Mới đây, nguồn tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cho hay đã tiêu hủy 90 con heo có biểu hiện lở mồm long móng (LMLM) chuẩn bị được đưa vào Trung tâm Giết mổ gia súc Bình Tân (TP.HCM) để giết mổ.
Số heo này được nhân viên Chi cục Thú y và Chăn nuôi TP.HCM phát hiện có nhiều biểu hiện của bệnh lở mồm long móng như đi đứng khó khăn, miệng chảy nước dãi, nhiều mụn nước ở mồm và móng chân...
Trước đó, giữa tháng 12-2018, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM cũng phát hiện 20 con heo có nguồn gốc từ tỉnh Long An, đã giết mổ có biểu hiện của bệnh lở mồm long móng. Tất cả viền móng chân số thịt heo nói trên có mụn nước đã vỡ gây viêm loét, các móng chân heo bị bong tróc. Chưa hết, các hạch sưng to, xung huyết, xuất huyết. Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã xử lý và tiêu hủy.
Về dấu hiệu của gia súc mắc bệnh LMLM, tại phần Phụ lục 10 của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi rõ: gia súc mắc bệnh LMLM sẽ có thời kỳ ủ bệnh từ 2- 5 ngày, nhiều nhất là 21 ngày. Trong 2- 3 ngày đầu khi mắc bệnh, gia súc sẽ có triệu chứng sốt cao (40 độ C), kèm theo kén ăn hoặc bỏ ăn, miệng chảy nhiều nước bọt.
Nổi mụn nước trong miệng, lưỡi, chót mũi, mõm, vú, viền móng chân, kẽ móng chân... Sau 24 giờ những mụn nước này sẽ vỡ ra tạo thành vết lở loét gây chảy máu và dễ làm long móng, nhất là ở lợn. Đối với heo con, bò con còn có thêm triệu chứng cơ tim bị nhão, không có độ cứng như gia súc khỏe mạnh.
Heo lỡ mồm long móng sẽ có dấu hiệu sốt cao, chán ăn, chảy nước bọt, miệng, lưỡi.. nổi nhiều mụn nước... Ảnh: Internet
Sau khi phát bệnh 10-15 ngày, con vật có thể khỏi về triệu chứng lâm sàng nhưng mầm bệnh vẫn tồn tại trong con vật (03 - 04 tuần đối với lợn, 02 - 03 năm đối với trâu bò, 09 tháng đối với cừu, 04 tháng đối với dê) và được bài thải ra môi trường làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Để phân biệt thịt gia súc bị bệnh LMLM và thịt không bị bệnh, theo các nhà chuyên môn, điều này sẽ khó nhận biết bằng mắt thường nhất là khi người ta đã cắt bỏ phần đầu, chân... của gia súc bị bệnh.
Chia sẻ vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho hay: "Bệnh lở mồm long móng ở lợn không lây sang người. Tuy nhiên, không loại trừ lợn mắc bệnh khiến cơ thể yếu lại dễ nhiễm thêm các loại vi khuẩn gây bệnh khác, có thể lây sang người. Do đó người dân cần nắm thông tin vùng dịch bệnh, để tránh mua thịt heo không rõ nguồn gốc hoặc thịt heo trong ô dịch".
Chuyên gia về an toàn thực phẩm cũng cho hay, để nhận biết bằng mắt thường là khá khó khăn, tuy nhiên khi mua thịt ở những nơi không có dấu kiểm dịch, nếu người tiêu dùng quan sát kỹ vẫn có thể phân biệt được.
Theo đó, PGS. Thịnh cho hay thịt gia súc không bị bệnh thường có màu đỏ tươi tự nhiên, thớ thịt cắt ngang săn chắc, mềm dẻo, rít mịn, không rỉ nhớt; mỡ có màu trắng phau hoặc trắng sáng. Heo mắc bệnh LMLM thịt thường có hiện tượng trơn láng, nhão và rỉ nhớt, thịt thâm.
Thịt heo lở mồm long móng bị Ban Quản lý ATTP TP.HCM phát hiện. Ảnh: Ban ATTP
Ngoài ra, theo một số nhà chuyên môn, heo mắc bệnh này do có sốt cao đến 40 độ C khiến các tia máu trong mỡ không ổn định, mở ngả màu hơi đỏ. Đặc biệt là ở các vùng họng, đùi, bẹn, nách là những nơi có hạch bị xung huyết, tụ huyết màu đỏ (heo khỏe mạnh có hạch màu trắng hồng).
Nội tạng heo bị bệnh có màu sắc khác thường (màu sậm đỏ do tụ huyết, xuất huyết, các hạch ở ruột, phổi cũng bị tụ huyết, xuất huyết).
PGS. Thịnh nhận định, điều đáng lo ngại trong những dịp cận tết là người dân vì tiếc của sẽ tuồn lợn bệnh ra bán ngoài thị trường. Hoặc khi phát hiện gia súc mắc bệnh lại tự chữa trị không dứt điểm, khiến khả năng lây lan sang đàn gia súc còn lại cao hơn, làm ổ dịch không dập tắt được.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tính từ đầu tháng 12/2018 đến ngày nay, đã xảy ra 48 ổ dịch lở mồm long móng tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Yên Bái,… làm cho hơn 2.400 con gia súc bị mắc bệnh, trong đó chủ yếu là lợn thịt do chưa được tiêm phòng vaccine lở mồm long móng.