Nhạc sĩ Nguyễn Cường: "Tùng Dương à? Tôi xin lạy nó một lạy"

Vũ Quỳnh (thực hiện) |

Bốn nhạc sĩ nổi tiếng trong đời sống nhạc Việt gồm Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương từ lâu được công chúng yêu mến gọi là "Bộ tứ sông Hồng". Riêng divo Tùng Dương nghĩ thêm một cái tên mới, gọi họ là những "tráng sĩ sông Hồng".

Mỗi người một cá tính âm nhạc riêng biệt không thể trộn lẫn đã mang đến những đóng góp giá trị cho đời sống âm nhạc hơn nửa thế kỷ qua.

Việc hòa quyện bốn cá tính âm nhạc đó trên một sân khấu là một việc khó. Tưởng như không thể, nhưng bằng sự quyết liệt của mình, Tùng Dương đã làm.

Live show "Tùng Dương hát bộ tứ sông Hồng" sẽ được diễn ra vào 2 ngày mùng 5 và mùng 6 tháng 6 tới tại Hà Nội.

Hãy nghe Nguyễn Cường, một trong 4 "tráng sĩ sông Hồng" nói về sự "cả gan" của Tùng Dương trong cuộc chơi thú vị và mạo hiểm này.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Tùng Dương à? Tôi xin lạy nó một lạy - Ảnh 1.

- Thực sự mà nói, "trị" được âm nhạc của 1 trong 4 "tráng sĩ": Trần Tiến, Nguyễn Cường, Dương Thụ, Phó Đức Phương, với một ca sĩ có khi cũng đã là "hết hơi" rồi. Tùng Dương "trị" cả 4 ông trong một show diễn, liệu ông có chút nào lo lắng?

+ Tôi không lo lắng gì cả. Tôi tin Tùng Dương sẽ làm được. Cậu ấy đủ nội lực, tài năng, tâm huyết và cả sự khôn ngoan, thông minh để mang "bộ tứ" chúng tôi lên sân khấu một cách hấp dẫn nhất.

- Nhạc sĩ biết Tùng Dương lần đầu khi nào?

+ Từ cái hồi cậu ấy tham gia cuộc thi Sao Mai Điểm hẹn. Lúc đó Dương còn trẻ lắm, mới bắt đầu ti toe với âm nhạc.

Nhưng tôi đã giật mình về một cậu nhóc rất có gu. Hát hay, giàu nội lực thì đã đành rồi, nhưng việc trong suốt cuộc thi cậu ta phần lớn chỉ chọn 1 tác giả để hát, đó là Lê Minh Sơn đã làm tôi đặc biệt chú ý.

Thông thường khi một người còn non bấy đến với âm nhạc, lại là một cuộc thi, người ta hay "nhìn ngang ngó dọc" lắm. Họ sẽ nghe ngóng bên này bên kia, chọn bài gì, hát bài gì cho trúng ý giám khảo, cho dễ ăn khán giả, dễ được giải...

Việc một thí sinh chỉ kiên định chọn hát bài hát của một tác giả trong suốt cuộc thi hiếm lắm. Điều này cho thấy, Tùng Dương dù còn trẻ nhưng rất bản lĩnh.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Tùng Dương à? Tôi xin lạy nó một lạy - Ảnh 2.

Cậu ta có một niềm tin lớn vào bản thân, cũng như có niềm tin lớn vào giá trị mình lựa chọn. Cậu ta không quan trọng giám khảo đánh giá mình như thế nào, công chúng yêu ghét mình ra sao.

Cậu ta có ý thức định hình phong cách, cá tính của mình ngay từ khi mới bắt đầu.

Trong đời sống biểu diễn, việc ca sĩ chọn hát bài hát của tác giả nào rất quan trọng. Bởi vì ca sĩ nào thì bài hát đó, ca sĩ nào thì tác giả đó. Việc chọn bài hát, chọn tác giả đã ít nhiều bộc lộ level của một ca sĩ, văn hóa cá nhân của một ca sĩ.

Anh có thể được tung hô thế nào thì tung hô, kể cả anh có triệu fan đi nữa, tôi chỉ hỏi anh hát tác giả nào là tôi biết văn hóa của anh.

Điều này cũng đúng với những người chơi đàn. Anh tài năng, hãy nói với tôi anh chơi bản nhạc của những tác giả nào. Anh chơi hay những bản nhạc của Beethoven, Schubert, Wagner, Chopin thì chắc chắn đẳng cấp của anh phải khác.

