Xem xét tỉ mỉ từng milimet một trên trầm tích đá vôi mà các nhà thám hiểm có được dưới đáy đại dương, các nhà khoa học thuộc Đại học Texas (Mỹ) đã tìm thấy bằng chứng còn sót lại của những sinh vật cổ xưa, chết cách đây hàng chục triệu năm trước.
Những miếng đá này là "nhân chứng" của một trong những sự kiện thảm khốc nhất trong lịch sử Trái Đất: Khoảng 66 triệu năm trước, một thiên thạch khổng lồ đã đâm xuống Trái Đất, ngoài khơi bán đảo Yucatán của Mexico.
Thiên thạch Chicxulub này có đường kính 10 km, di chuyển với vận tốc gấp 40 lần vận tốc âm thanh. Sau khi ma sát với khí quyển Trái Đất đã tạo ra vụ nổ có năng lượng tương đương 100 triệu megaton TNT, theo tính toán của Viện Hành tinh và Mặt Trăng (ĐH Nghiên cứu Không gian Mỹ - USRA).
Hậu quả khủng khiếp mà Chicxulub gây ra là xóa sổ gần như toàn bộ sự sống trên hành tinh; 75% các loài động vật và thực vật trên Trái Đất vĩnh viễn bị hủy diệt, trong đó, loài khủng long bị tuyệt chủng hoàn toàn.
Không chỉ hủy diệt 3/4 sinh vật trên Trái Đất, vụ thiên thạch Chicxulub tấn công còn tạo ra một cơn địa chấn kèm sóng thần khổng lồ, cao hàng trăm mét. Hệ quả là tạo ra Đường biển nội địa phía tây, chia Bắc Mỹ ra làm 2 phần: Laramidia ở phía Tây và Appalachia ở phía Đông.
Hình minh họa: Internet
Sau vụ nổ, hàng nghìn tỷ hạt bụi, đá lao xuống mặt đất với tốc độ vô cùng khủng khiếp. Vì ma sát với khí quyển nên chúng tạo ra một lớp màn lửa cực nóng. Sức nóng còn duy trì đến khi chạm đất khiến cho cây cối, sinh vật bốc cháy ngay lập tức. Hố va chạm từ thiên thạch Chicxulub (đặt theo tên của một đô thị gần tâm của vụ va chạm, có đường kính 180 km, trở thành "vết sẹo" lớn nhất của Trái Đất tận ngày nay).
Các nhà khoa học ví Trái Đất lúc đó như một lò nung nóng rực. Sự sống bị hủy diệt rất khủng khiếp!
66 triệu năm sau, các nhà nghiên cứu vẫn cố gắng giải mã tấn thảm kịch mà Trái Đất và sinh vật của nó từng phải gánh chịu từ không gian. Bằng cách đưa các lõi đá tại hố va chạm Chicxulub vào một loạt các thử nghiệm khoa học tối tân như chụp ảnh độ phân giải cao, nghiên cứu địa hóa, chụp X-quang, đo từ tính nhóm nghiên cứu đã tập hợp được một loạt sự kiện ghi lại tỉ mỉ những thời khắc (timeline) kinh hoàng trong ngày định mệnh Trái Đất gần như bị hủy diệt hoàn toàn đó.
Công trình được đăng trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (NAS). National Geographic thâu tóm các phát hiện của giới nghiên cứu về hành trình khám phá cũng như timeline ghi lại những thời khắc cuối cùng trong ngày đại họa cách đây 66 triệu năm, mời độc giả theo dõi:
Nếu như các nghiên cứu trước đây đã dần dần chắp nối được những hậu quả khủng khiếp từ vụ va chạm của thiên thạch Chicxulub thông qua mô hình máy tính và bụi phóng xạ địa chất được tìm thấy rải rác khắp thế giới thì chi tiết chính xác xảy ra sau vụ va chạm hủy diệt này vẫn còn nhiều bí ẩn với các nhà khoa học.
Với hy vọng tìm hiểu khoảnh khắc còn lại sau vụ tấn công từ thiên thạch khổng lồ, các nhà khoa học đã chọn chính hố va chạm Chicxulub ngoài khơi bán đảo Yucatán của Mexico để khơi dậy lịch sử cách đây 66 triệu năm.
