Bước đầu xác định, Công ty này đã thu khoảng 700 tỷ đồng của hàng vạn người tham gia kinh doanh đa cấp. Vậy có phải, loại hình kinh doanh đa cấp là tiếp tay cho lừa đảo hay không?
Câu trả lời là "Không", nhưng trước khi tham gia vào hoạt động này, người dân cần có những kiến thức cơ bản để nhận diện đâu là doanh nghiệp có thể gửi gắm niềm tin của mình.
Kinh doanh đa cấp đã có trên thế giới khoảng gần 100 năm nay, nhưng phải tới đầu thế kỷ XXI, loại hình kinh doanh đa cấp mới xuất hiện tại Việt Nam.
Nếu ở nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển như Mỹ, mục đích của kinh doanh đa cấp là tiết kiệm thời gian trong việc đưa các sản phẩm tốt nhất, có chất lượng nhất từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng; thì ở Việt Nam, chất lượng hàng hóa trong kinh doanh đa cấp không được chú trọng, giá trị sản phẩm bị nâng khống lên rất nhiều, không đúng với giá trị đồng tiền của người mua bỏ ra.
Các công ty kinh doanh đa cấp chỉ lo làm sao phát triển được hệ thống của mình có đông người tham gia.
Vì vậy, họ chỉ chú trọng đến các hình thức khuếch trương, "đánh bóng" tên tuổi thủ lĩnh, trích hoa hồng vô tội vạ để thu hút càng đông người tham gia càng tốt.
Như vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Liên kết Việt, bị can Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT đã "vào vai" sĩ quan quân đội, cố tình nhập nhèm để nhầm tưởng Công ty Liên kết Việt là một doanh nghiệp quân đội nhằm lấy lòng tin của người dân.
Bằng nhiều mánh khóe khác nhau, Công ty Liên kết Việt đã thu hút được hàng chục ngàn người tham gia. Quá trình ủy thác điều tra tại 49 tỉnh, thành phố, xác định đã có hơn 63 ngàn mã sản phẩm được bán thu về 747 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ tạm giữ được gần 148 tỷ đồng. Như vậy, khả năng người bị hại được hoàn trả toàn bộ số tiền bị thiệt hại là không thể.
Còn tại Công ty TNHH nhượng quyền thương mại Thăng Long (công ty Thăng Long), với thủ thuật lôi kéo người dân bằng các chương trình bán hàng, trả thưởng theo mô hình kim tự tháp, cam kết thời gian thanh toán trong vòng 1 năm, Công ty này đã thu được khoảng 700 tỷ đồng của hàng vạn người tại 21 đại lý trên toàn quốc.
Đến nay, theo kết quả điều tra ban đầu xác định, số tiền mà người tham gia được thu về rất thấp, không như tuyên bố của Công ty Thăng Long, có biểu hiện của lừa đảo…
Thực tế cho thấy, với những vụ án lừa đảo dưới hình thức kinh doanh đa cấp, thường để lại những hậu quả khá nặng nề, bởi số lượng người tham gia rất đông, rải rác tại nhiều tỉnh, thành phố; đối tượng tham gia đa số ở nông thôn, thu nhập thấp, nhưng lại dành hết số tiền chắt chiu, vay mượn để tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp.
Để dễ dàng tìm người phát triển hệ thống, người tham gia thường chọn người thân, họ hàng thân thích của mình, nên khi hệ thống đa cấp bị "sập" thì chính gia đình, dòng tộc, làng xóm bị tác động dây chuyền, ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh xã hội.
Đã có ý kiến cho rằng nên cấm hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam, hoặc hạn chế loại hình kinh doanh đa cấp.
Tuy nhiên, ý kiến này trái với quyền tự do kinh doanh của người dân; vả lại, bản chất của kinh doanh đa cấp là không tiêu cực; chỉ có những đối tượng lợi dụng nó để làm ăn bất chính.
Nhằm quản lý loại hình kinh doanh này, Nhà nước đã ban hành Luật Cạnh tranh, trong đó có những điều khoản qui định về bán hàng đa cấp; Nghị định 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và thông tư hướng dẫn của các Bộ chức năng.
