Chiều ngày 29/5, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã chính thức ra mắt kênh Youtube 300 bài hát thiếu nhi từ độ tuổi 3 đến 13 và dự án "Cùng con tập hát". Đóng vai trò cô giáo dạy hát cho các bé trong dự án này là ca sĩ Duyên Quỳnh. Tại buổi gặp gỡ báo chí, nhạc sĩ "Nhật ký của mẹ" đã có những chia sẻ đầy tâm huyết.
"Tôi không phá nồi cơm của ai hết"
- Tại sao anh lại chọn ca sĩ Duyên Quỳnh đóng vai "cô giáo" dạy 300 bài hát thiếu nhi trong dự án "Cùng con tập hát" mà không phải là người khác?
Tôi theo dõi Duyên Quỳnh một thời gian thì thấy cách làm việc của bạn ấy phù hợp với tôi. Có rất nhiều bạn hát hay, kiến thức tốt nhưng ở Quỳnh hội tụ cả kiến thức chuyên môn tốt và thái độ làm việc nghiêm túc.
Tôi dự định quay 300 bài hát này từ tháng 4 đến tháng 11/2023 mới xong nhưng do Duyên Quỳnh làm việc rất tốt nên thời gian quay rút ngắn xuống rất nhiều. Giờ tôi có thể tự tin nói với mọi người, hết tháng 6 là dự án hoàn tất.
Duyên Quỳnh rất đúng giờ, ý thức được việc mình làm và tư duy để đơn giản hóa quy trình. Khi chọn ê-kíp làm việc thì tôi luôn chọn thái độ làm việc trước tiên. Tính tình có thể khó ưa nhau nhưng khi đã chuyên nghiệp thì mọi người đều có thể bỏ qua những cái khó ưa đó để công việc tốt nhất.
- Ca sĩ Duyên Quỳnh nhiều lần khẳng định là mình không giỏi đàn. Vậy tại sao anh không đàn để Duyên Quỳnh hát?
Ngay từ đầu, tôi đã nghĩ tới điều đó nhưng nếu tôi đàn thì sẽ không thể bao quát toàn bộ dự án được nữa. Và quan trọng nhất là tôi phải đi kiếm tiền để thực hiện dự án này. Đơn giản là nếu tôi ngồi đàn thì sẽ không đi kiếm tiền được.
Thay vì vậy, tôi động viên Quỳnh "anh tin em làm được, em làm đi" dù lúc đó mình chưa tin đâu nhưng nói vậy để bạn ấy tự tin hơn. Và tôi tin, qua 300 bài hát thiếu nhi này thì Duyên Quỳnh sẽ phát triển hơn kỹ năng đàn của bạn ấy.
- Hiện nay có rất nhiều trung tâm của các nhạc sĩ, ca sĩ dạy hát tại nhà, mà trong kênh "Cùng con tập hát" có cả mục dạy nhạc lý. Vậy anh có lo ngại rằng, dự án "Cùng con tập hát" sẽ "đạp đổ nồi cơm" của người khác?
Tôi không phá nồi cơm của ai hết. Tôi đang góp thêm món ăn cho mọi người thì đúng hơn. Mọi người cứ việc nấu cơm, còn kênh "Cùng con tập hát" là một món ăn. Mọi người có thể vào kênh, khai thác những bài hát này.
Các thầy cô cứ việc lấy các bài hát trong kênh này và dạy cho các em. Thay vì các trung tâm phải đau đầu tìm giáo án các bài hát thiếu nhi mới thì ở đây có sẵn rồi để các thầy cô dạy và dàn dựng cho các con.
Muốn các con tự hào vì cha viết nhạc thiếu nhi
- 300 bài hát là một gia tài âm nhạc quá lớn, vậy thời gian anh đầu tư cho dự án này thế nào? Thử thách khó nhất là gì?
Tôi đầu tư 8 năm để viết 300 bài hát thiếu nhi, từ 2012 đến 2020. Sau đó, tôi cũng đã mất một thời gian để sản xuất những bài hát đầu tiên và được nhiều bé biết đến như: "Một gia đình nhỏ một hạnh phúc to", "Mẹ ơi có biết"… Một số trường đã đưa những bài hát này vào sách giáo khoa rồi.
Tôi đã trăn trở bao nhiêu năm cho dự án này. Cùng thời gian, tôi cũng trải qua một số biến cố trong cuộc sống riêng nên không có khả năng làm dù rất muốn.
Bây giờ, tôi ổn định rồi, cân đo đong đếm nguồn thu từ tác quyền và có thể dành ra một phần để tự tay thực hiện, tự tay gieo trồng hạt giống của mình thành khu vườn cho các con. Trước mắt là tôi đang tự thân, có bao nhiêu làm bấy nhiêu.
- Vậy chi phí đầu tư cho dự án là bao nhiêu?
1,5 tỷ đồng là chi phí cơ bản để tôi hoàn thành 300 bài hát này. Nó không phải là con số quá lớn để mọi người hay nói là nghệ sĩ "nổ". Tôi có thể đưa ra phép tính đơn giản: 1 buổi quay clip, chi phí cho bối cảnh, ê-kíp, ánh sáng, nhân sự, quay, dựng là khoảng 4 triệu đồng và chi phí cho cô giáo là 1 triệu. Đó là mức chi phí rất hỗ trợ.