- Điều đặc biệt nhất ông nhận thấy trong giọng hát của Tùng Dương là gì?

+ Tùng Dương là một giọng ca phong phú. Điều đặc biệt nhất ở Tùng Dương là sức mạnh văn hóa Việt trong con người cậu ấy.

Con người của Tùng Dương là con người của dân gian đương đại. Cái đa dạng của Tùng Dương ở đây không nằm ở chỗ gặp đâu hát đấy, tả pí lù, mà là hát đâu hay đó, rất đẳng cấp.

Nhân đây tôi nói về cái hay trong âm nhạc. Người viết có một bài hát hay, ca sĩ hát một ca khúc hay, đã là khó rồi, nhưng nó thực sự chưa nói lên điều gì đâu. Nếu một người viết chỉ có thể viết được một bài hát hay, họ mãi mãi là nhạc sĩ.

Chưa là tác giả. Tác giả là phải có cả một hệ thống biểu đạt riêng của mình Còn ca sĩ chỉ hát hay một vài bài dù có nhiều fan cũng chưa có thể vươn tới tầm đẳng cấp như diva, divo.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Tùng Dương à? Tôi xin lạy nó một lạy - Ảnh 3.

Tùng Dương sẽ hát nhạc của "Bộ tứ sông Hồng" trong show diễn sắp tới.


- Nhạc sĩ ưng Tùng Dương hát những bài hát nào của mình nhất?

+ Cũng khá nhiều bài đấy. Chẳng hạn như "Mái đình làng biển", "Hò biển", "Một nét ca trù ngày xuân", "Đàn cầm dây vũ dây văn"... Trong đĩa nhạc sắp phát hành mang tên "Tùng Dương hát Nguyễn Cường" có 11 bài.

Tùng Dương hát bài nào tôi cũng thích. Ở một số bài của tôi, tôi cam đoan Tùng Dương không có đối thủ. Cậu ấy hát rồi thì làm khó cho những ca sĩ khác, không dám hát lại.

- Trước Tùng Dương đã có những ca sĩ nổi tiếng hát hay, hát thành công các ca khúc như "Mái đình làng biển", "Một nét ca trù ngày xuân". Phải chăng đến Tùng Dương, ông mới thấy các ca khúc này của mình hoàn hảo nhất?

+ Không, tôi không định nói như vậy. Tôi không thích hai chữ hoàn hảo. Mỹ Linh trước đây hát "Mái đình làng biển" rất hay. Cặp đôi Minh Anh - Minh Ánh biểu diễn bài này cũng cực kỳ ép-pê, ấn tượng. Còn Tùng Dương là một màu sắc khác.

Biên độ văn hóa sâu rộng của Tùng Dương cùng với cách khai thác bài hát của cậu ấy đã mang đến cho bài hát của tôi một hương vị đặc biệt, tôi chỉ biết nói vậy.

Có hôm tôi ngồi nghe lại Tùng Dương hát bài "Đàn cầm dây vũ dây văn" với một bạn nhạc sĩ phối khí, tôi "sướng" đến nỗi bảo với anh bạn kia: "Tiên sư, hay quá. Không lẽ tao đến lạy nó một lạy".

- Nghe chừng câu chuyện làm độc giả hoang mang quá. Một nhạc sĩ già muốn lạy một ca sĩ trẻ...

+ Khi tôi nói tôi muốn lạy Tùng Dương một lạy là tôi nghĩ đến một câu chuyện cũng liên quan đến bài hát "Đàn cầm dây vũ dây văn" của tôi.

Bạn nhớ rằng bài hát này tôi viết khoảng 40 năm về trước, đã được một vài ca sĩ hát, nhưng phải đến Tùng Dương tôi mới nhận ra đúng hình hài của "đứa con" mà tôi muốn tạo ra.

Thời trẻ, khi tôi còn học ở trường nhạc, tôi có quen thân với ông Đặng Đình Lưu.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Tùng Dương à? Tôi xin lạy nó một lạy - Ảnh 4.

Ca sĩ Tùng Dương và nhạc sĩ Nguyễn Cường


Ông Lưu là một người uyên thâm về văn hóa, về âm nhạc. Ông là chú của NSND Đặng Thái Sơn. Hồi trẻ đó, cứ chủ nhật là tôi mò đến thư viện của trường nhạc, cắm đầu nghe đĩa. Ông Đặng Đình Lưu phụ trách đĩa trong thư viện.

