Mấy ngày qua, một lần nữa câu chuyện môi trường sống bị đe dọa lần nữa xuất hiền phủ kín các mặt báo, nhờ hành động viết thư gửi đến 40 trường học ở Hà Nội của một em học sinh lớp 5.
Với mong muốn không các trường không thả bóng bay vào lễ khai giảng để tránh gây hại đến chim chóc và rùa biển, bức thư của Nguyễn Nguyệt Linh nhanh chóng được cư dân mạng lan truyền một cách mạnh mẽ, ngay sau đó nhiều ngôi trường được gửi thư đến đã đồng ý lời đề nghị của cô học trò nhỏ.
Tuy nhiên ít ai biết một điều rằng, khi bức thư này gây bão và lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường đến nhiều người, một em học sinh khá đã noi gương Linh gửi lời đề nghị đến cô giáo, nhưng buồn một điều rằng đã bị chính cô giáo em từ chối.
Tạm gác bỏ những câu chuyện về môi trường sang một bên, sự việc ý tưởng của em bé bị cô giáo gạt bỏ khiến không ít người phải đau lòng.
Ý kiến của Linh bị cô giáo gạt bỏ.
Trước câu chuyện này, một trang blog có tên Tô Đức Quỳnh đã nêu ý kiến cá nhân được khá nhiều người ủng hộ khi cho rằng: "Xã hội này vận hành theo cách không có những ưu tiên cho sự khác biệt. Thậm chí ngược lại, khác biệt sẽ bị cách ly, tẩy chay...
Chính những suy nghĩ của người lớn như vậy đã trở thành rào cản khiến nhiều học sinh không dám khác biệt, không dám đột phá sáng tạo mà chỉ làm theo hướng dẫn trong khuôn khổ".
Cụ thể, nguyên văn bài viết như sau:
"Trẻ em có hay không ý thức bảo vệ môi trường bắt nguồn từ chính người lớn?
Có lẽ đây là bức thư bất ngờ nhất trong năm nay được gửi từ một cô bé mới chỉ học lớp 5 với một yêu cầu rất dễ thương và nhân văn để bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên vẫn là bức thư ấy khi được gửi tới một giáo viên khác trong trường với cùng nội dung, thực tế trả lại rất khác biệt: Ý kiến của cá nhân đôi khi không thể thay đổi được ý kiến của cả tập thể. Và các em phải tập làm quen với điều đó.
Xã hội này vận hành theo cách không có những ưu tiên cho sự khác biệt. Thậm chí ngược lại, khác biệt sẽ bị cách ly, tẩy chay... Chính những suy nghĩ của người lớn như vậy đã trở thành rào cản khiến nhiều học sinh không dám khác biệt, không dám đột phá sáng tạo mà chỉ làm theo hướng dẫn trong khuôn khổ.
Khi người lớn không có ý thức bảo vệ môi trường, thì điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến con trẻ sau này bất chấp mớ lý thuyết suông họ vẫn thường nói. Trẻ em giờ rất chủ động, chúng sẽ chẳng tin lời họ nói, chúng sẽ chỉ tin những điều họ đang làm.
Muốn thay đổi, cách tốt nhất là tạo nên sự lan tỏa để có nhiều người hơn nữa ủng hộ, chính điều này sẽ khiến những sáng kiến bảo vệ môi trường không còn đơn độc, không còn thiểu số. Từ đó mới có thể thay đổi quan niệm của rất nhiều người lớn hiện nay".
Câu chuyện cô giáo từ chối ý kiến của học trò không phải quá xa lạ, hay nhìn rộng ra xa hơn ý kiến cá nhân của một người không thể thay đổi được quyết định của cả tập thể, cho dù nó đúng. "Phải tôn trọng sự khác biệt" - cái khẩu hiệu mà ngày nào cũng được nghe, được thấy dường như nó mãi mãi chỉ là khẩu hiệu suông, nói cho vui mồm.
Ngay cả những cặp anh chị em sinh đôi, có cùng cha mẹ, cùng hưởng thụ một cách nuôi dưỡng, một nền giáo dục gia đình, cũng không hoàn toàn giống nhau, thậm chí sự khác biệt cũng rất rõ nét. Vậy làm sao có thể bắt người khác giống mình về sở thích, khiếu thẩm mĩ, quan điểm sống và nhiều thứ khác nữa?
Tôn trọng sự khác biệt, chính là tôn trọng tự do cá nhân của mỗi người. Không thể bắt một con cá leo cây, cũng như không thể bắt một con ong phải sống dưới nước. Chúng ta cần biết tôn trọng lựa chọn của người khác: quần áo, đầu tóc, quan điểm sống…cũng như tôn trọng tự do cá nhân của chính mình.
Một lời từ chối của cô giáo, có lẽ sẽ ít nhiều tác động đến tâm lý của học sinh: "À thì ra nếu mình thay đổi mà người lớn không chấp nhận thì cũng bằng không". Một xã hội văn minh, tốt đẹp là một xã hội con người biết tôn trọng lẫn nhau, biết tôn trọng tự do cá nhân của nhau, biết chấp nhận sự khác biệt từ người khác.
Hãy là một người sống và cư xử văn minh, bởi mỗi người là một cá thể riêng biệt, độc đáo không trộn lẫn, không lặp lại!