Hố va chạm đường kính 180km ngoài khơi bán đảo Yucatán của Mexico. Nguồn: Inverse
Năm 1996, giới địa chất bắt đầu khám phá cấu trúc của hố va chạm thông qua các cuộc khảo sát địa chấn do Joanna Morgan, người đồng lãnh đạo các nỗ lực khoan mới nhất với nhà nghiên cứu Sean Gulick (ĐH Texas), thực hiện.
Năm 2005, cuộc thám hiểm thứ hai thu được bằng chứng về sự hiện diện của vòng cung núi lửa - xảy ra khi một ngọn núi bị chôn vùi nhanh chóng sau tác động của hố va chạm. "Cấu trúc như vậy rất lý tưởng để khoan thám hiểm. Nó không chỉ mang đến cơ hội tiết lộ cơ bản những gì đã xảy ra sau vụ va chạm lớn, mà nhờ vào địa điểm hình thành của nó gần với đáy đại dương hiện đại nên giúp quá trình tiếp cận của nhà khoa học dễ dàng hơn." - Sean Gulick nhận định.
Năm 2016, nhóm nghiên cứu đã khoan sâu 500 - 1.200m vào hố va chạm Chicxulub và rút được phần lõi dài 3 m. Tổng cộng, sau 2 tháng, nhóm thu thập được 800 m khối trầm tích đá dưới đáy biển, có thể chứa vết tích của vụ va chạm cách đây 66 triệu năm.
Một trong những phát hiện nổi bật nhất là tốc độ vật liệu lắng lại sau vụ va chạm. Sau khi thổi bay sự sống của rất nhiều sinh vật trong khoảnh khắc thiên thạch phát nổ, Chicxulub đã khoét sâu vào đáy đại dương hàng km, khiến đất đá và nước bốc hơi trong nháy mắt.
Cú va chạm khiến dung nham sâu dưới lòng đất trào lên lòng đại dương rồi nhanh chóng sụp đổ tạo thành vòng cung dung nham núi lửa dưới đáy đại dương. Chỉ sau 1 ngày ngắn ngủi, vụ va chạm đã đắp được khối vật liệu sau khi lắng lại, cao 130 mét.
Bên cạnh đó, đội nghiên cứu cũng nhận thấy sự thiếu hụt lưu huỳnh đáng chú ý trong miệng va chạm. Khoảng 1/3 vật liệu của thiên thạch Chicxulub là các khoáng chất giàu lưu huỳnh nhưng sau vụ va chạm với đáy đại dương, các khoáng chất này biến mất một cách rõ rệt. Kết luận này có được sau khi nhóm nghiên cứu phân tích mẫu lõi khoan được.
Hình minh họa: Internet
Theo các nhà khoa học, vụ va chạm đã làm "bốc hơi" lượng lưu huỳnh, giải phóng toàn bộ lưu huỳnh ước tính 325 tỷ tấn vào khí quyển tạo thành một "tấm chăn độc", dày đặc đến nỗi làm mờ đi ánh sáng Mặt Trời, biến Trái Đất trở nên lạnh lẽo trong nhiều năm, kích hoạt sự kiện đại tuyệt chủng kỷ Phấn trắng (Sự kiện tuyệt chủng kỷ Creta-Paleogen), kéo theo sự tuyệt diệt của loài khủng long.
Thậm chí, chúng gây ra những cơn mưa axit làm axit hóa đại dương. Dù là bằng cách nào đi nữa cùng đều khiến cuộc sống của tất cả các loài bị tàn phá nặng nề.
Tấn công Trái Đất với tốc độ 72.420 km/giờ, thiên thạch Chicxulub đã khoét nên một vết sẹo khổng lồ theo đúng nghĩa đen cho Trái Đất. Gây nên sự hủy diệt hoàn toàn và trực tiếp cho mọi sinh vật trong bán kính 1.500 km.
"Không phải toàn bộ khủng long bị tuyệt diệt sau khoảnh khắc thiên thạch Chicxulub tấn công Trái Đất. Hậu quả khí hậu sau vụ va chạm mới khiến khủng long và nhiều sinh vật khác bị tuyệt chủng", nhóm nghiên cứu cho hay.
Kirk Johnson, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian (Mỹ) cho biết, vẫn còn nhiều câu hỏi khác phải trả lời xoay quanh những tác động và hậu quả của thiên thạch Chicxulub trên khắp hành tinh cách đây 66 triệu năm.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Texas (Mỹ) vẫn tiếp tục khoan sâu vào hố va chạm Chicxulub ở Mexico để giải mã thảm họa không gian không thể quên trong lịch sử Trái Đất.
Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic, Smithsonian Magazine
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.