Nhâm Mạnh Dũng tập luyện trong màu áo U23 Việt Nam. (Ảnh: VFF)
Sau cả tiếng đồng hồ dài len lỏi qua biển người không ngừng đổ dồn về Mỹ Đình để ăn mừng chức vô địch SEA Games 31 của U23 Việt Nam , cộng thêm 2 tiếng rưỡi xuyên đêm về Đông Hưng, Thái Bình, gia đình ông Nhâm Văn Ngoan tới nhà lúc 2 giờ sáng.
Vừa xuống xe, đập vào mắt họ là khung cảnh chưa từng có. Cơ man là cờ Tổ Quốc. Trong nhà ngoài ngõ, quanh tường rào, bờ ao hay gốc cây, chỗ nào cũng có khiến căn nhà rực đỏ giữa đêm tối. Điểm đến cuối trong chuyến đi bão mừng chiến thắng của người hâm mộ Thái Bình là nhà người hùng Nhâm Mạnh Dũng . Lúc rời đi, tất cả để lại đó lá cờ đỏ Sao Vàng.
Hơn hai tuần sau đêm đăng quang không thể nào quên ấy, phóng viên báo Tiền Phong tới nhà Nhâm Mạnh Dũng. Những lá cờ không còn ở đó nhưng vẫn dễ dàng tìm được đúng địa chỉ. Từ đầu xã Đông Hoàng, bất kỳ ai cũng có thể chỉ rõ ràng nơi mà Nhâm Mạnh Dũng sinh ra. Thậm chí mỗi người đều có một câu chuyện để kể về niềm tự hào của quê hương.
Nhâm Mạnh Dũng và cú đánh đầu ngoạn mục tung lưới Thái Lan ở chung kết SEA Games 31. (Ảnh: Như Ý)
"Nhâm Mạnh Dũng" cũng hiện diện ở khắp mọi nơi. Trên một bức tường rêu cũ đầu thôn Thanh Long, tại nhà văn hóa, nơi Mạnh Dũng từng chơi bóng thời thơ ấu, hay bờ tường dẫn vào nhà, đâu đâu cũng treo ảnh Nhâm Mạnh Dũng kèm dòng chữ "Niềm tự hào quê hương Đông Hoàng".
Có một chi tiết đáng chú ý, những tấm ảnh này đều xuất phát từ sự yêu mến, tự hào tự nhiên của người dân Đông Hoàng. Chúng có độ phân giải thấp, được thiết kế mộc mạc và không gắn tên của doanh nghiệp hay nhà tài trợ.
Không cần đợi đến khi Mạnh Dũng tạo nên tuyệt phẩm đánh đầu tung lưới Thái Lan ở chung kết SEA Games 31 và tiếp tục chơi với phong độ chói sáng ở VCK U23 châu Á, người Đông Hoàng mới biết đến tiền đạo có nụ cười rộng đáng mến này. Từ lâu họ đã luôn nói về "con ông Ngoan đá bóng giỏi" và cổ vũ Dũng mỗi khi tham gia giải đấu nào đó, bất kể anh có được ra sân hay không.
Hình ảnh Mạnh Dũng hiện diện ở mọi nơi tại Đông Hoàng. (Ảnh: Thanh Hải)
2 năm trước ở VCK U23 châu Á tổ chức ở Thái Lan, Dũng ngồi dự bị bởi trong đội đã có Quang Hải, Tiến Linh, Hà Đức Chinh. Hay thời gian đầu lên đội một Viettel, chân sút sinh năm 2000 khó có thể cạnh tranh với các đàn anh và tiền đạo ngoại.
Thế nhưng người Đông Hoàng vẫn dõi theo Dũng, hỏi han ông Ngoan mỗi khi gặp ngoài đường. Điều đó tiếp thêm sức mạnh cho Dũng, khiến anh giam mình trong phòng gym và đổ tới giọt mồ hôi cuối cùng trên sân tập. Không bao giờ Dũng nghĩ đến chuyện từ bỏ. Bởi bóng đá là một cái gì đó giống như định mệnh.
Đang mùa gặt, buổi chiều trước trận đấu giữa U23 Việt Nam và Malaysia, ông Ngoan vẫn lái máy đi gặt thuê. Thật may hôm sau khi tôi đến ông đang ở nhà. Ông kể: "Từ năm 4 tuổi Dũng đã gắn mình với trái bóng. Không có quả bóng trên tay Dũng nhất quyết không đến lớp mẫu giáo", ông nói với phóng viên báo Tiền Phong, "Ngày chia tay mẫu giáo để lên lớp 1, để có được tấm ảnh kỷ niệm cô giáo phải mua quả bóng cho cầm Dũng mới chịu đứng yên".
