Lần nào cũng vậy, cuộc chuyện trò với tác giả của những ca khúc đậm chất tình – Phú Quang – luôn hào hứng bởi những câu trả lời thật thà, hóm hỉnh và cũng rất tinh tế.
Nhất là khi nhắc tới phụ nữ, người đàn ông đào hoa ấy luôn thể hiện mình mang nét nam tính vô cùng đặc biệt.
- Năm nào ông cũng có show riêng, ít nhất là một show, còn không thì đầu năm một, cuối năm lại thêm một. Ông nghĩ sao khi nhiều người lo lắng, cứ triển mãi thế thì Phú Quang lại bình mới rượu cũ mất thôi?
Tôi không có quan niệm bình mới rượu cũ, bởi mỗi show, mỗi sự xuất hiện trên sân khấu dù cũng chính ca sĩ đó, bài hát đó nhưng chỉ cần một bản phối khác, nó cũng đã đầy cảm xúc mới mẻ rồi.
Đối với tôi, hình thức chỉ là cách thể hiện, còn nội dung mới là yếu tố cần đầu tư.
Nếu ai đó nghĩ Phú Quang không còn gì để nghe, không còn sự sáng tạo mới thì hãy nghĩ lại. Trong nghệ thuật chỉ có hay và không hay. Và nếu đó là một tác phẩm hay, thì dù nghe tới 100 lần, với tôi vẫn là chưa đủ.
Hơn nữa năm nay, chương trình của tôi cũng có sự xuất hiện của vài giọng ca mới, chưa từng tham gia trên sân khấu Phú Quang.
Và cũng lại nhấn mạnh, đừng hỏi vì sao tôi mời họ, bởi tôi thấy họ hát nhạc của tôi hay, phù hợp với nhạc của tôi thì tôi mời thôi.
Tôi không biết người khác thấy sao, nhưng tôi thấy hay là được. Còn khán giả hãy cho họ cơ hội được thể hiện bản thân, và tôi tin mọi người sẽ đồng ý với nhận xét của tôi. Trong trường hợp ngược lại, tôi cũng biết mình sẽ nói lời chia tay.
Nhạc sĩ Phú Quang, người đàn ông đào hoa cả trong âm nhạc lẫn ngoài đời
- Sự tự tin ở Phú Quang, phải chăng vì chính ông luôn chứng kiến những đêm diễn mà vé đã bán hết từ cách đó cả tháng, bất chấp bối cảnh âm nhạc hiện nay khi nhiều show diễn cứ lèo tèo người xem?
Sẽ nhiều người nghĩ về show diễn của tôi theo kiểu: “Lại Phú Quang, lại Lê Khanh, lại Tấn Minh, lại…”, nhưng thực tế là năm nào cũng thế, lượng người xem đến với chúng tôi luôn đông, và đông dần theo thời gian.
Lắm lúc đứng bên trong cánh gà ngó cổ ra ngoài, bọn tôi bảo nhau: Trời, khán giả hôm nay ngồi cả lên nóc tủ kìa, ý nói là trên tầng 4 của khán phòng nhà hát đấy. (cười)
Tôi tin rằng ai cũng nhìn thấy mình trong những ca khúc của tôi. Nhân vật nữ chính ấy có thể là chính mình, là mẹ mình, là chị em bạn bè mình…
Nó gần gũi và sự lan tỏa ấy cũng rất mạnh mẽ. Vì chính điều này, tôi tin vào mỗi lần xuất hiện của bản thân.
- Âm nhạc của ông chỉ ưu ái và “nịnh đầm” phái nữ, có vẻ mất cân bằng giới tính quá khi cánh mày râu cũng cần được yêu thương đó chứ?
Nói về phụ nữ thì không chỉ nịnh đâu, mà tôi còn phải sợ họ nữa. Dù người phụ nữ ấy không phải vợ mình, không phải mẹ của con mình nhưng chắc chắn, họ đang là mẹ của rất nhiều đứa trẻ khác.
Mà trẻ em là mầm non của đất nước, sao mình lại dám không sợ mẹ của chúng?
Với mày râu, tôi không dám viết về họ bởi nếu viết về mày râu, chắc là chỉ toàn sự cảm thông đẫm lệ thôi vì làm đàn ông khổ lắm. Từ kinh nghiệm của tôi, tôi rút ra kết luận như vậy đấy (cười).
- Trong âm nhạc, ông thường sử dụng cụm từ dài và nhiều nghĩa bóng. Vậy ngoài đời, ông thường áp dụng ngôn ngữ nào cho các bóng hồng trong đời khi khoác áo một người đàn ông đào hoa?
Trong tình yêu, đàn ông thường phải cầm cưa và mất rất nhiều thời gian tán tỉnh, cưa cẩm. Nhưng riêng tôi thì hơi khác.
Tôi chỉ mang rìu đi tán gái thôi. Và cũng chỉ bổ đúng 3 nhát, người đó không đổ thì tôi cũng rút lui, không cố nữa đâu…
Nhạc sỹ Phú Quang bên người vợ trẻ
- Dí dỏm nhưng cũng rất chân thật, thậm chí sự chân thật lắm khi còn đến độ khiến người đối diện bị phiền lòng, ông nghĩ sao về tính cách ấy sau gần một đời trải nghiệm cuộc sống?
Tôi được lòng và mất lòng nhiều người cũng vì tính cách chân thật ấy. Tôi luôn biết ai ngứa chỗ nào và cần gãi vào đâu để họ sướng, nhưng tôi thường không làm điều đó.
Ngay cả với đối tượng mà tôi biết rằng chỉ cần khéo chút thôi, họ sẽ cho tôi nhiều thứ từ vật chất cho tới quyền lực, nhưng nếu đã không thích, tôi sẽ không thể cố gắng để tỏ ra yêu quý họ.
Dù thiệt thòi, nhưng đó là tính cách rồi, khó thay đổi lắm.
- Và năm nay 2017, mở đầu cho một năm may mắn bằng 2 đêm nhạc liên tục (ngày 4 - 5/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội) mang tên “Những bài ca cho em khi mùa xuân nắng nhạt”, cảm giác của ông ra sao khi trên sân khấu quen thuộc ấy đã thiếu vắng giọng ca gắn liền với Phú Quang – NSND Quang Lý?
Tôi vô cùng tiếc về sự ra đi của Quang Lý, và tôi tin đó cũng là sự mất mát lớn của nền âm nhạc Việt Nam.
Khi Lý mất, tôi đã mua vé máy bay để vào chia buồn cùng gia đình, nhưng rồi trước hôm nay, tôi bất ngờ bị cảm nặng và đành lỡ dịp nhìn Lý lần cuối.
Tôi tự nhận mình là người đã xóa đi ranh giới khi Quang Lý bị cho rằng mang phong cách giống hệt Ngọc Tân.
Tôi khẳng định Lý không giống Tân, giọng của Lý mềm mại, dịu dàng hơn dù cậu ấy không có những ngón nghề khác biệt như Tân.
Và thực tế đã chứng minh điều ấy. Nghe Lý hát, người ta thấy cả một tấm lòng thiết tha trong đó đấy thôi.
Trong những chương trình cuối cùng của Quang Lý, tôi bỗng thấy cậu ấy hát hay quá, chưa bao giờ tôi thấy Lý hát hay đến thế.
Thế rồi bất ngờ, bài hát của tôi vận vào cậu ấy: “Rồi một ngày chiếc lá sẽ rơi về nơi cuối trời”. Cho đến sau này, tôi đã tin rằng giống như con chim trước khi trút hơi thở cuối cùng, nó luôn ca lên những khúc ca hay nhất.