Business Insider trích dẫn báo cáo của một tổ chức nghiên cứu cho biết, các biện pháp trừng phạt mở rộng của phương Tây với Nga hiện đã là quá muộn để thay đổi mọi thứ. Thay vào đó, những động thái này sẽ giúp củng cố vai trò của đồng Nhân dân tệ trong việc thay thế các đồng tiền tệ của phương Tây.
Alexandra Prokopenko, thành viên của tổ chức nghiên cứu Carnegie Russia Eurasia Center, viết: “Việc vị thế thống trị của đồng USD bị đe doạ vẫn còn cả chặng đường dài trong tương lai mới xảy ra, nhưng xu hướng phân tách của hệ thống tài chính toàn cầu như hiện nay là không thể đảo ngược.”
Bài bình luận được đưa ra trong bối cảnh Mỹ công bố một loạt lệnh trừng phạt mới vào đầu tháng này, nhằm gây áp lực mạnh hơn đối với các công cụ tài chính quan trọng còn lại của Moscow. Sở Giao dịch Moscow (Moex) và các tổ chức tài chính lớn khác hỗ trợ nước này giao dịch tiền tệ nằm trong số các mục tiêu của lệnh trừng phạt.
Trong động thái đáp trả, Moex đã hạn chế hoạt động giao dịch USD và euro, ngăn cản nguồn tiếp cận chính mà Nga có với các đồng tiền tệ của phương Tây.
Tuy nhiên, động thái này không có nghĩa là việc tiếp cận các nguồn huy động vốn đó hoàn toàn bị hạn chế. Thay vào đó, việc giao dịch các đồng tiền tệ phương tây sẽ được thực hiện ở các thị trường liên ngân hàng và thị trường phi tập trung với chi phí cao.
Hơn nữa, do các biện pháp trừng phạt ngày càng phức tạp, tỷ giá hối đoái của đồng Rúp với các đồng tiền tệ khác sẽ không có mức cố định. Tỷ giá tham chiếu chính thức hiện sẽ do NHTW Nga ấn định.
Nhìn chung, động thái này càng khiến đồng Rúp biến động mạnh hơn và khiến việc sử dụng đồng tiền của Nga trong các hoạt động giao thương quốc tế sẽ trở nên phức tạp hơn. Theo Prokopenko, thay vào đó, một đồng tiền tệ ổn định hơn sẽ được hưởng lợi.
Bà dự đoán: “Các biện pháp trừng phạt mới đang biến đồng Nhân dân tệ thành đồng tiền chính trong giao dịch ngoại thương và thanh toán ở Nga ‘một lần và mãi mãi’.”
Vào tháng 5, tỷ lệ giao dịch đồng Nhân dân tệ ở Nga đã đạt 53,6% và thị phần trên thị trường phi tập trung là 39,2%.
Prokopenko nói thêm, dù các lệnh trừng phạt mới của Mỹ là nhằm hạn chế các tổ chức nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi trong quan hệ tài chính với Nga, song điều này có thể sẽ không thể loại bỏ vai trò quan trọng của đồng Nhân dân tệ.
Đương nhiên, dù không nằm trong các thực thể bị trừng phạt, nhưng vị thế của Trung Quốc sẽ tăng lên khi có những tổ chức được thành lập riêng để giao dịch với Nga. Nếu không, một đồng tiền tệ trung gian khác có thể xuất hiện.
Bà cho biết, cả Moscow và Bắc Kinh đều cho thấy rằng họ có khả năng thích ứng với các lệnh trừng phạt ngày càng gắt gao. Khi các ngân hàng hàng đầu Trung Quốc ngừng giao dịch với khách hàng Nga vì rủi ro từ các lệnh trừng phạt, các ngân hàng khu vực đã đứng ra “thay thế”.
Theo Prokopenko, những kế hoạch giao dịch với nhiều bên trung gian từ các nơi như Kazakhstan và UAE cũng bắt đầu được thúc đẩy tích cực hơn và các doanh nghiệp cũng bắt đầu sử dụng tiền số để thanh toán.
Dù gói trừng phạt chắc chắn sẽ gây ra những tổn thất về tài chính cho Điện Kremlin, nhưng Prokopenko nhận định rằng việc áp dụng những lệnh trừng phạt đó từ vài năm trước mới thực sự có hiệu quả.
Kể từ năm 2022, Nga đã có thời gian để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm né tránh các lệnh trừng phạt và hệ thống thanh toán mới cũng được phát triển nhằm hạn chế nhu cầu sử dụng đồng USD và euro.