Tối qua (18/6), chương trình "Khu vườn thanh âm" đã lên sóng với sự tham gia của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và nhạc sĩ Hamlet Trương.
Tại chương trình tuần này, hai nhạc sĩ đã cùng nhau bàn luận về dòng nhạc Hoa lời Việt từng chiếm lĩnh thị trường nhạc Việt những năm 2000 và ăn sâu vào ký ức nhiều khán giả.
Nhạc sĩ Hamlet Trương cho biết: "Nhạc Hoa lời Việt đã xây dựng nên tên tuổi cho rất nhiều ngôi sao, ca sĩ thời ấy. Thế nhưng, có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc đó và cho rằng người Việt nên hát nhạc Việt.
Với riêng tôi, tôi lại có một sự hứng thú đặc biệt trong việc sắp xếp ngôn từ trên nền giai điệu đã có sẵn. Đó là một cách để tôi nghịch ngợm với ngôn từ của mình. Bản thân tôi cũng đã viết lời Việt cho rất nhiều ca khúc nhạc ngoại và cảm thấy rất thú vị".
Đối lập với đàn em, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ: "Tôi lại thích một bài hát trọn vẹn là của mình từ âm nhạc, giai điệu cho đến ca từ. Lúc đó, thú vui cá nhân của tôi mới được thỏa mãn.
Tuy nhiên, tôi cũng đồng tình với việc nhạc ngoại được viết lời Việt và được hát rộng rãi trong nước. Không chỉ những năm 2000, ngay ở thời điểm hiện tại, nhạc ngoại lời Việt đang trở lại và trở thành một trào lưu trong giới trẻ.
Việc hát nhạc ngoại lời Việt hiện nay cũng đang phát triển và nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Có người nói do ca sĩ lười nên không tìm ca khúc Việt để hát mà hát nhạc ngoại.
Thế nhưng, đó là cảm nhận riêng của mỗi người nghệ sĩ. Tôi nghĩ, do người nhạc sĩ, ca sĩ thấy đồng cảm với giai điệu, lời ca của ca khúc nhạc ngoại vì thấy nó đẹp quá. Họ rất muốn được hát những bài hát đó nhưng lại không hát được tiếng nước ngoài nên đành phải viết lời Việt để hát nhằm thỏa đam mê ca hát của mình.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
Việc cover lại nhạc nước ngoài sẽ diễn ra mãi mãi và thời điểm nào cũng sẽ có. Với tôi, được cover một bài nhạc hay thì bản thân người ca sĩ cũng hạnh phúc. Để viết lời cho một ca khúc nhạc ngoại thật cảm xúc và đi vào lòng công chúng cũng rất khó".
Tiếp đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tâm sự về góc khuất trong sự nghiệp bản thân:
"Vào khoảng năm 2009 là thời điểm đỉnh cao sự nghiệp của tôi khi có 3 ca khúc lọt vào Bảng xếp hạng là: Chiếc khăn gió ấm, Mùa đông không lạnh và Con đường mưa.
Tiếp đến, năm 2012 cũng là một đỉnh cao sự nghiệp mới khi ca khúc "Nhật ký của mẹ" vừa phát hành đã tạo nên tiếng vang toàn quốc.
Tới lúc đó, tôi không biết phải làm gì nữa vì những thành tích đó đã là một điều quá tự hào trong sự nghiệp sáng tác của tôi. Tôi không biết phải đi tiếp về đâu.
Sau khi con ra đời, tôi biết mình sẽ phải thử thách bản thân ở mảng âm nhạc khác và chọn viết ca khúc thiếu nhi để cho con.
Tôi đặt cho mình mục tiêu xây dựng một khu vườn âm nhạc thiếu nhi mới dành cho các em nhỏ với 300 bài hát thiếu nhi.
Đến năm 2020, tôi đã hoàn thành được mục tiêu đó và được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhiều nhất Việt Nam.
Dù đạt được thành tích khủng như thế nhưng tôi lại phải đối mặt với một nỗi buồn khác.
Nỗi buồn lớn nhất của tôi là không kiếm được tiền. Tôi đang viết nhạc trẻ, mỗi bài bán được mấy chục triệu còn nhạc thiếu nhi bán không có ai mua, chỉ tặng cho các con hát. Một số phụ huynh có điều kiện cũng mua bài tặng con nhưng giá không thể nào cao được.
Nỗi buồn thứ hai của tôi là sự tự ti. Tôi là một nhạc sĩ, cứ cuối năm sẽ được nhận một giải thưởng gì đó từ các lễ trao giải như Làn sóng xanh nhưng nhạc thiếu nhi lại không có một giải thưởng nào tôn vinh.
Tôi rất buồn và tủi thân. Một mình tôi đi trên con đường đó như một mình bơi giữa biển, một mình lạc giữa sa mạc và không biết phải đi về đâu".