Mạnh Dũng trong phòng tập của U23 Việt Nam. (Ảnh: VFF)
Lúc ở nhà, Dũng thường đá bóng trước sân khiến bức tường bếp trát vữa cũ kỹ bong ra từng mảng. Những lúc như vậy bà nội lại mắng, bắt phải thôi. Vậy là Dũng lại lao ra ngoài sân nhà văn hóa để chơi bóng với các anh lớn tuổi hơn. Nhỏ loắt choắt nhưng tài ghi bàn, đối thủ buộc phải ngăn Dũng bằng sức mạnh. Bị bắt nạt hay về nhà với chân tay bầm tím, tất cả chỉ khiến Dũng quyết tâm trở lại vào lần sau và ghi nhiều bàn hơn nữa.
Năm 2011 chuyển lên trường năng khiếu tỉnh Thái Bình và 2 năm sau gia nhập lò đào tạo Viettel, Dũng ít khi về nhà. Ví dụ như năm nay, Dũng đã không có mặt ở nhà kể từ Tết Nguyên Đán. Trận chung kết SEA Games 31 ở Mỹ Đình, gia đình chỉ thấy Dũng trong chốc lát. Dũng nhìn lên khán đài tìm mọi người và ông Ngoan phải khua cái ô để Dũng nhận ra.
Không thể xuống dưới, Dũng đành quay lưng lại và chụp một tấm ảnh selfie với gia đình tít phía xa. Sau hôm ấy Dũng lại cùng đồng đội U23 lên đường tới UAE tập huấn. Đó chính là lý do tấm huy chương Vàng SEA Games 31 vẫn chưa nằm trong chiếc tủ sưu tập giải thưởng ở nhà.
Bộ sưu tập đồ sộ huy chương, giải thưởng của Mạnh Dũng. (Ảnh: Thanh Hải)
Mặc dù vậy, Dũng luôn nhớ về nơi mình sinh ra. Trong những lần hiếm hoi về nhà, anh sẵn sàng xách giày đi đá cùng chúng bạn giống như thời thơ ấu. Anh cũng vui vẻ tham gia giải phong trào của xã, ghi 7 bàn giúp đội thắng 11-0 và tạo nên ngày hội ở thôn.
Nó tương tự như những năm tháng đầu tiên, khi Dũng được chọn là đội bóng của Đông Hưng. Hàng ngày bố mẹ phải thay nhau chở lên huyện tập tành. Ngồi sau xe trên quãng đường 15 cây số, Dũng quyết tâm phải trở thành cầu thủ để báo đáp bố mẹ. Thế nên lần đầu tiên nhận được khoản tiền thưởng 300 ngàn đồng sau thành tích ở giải Nhi đồng tổ chức ở Đắc Lắk, Dũng cất kỹ để Tết mang về. "Con làm ra được tiền rồi mẹ ơi", cậu bé 11 tuổi hét toáng lên với mẹ.
"Tôi vẫn nhớ cái sự ngây thơ ấy. Và bây giờ Dũng cũng chẳng khác gì, vẫn là cậu bé trước đây, cắm cơm, làm gà không biết, chỉ tập trung vào bóng đá", ông Ngoan chia sẻ, "Chính vì thế, cộng thêm sự trầm tính nhưng hòa đồng nên từ già đến trẻ ai cũng quý.
Trong phòng ở đội một Viettel, Dũng nhỏ tuổi nhưng anh em vẫn gọi là "trưởng phòng". Pass wifi của phòng chính là tên Dũng. Còn ở Thái Bình, mỗi khi Dũng về, bố mẹ chưa biết mà bạn bè đã kéo đến chật sân rủ Dũng đi đá bóng, sắm sẵn giày tất rồi bảo bác yên tâm, bọn cháu sẽ giữ gìn đôi chân của Dũng".
Khoảnh khắc ăn mừng của Mạnh Dũng sau các bàn thắng cho U23 Việt Nam. (Ảnh: Như Ý)
Hoặc như hôm chung kết SEA Games 31, trở về nhà mà ông Ngoan vui sướng không ngủ nổi, thức trắng đêm xem lại trận đấu cũng như bàn thắng của con. Chưa đến sáng bà con lối xóm, lãnh đạo địa phương kéo đến chúc mừng không ngớt.
Ai cũng nói về khoảnh khắc bùng nổ của Dũng và kể những câu chuyện ngày xưa. Dĩ nhiên, không ai hình dung ra ngày này trước đây. Họ vẫn biết Dũng giỏi, nhưng để trở thành người hùng của đất nước, của xã Đông Hoàng, đó là nỗ lực vượt bậc của Dũng.
Trong câu chuyện vui, Trung, anh trai của Dũng lại trêu bà nội: "Đó bà thấy không, trước cứ mắng nó vì đá rơi cả vữa trên tường". Thật ra thì bây giờ bà vẫn mắng. Đã ngoài 90 tuổi, bà nội Dũng thường bắt bật TV để xem các clip về cháu, sau đó đưa tay lên vỗ vào màn hình mắng yêu: "Cha tiên sư bố mày, lại đánh đầu vào rồi".