Mới đây nhất là Nghị định số 42/2014/NĐ-CP qui định về hoạt động bán hàng đa cấp và quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Điều 217a Bộ luật Hình sự sửa đổi 2015 cũng đã qui định chế tài xử lý đối với vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp. Song, vẫn còn có những lỗ hổng trong qui định của pháp luật cũng như công tác quản lý loại hình này.
Đơn cử như vụ án tại Công ty Liên kết Việt, hệ thống bán hàng tại Công ty này đã phát triển tới 16 tầng, nếu xác định bị hại, thì rõ ràng tầng thứ 16 là những người mới tham gia, chưa được hưởng lợi và cũng chưa lôi kéo được ai tiếp tục tham gia hệ thống.
Từ tầng 15 trở lên, dù ít hay nhiều đã bắt đầu hưởng lợi thì việc xác định ai là người bị hại, ai là đồng phạm còn chưa rõ ràng.
Hơn nữa, trong hệ thống kinh doanh đa cấp, một người có thể đứng ở nhiều vị trí kinh doanh, điều này có nghĩa sản phẩm không ra khỏi hệ thống.
Khi một người gom nhiều hàng để trông chờ hoa hồng thu lợi cao sẽ tạo nên con số kinh doanh ảo. Luật qui định không được trích thưởng quá 40% nhưng thực tế con số này đã được đẩy lên cao hơn rất nhiều đối với các thành viên tham gia Liên kết Việt đòi hỏi cần phải có sự quản lý, giám sát thường xuyên.
Ở Mỹ, kinh doanh đa cấp đã tồn tại gần một thế kỷ, nhưng chỉ có 40 công ty hoạt động theo mô hình này. Còn ở Việt Nam, hệ thống kinh doanh đa cấp xâm nhập chưa đầy 20 năm, nhưng đã có 80 công ty được cấp phép hoạt động. Luật qui định thành lập công ty đa cấp rất chặt chẽ, nhưng qui trình cấp phép lại khá lỏng lẻo…
Những "lỗ hổng" nêu trên cần được cơ quan chức năng lấp đầy để lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam.
Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, phát hiện vi phạm, xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng công bố thông tin vi phạm chậm như đã từng xảy ra tại Công ty Liên kết Việt.
Về phía người dân, để nhận biết được công ty kinh doanh đa cấp làm ăn có nghiêm túc hay không, cần phải nắm được những thông tin cơ bản sau:
Bán hàng đa cấp bất chính hay hình tháp ảo là một hiện tượng biến tướng của phương thức kinh doanh đa cấp; trong đó, lợi nhuận không xuất phát từ giới thiệu sản phẩm mà từ việc tuyển dụng các thành viên mới.
Đối tượng làm việc của kinh doanh theo mạng là hàng hóa, lợi nhuận thu được từ bán hàng hóa; còn đối tượng sử dụng hình tháp ảo hướng tới là tiền.
Vì vậy, người dân cần tránh xa các doanh nghiệp chỉ chú trọng phát triển hệ thống, lôi kéo, ép buộc tham gia nhưng không có hàng bán thực tế.
Kinh doanh đa cấp hợp pháp không quan trọng bạn tham gia khi nào, ở vị trí nào trong hệ thống, mà chỉ quan tâm bạn kinh doanh như thế nào.
Kinh doanh đa cấp hợp pháp sẽ không mất phí, nếu có, chỉ là khoản phí nhỏ để mua tài liệu, làm thẻ; còn kinh doanh đa cấp theo hình tháp ảo thì phải mất khoản tiền lớn để tham gia.
Theo đó, kinh doanh đa cấp hợp pháp, giá sản phẩm bán cho nhà phân phối phải thấp hơn giá thị trường, còn đa cấp hình tháp ảo thì không thể bán ra thị trường.
Bên cạnh đó, sản phẩm được cung cấp phải được cam kết nhận lại và trả lại ít nhất 90% giá trị, còn kinh doanh theo hình tháp ảo thì không cam kết hoặc cố tình trì hoãn thực hiện nhận lại sản phẩm…