Nhận "đòn đau” Brexit, Thủ tướng Anh đối mặt với nguy cơ bị hạ bệ

Quang Dũng |

Hạ viện Anh đã không ủng hộ kế hoạch Brexit của Thủ tướng May. Kết quả bỏ phiếu cho thấy có sự chống đối mạnh đối với bà.

Vậy là không có bất ngờ nào trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh tối 15/1 (giờ Anh, tức rạng sáng 16/1 giờ Việt Nam), khi kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh đã không thể nhận được đa số phiếu ủng hộ. Về mặt nguyên tắc, Thủ tướng Anh vẫn có thể quay lại Hạ viện một lần nữa với bản kế hoạch đã được chỉnh sửa.

Hạ viện Anh đã bỏ phiếu bác bỏ thoả thuận Brexit với số phiếu chênh lệch rất lớn, là 432 phiếu chống so với 202 phiếu ủng hộ. Mặc dù trước khi diễn ra bỏ phiếu thì hầu hết các nhận định đều cho rằng thoả thuận này rất khó được thông qua nhưng việc số phiếu chống áp đảo vẫn là một bất ngờ, đặc biệt là con số nghị sĩ chống đối trong chính nội bộ đảng Bảo thủ lên tới 118 người. Điều này cho thấy là sự chống đối với bà Theresa May là rất lớn và nội bộ chính trường Anh cũng đang bị chia rẽ rất mạnh.

Thủ tướng May trước nguy cơ bị hạ bệ

Trước mắt, chính trường Anh sẽ rơi vào các tình thế rất khó dự đoán. Tuần trước, Hạ viện Anh đã ra quyết định rằng nếu thoả thuận Brexit bị bác bỏ thì bà May sẽ phải đệ trình một phương án B ra Hạ viện Anh trong thời hạn 3 ngày làm việc, tức chậm nhất là đến ngày 21/1 thì Hạ viện Anh sẽ lại họp để xem xét và có thể bỏ phiếu nếu có phương án B.

Tuy nhiên, ngay trong tối 15/1, Công đảng đối lập đã lập tức yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của bà May. Hạ viện Anh sẽ thảo luận và bỏ phiếu yêu cầu này ngay trong hôm nay (16/1). Như vậy là trước mắt thì bà Theresa May đang đối mặt với nguy cơ bị lật đổ.

Theo lý thuyết, do đảng Bảo thủ và liên minh (đảng DUP) vẫn đang chiếm đa số tại Hạ viện Anh nên khả năng bà May bị hạ bệ là không cao nhưng nhìn vào sự nổi loạn trong chính nội bộ đảng Bảo thủ thời gian qua, từ việc chính các nghị sĩ đảng Bảo thủ yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm bà May cách đây 1 tháng và việc có tới 118 nghị sĩ đảng Bảo thủ bỏ phiếu chống thoả thuận Brexit, thì có thể thấy là bà May đang bị mất uy tín rất nhiều và không thể loại trừ khả năng chính phủ của bà không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Nếu kịch bản đó xảy ra thì các diễn biến tiếp theo sẽ vô cùng khó lường. Công đảng đối lập rõ ràng là chỉ mong chờ tình huống này để tiến tới bầu cử sớm và giành lại quyền lực. Mấu chốt ở đây là ở phía các nghị sĩ chống bà May trong nội bộ đảng Bảo thủ. Liệu các nghị sĩ này chỉ chống lại thoả thuận Brexit của bà May hay thật sự muốn lật đổ bà May.

Nguy cơ Anh hỗn loạn nếu thỏa thuận Brexit không được thông qua

Kịch bản về việc nước Anh rời khỏi EU mà không có thoả thuận là kịch bản xấu nhất cho cả Anh và EU nhưng cũng đã được các bên tính đến. Theo kịch bản này, nếu vào ngày 29/3/2019, tức thời hạn Brexit chính thức có hiệu lực thì ngay lập tức một loạt các vấn đề sẽ nảy sinh.

Sự hỗn loạn sẽ xảy ra trước hết ở lĩnh vực giao thương, giao thông vận tải. Các hàng xe chở hàng hoá từ châu Âu sang Anh và ngược lại sẽ mất khoảng thời gian gấp chục lần trước kia để thông thương, thậm chí không thể thông thương do không có bất cứ quy định nào kiểm soát các tiêu chuẩn chung giữa Anh và EU.

Kiểm dịch thực phẩm và y tế sẽ bị tê liệt vì không có hướng dẫn. Tiếp theo, hàng không dân dụng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Để các máy bay Anh có thể cất cánh sang châu Âu, nước Anh cần ký hiệp định hàng không dân dụng với cả 27 nước EU, nếu không thì phần lớn các máy bay sẽ nằm im dưới mặt đất.

Đó là các tác động trực tiếp và đến nhanh nhất nên đó là lí do từ cách đây vài tháng chính quyền Anh đã bí mật chuẩn bị cả kịch bản đưa quân đội can thiệp nếu xảy ra bạo loạn vì thiếu thực phẩm và thuốc men.

Tiếp đến, hàng triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh và khoảng 300.000 công dân Anh đang sống tại EU sẽ rơi vào tình trạng cư trú bất hợp pháp bởi tất cả giấy tờ đều trở nên vô giá trị. Tuy nhiên, điều nghiêm trọng nhất là các tác động vĩ mô trên thị trường tài chính. Các nhà đầu tư sẽ rơi vào tình huống mất phương hướng và sẽ tìm cách tháo chạy khỏi một địa bàn bất trắc và khó dự đoán như Anh. Chính vì thế, một sự ra đi trong hỗn loạn sẽ mang đến những hậu quả rất nghiêm trọng với nền kinh tế Anh.

Thách thức của bà May từ trong và ngoài đảng Bảo thủ

Việc Hạ viện Anh bác bỏ thoả thuận Brexit không phải là bất ngờ nhưng việc có tới 432 phiếu chống, trong đó có 181 phiếu của chính các nghị sĩ đảng Bảo thủ, cho thấy là vị thế của bà May đang bị đe doạ nghiêm trọng. Đây là thất bại nặng nề ngoài dự đoán của bà May và nó khiến cho bà May rất khó có thể đưa ra các giải pháp thuyết phục trong thời gian tới.

Hiện tại, bà May phải đối mặt với nguy cơ bị lật đổ từ cả hai phía. Tại Hạ viện Anh, các phe phái đối lập do Công đảng dẫn đầu đang tìm mọi cách để có thể tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn bởi đảng này tính toán là nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra vào thời điểm này, Công đảng có thể giành lại quyền lực từ tay đảng Bảo thủ. Đó là lí do mà ông Jeremy Corbyn đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm bà May.

Tuy nhiên, thách thức nghiêm trọng hơn với bà May là từ trong nội bộ đảng Bảo thủ. Phe chống bà May, với các gương mặt như Boris Johnson, hay David Davis, đang tập hợp lực lượng rất mạnh và con số 118 bỏ phiếu chống thoả thuận Brexit của bà May cho thấy điều đó.

Cách đây 1 tháng, sau khi vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do chính các nghị sĩ đảng Bảo thủ đề xuất thì trên nguyên tắc, bà May sẽ không thể bị đảng của mình bỏ phiếu bất tín nhiệm trong thời gian 1 năm nữa, nhưng rõ ràng là trong thời gian tới bà May sẽ gặp vô vàn khó khăn trong việc điều hành và các khó khăn này có thể sẽ khiến bà rơi vào thế bế tắc để phải chủ động rút lui./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại