên quan trọng không kèm đó là người dùng cần chuẩn bị gang tay và khẩu trang, dụng cụ cọ rửa chuyên biệt cho bồn cầu để đảm bảo vệ sinh nhất có thể.
Nếu sử dụng chanh, theo hướng dẫn từ Cleanpedia, người dùng cần chuẩn bị 500ml nước cốt chanh, pha với baking soda hoặc bột bắp để tạo nên hỗn hợp có độ đặc sệt. Sau khi đã trộn đều 2 chất với nhau, đổ trực tiếp hỗn hợp trên vào bồn cầu. Để ngâm trong khoảng 60 phút để hỗn hợp ngấm dần vào các vết bẩn, làm mềm vết bẩn. Sau thời gian chờ, có thể dùng bàn chải hoặc chổi cọ để vệ sinh vết bẩn, vết ố.
Còn nếu sử dụng giấm trắng, để đạt được hiệu quả tốt nhất người dùng cũng nên kết hợp giấm cùng baking soda. Bước đầu tiên cũng tương tự như cách làm với chanh, tuy nhiên cần pha giấm với baking soda và thêm cả nước ấm, tỷ lệ 2:1:3. Sau khi đã hoà trộn các nguyên liệu với nhau, tiếp tục cho trực tiếp lên vết bẩn cần vệ sinh và ngâm trong khoảng 45-60 phút. Giấm kết hợp với baking soda được đánh giá là hỗn hợp đem lại hiệu quả tẩy trắng tốt hơn so với việc sử dụng chanh.
Cuối cùng là sử dụng phèn chua. Theo các chuyên gia trên Cleanpedia, phèn chua có tác dụng phân tách và hút các bụi bẩn, mảng bám. Bởi vậy, đây cũng là một phương án tẩy trắng bồn cầu hiệu quả. Người dùng cần cho khoảng 4-500gr phèn chua vào 1-1,5 lít nước và đánh tan. Lượng phèn chua tuỳ thuộc vào kích thước cũng như mức độ của vết bẩn. Sau đó cho hỗn hợp phèn chua vừa đánh vào bình xịt rồi xịt trực tiếp lên khu vực có vết ố vàng. Cuối cùng là dùng bàn chải hoặc chổi để cọ sạch.
2. Sử dụng các chất vệ sinh, tẩy rửa chuyên dụng
Với các vết bẩn, ố vàng đã bám chặt vào bồn cầu, có màu đậm, việc sử dụng các chất vệ sinh chuyên dụng sẽ giúp giải quyết triệt để và hiệu quả nhất, tiết kiệm thời gian và công sức cho con người. Theo lời khuyên của những người có kinh nghiệm, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại chất tẩy rửa, vệ sinh chuyên dụng, đến từ thương hiệu trong nước cũng như nước ngoài, đem lại hiệu quả tốt. Có thể kể đến như thuốc tẩy Javel, nước tẩy rửa của Vim, Vixol hay Okay (Thái Lan).
Như trường hợp của người dùng chia sẻ phía trên, cách làm được khuyên đó là đổ các dung dịch làm sạch này trực tiếp lên các vết bẩn, sau đó đậy nắp bồn cầu trong khoảng vài giờ đồng hồ. Sau khi kết thúc thời gian chờ, xả nước và cọ lại với nước sạch.
Cleanpedia cũng đưa thêm ra lời khuyên, dung dịch Hydrogen Peroxide cũng có thể là một giải pháp tốt. Cách làm là đổ nửa cốc dung dịch vào bồn cầu, ngâm trong 30 - 60 phút rồi xả nước rửa sạch.
Tuy nhiên, lưu ý đặc biệt khi người dùng sử dụng các chất tẩy rửa chuyên dụng, mang đặc tính hoá học cao đó là cần chuẩn bị kỹ găng tay hay khẩu trang. Bởi một số chất khi vô tính dính vào da, tóc con người hoặc con người tiếp xúc với mùi trong thời gian quá dài có thể gây ra một số bất tiện.
Để bồn cầu luôn được sạch bong, sáng bóng, không gặp phải các trường hợp khó vệ sinh như trên, người dùng nên xây dựng và duy trì thói quen cọ rửa định kỳ hàng tuần. Thời gian lý tưởng được đưa ra là khoảng 1-2 lần/tuần, tuỳ vào tần suất sử dụng của gia đình. Nếu nguyên nhân là do nguồn nước gia đình, nên có biện pháp cải thiện như trang bị bộ lọc.