Ví dụ như Duyên Quỳnh, chưa nói show event mà show quay hình thôi cũng 3-5 triệu nhưng bạn lấy tôi con số rất tượng trưng. Chưa kể trang phục, makeup, ăn uống cho ê-kíp. Tính nhẹ nhàng là 5 triệu/ bài nhân cho 300 bài thì là 1,5 tỷ đồng rồi.
Đó chỉ là nền tảng ban đầu. Sau này, những bài hay tôi sẽ quay MV. Nếu may mắn những MV đó đạt triệu view thì nguồn tiền từ Youtube mới quy hồi lại để mình nuôi thêm dự án, chứ tôi chưa hề nghĩ tới việc thu hồi 1,5 tỷ đồng. Việc mà tôi đang làm là xây dựng cho con mình và cho các bé thiếu nhi trong tương lai.
- Dự án kéo dài nhiều năm và khi làm dự án nhạc thiếu nhi thì anh xác định không thu lại lợi nhuận. Vậy thì điều gì khiến anh kiên định đến vậy?
Điều khiến tôi kiên định với dự án này là vì các con. Tôi muốn làm cho con của mình. Khi các con tập hát với bạn bè trong trường thì các con tự hào ba mình là người viết những bài hát đó và được mọi người yêu quý vì ba nó viết nhạc thiếu nhi cho bạn bè của nó hát. Điều đó với tôi quan trọng hơn những giải thưởng.
Không có giải thưởng nào dành cho nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi nhưng tôi vẫn viết. Tôi tự hào là nhạc sĩ và muốn sự nghiệp của mình không chỉ mạnh về nhạc trẻ, nhạc tình yêu vì tôi đã thành công rồi, từng lên đỉnh cao rồi. Có năm, tôi có 3 bài hát nằm trên bảng xếp hạng và bây giờ tôi muốn khám phá, thử thách mình ở những mảng âm nhạc khác.
Tôi đã liều lĩnh viết về mảng gia đình và thành công với bài "Nhật ký của mẹ", "Cha và con gái". Và tôi muốn thử thách bản thân, phải có những bài hát thiếu nhi đi cùng năm tháng. Điều đó mới tạo nên giá trị của một người nhạc sĩ.
Tôi muốn mọi người sẽ nhớ tới nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung ngay cả khi tôi mất đi và bài hát đó sẽ đi theo các bé, giống như chúng ta nhớ bài "Bống Bống Bang Bang" hay "Cháu lên 3". Đó là khát khao lớn nhất của tôi, lớn hơn rất nhiều so với số tiền 1,5 tỷ đồng mà mình bỏ ra.
Tôi nghĩ, nhiều người có 1,5 tỷ đồng và muốn làm như tôi cũng không làm được, nhưng tôi làm được thì tại sao lại không làm?
Tôi thuộc top các nhạc sĩ nhận tác quyền cao nhưng việc bỏ ra số tiền như vậy là rất lớn nên tôi cũng cân nhắc khá kỹ. Sau khi trừ các khoản chi phí học hành của các con, chi phí dự trù cho sức khỏe của ba mẹ thì hầu như tôi không để cái gì cho mình.
Cũng giống như bài hát "Nhật ký của mẹ", đó là bài đầu tiên tôi không bán cho ca sĩ. Ngày trước, tôi bán 1 bài mấy chục triệu nhưng "Nhật ký của mẹ" là bài đầu tiên tôi không bán. Bây giờ đó là bài hát đem lại tác quyền lớn nhất cho tôi, hơn cả các bài hit ngày xưa.
Vậy thì, không có lý do gì mà bài "Một gia đình nhỏ, một hạnh phúc to" sau này tác quyền lại không lớn như vậy và tôi tin vào tương lai đó. Chính niềm tin đó khiến tôi quyết định làm dự án 300 bài hát thiếu nhi này.
"Trong 300 bài hát thiếu nhi này không phải bài nào cũng hay"
- Anh có hài lòng với tất cả 300 bài hát thiếu nhi mà mình sáng tác?
Trong 300 bài hát thiếu nhi này không phải bài nào cũng hay. Thời gian viết cũng là thời gian khó khăn nhất của tôi. Lúc quyết định đi con đường này, tôi cảm giác như một mình mình đi trong sa mạc, không biết mình làm đúng hay sai.
Thời điểm đó, tôi đang là nhạc sĩ thành công với nhạc trẻ, một tháng thu nhập rất nhiều. Bán 3, 4 bài hát là có mấy trăm triệu nhưng lại bỏ hết để viết nhạc thiếu nhi. Nhưng nếu mình làm giữa chừng mà bỏ thì tự mình thấy xấu hổ.
Có những lúc tôi buồn bực với chính bản thân mình và có những lúc, tôi tự đặt áp lực cho mình, 1-2 ngày viết 1 bài, chứ nếu 1 tuần viết 1 bài thì động lực và quyết tâm bị giảm xuống.
Cho nên trong 300 bài này sẽ có những bài chưa hay, chưa được đầu tư kỹ. Tôi vẫn trăn trở về việc đó cho nên sau này, nếu bài nào chưa hay, tôi sẽ lược bỏ và thay vào những bài khác hay hơn.