Ông quý tôi lắm.

Chúng tôi trở thành bạn vong niên, hay bàn chuyện âm nhạc với nhau. Bẵng đi gần nửa thế kỷ, tôi không găp lại ông Lưu. Một hôm đang buổi trưa, tôi thấy điện thoại reo từ một số lạ. Đầu dây bên kia là ông Đặng Đình Lưu.

Tôi vừa mừng vui vừa hoảng hốt, sau bao nhiêu năm gặp lại ông. Tôi hỏi: "Anh Lưu, em vui quá, nhưng có việc gì mà anh gọi cho em đường đột giữa trưa thế".

Ông Lưu bảo: "Anh vừa nghe bài hát "Đàn cầm dây vũ dây văn" của em. Anh thật sự xúc động. Từ trước đến giờ người ta chỉ lấy chất liệu dân ca để làm bài hát, nhưng với bài hát này, em đã CHO LẠI dân ca. Em hãy nhận lấy của anh một lạy".

Ông Đặng Đình Lưu đã nói nguyên văn như thế với tôi, và thời diểm sau đó tôi nghe Tùng Dương hát bài này, tôi cũng muốn nói câu đó với Tùng Dương. Tôi muốn chuyển cái lạy đó sang cho Tùng Dương - một người trẻ tài năng mà tôi hết sức trân trọng.

- Tùng Dương ngay từ đầu đã không chọn làm một ca sĩ giải trí. Dương theo đuổi con đường khó hơn, chinh phục các giá trị mang tính nghệ thuật thực sự. Thông thường các ca sĩ chọn đường khó để đi, họ chỉ có một nhóm khán giả khu biệt, những người cùng gu với mình. Họ không nhiều fan hâm mộ như các ca sĩ giải trí. Nhưng trường hợp Tùng Dương thì khác, âm nhạc của cậu ấy rất nghệ thuật, nhưng cũng không kém phần đại chúng. Tùng Dương là một cái tên bán vé...

+ Với tôi, đại chúng và công chúng là hai khái niệm khác nhau. Tùng Dương có công chúng lớn. Sức lan tỏa của cậu ấy rất mạnh mẽ. Tùng Dương đã khiến cho những tác phẩm tưởng như bị lãng quên sống lại.

Ví dụ như hiện tượng ca khúc "Chiếc khăn Piêu", hay "Nơi đảo xa".

Bài hát "Nơi đảo xa" Thế Song viết cách đây gần nửa thế kỷ, công chúng đã quên, rồi Tùng Dương hát lại trong những ngày cả nước sôi sục không khí biển đảo đã khiến cho người ta nhận rõ hơn giá trị đích thực của ca khúc này.

Khả năng làm sống lại những giá trị cũ chỉ có những tài năng lớn mới làm được.

- Nhạc sĩ lý giải vì sao các thế hệ khác nhau đều nghe được Tùng Dương hát và Tùng Dương hát được âm nhạc của nhiều thế hệ sáng tác?

+ Vì biên độ văn hóa của Tùng Dương rất rộng. Cộng với một cá tính âm nhạc mạnh, độc đáo. Hát ca khúc của nhạc sĩ trẻ cùng thời đã đành, vì Tùng Dương đang đi cùng với thời đại của cậu ấy.

Nhưng việc hát ca khúc của những nhạc sĩ đi trước lại cho thấy sự thông minh của Tùng Dương.

Dương không dại gì mà không khai thác các giá trị cổ điển truyền thống, các giá trị đã được khẳng định. Đấy là vỉa quặng có thể làm giàu cho gia tài của một ca sĩ. Dương biết rằng mình có khả năng thẩm thấu, khơi gợi, làm mới các giá trị đó.

Ngoài ra đây còn là việc Dương tri ân những người đi trước nữa, rất đáng quý.

- Trong show diễn "bộ tứ sông Hồng" sắp tới, Tùng Dương chọn hát các ca khúc nào của nhạc sĩ?

+ Tôi không biết. Đấy là việc của Tùng Dương. Cậu ấy đủ thông minh để lựa chọn những bài hát phù hợp nhất, để cuộc chơi của riêng cậu ấy gây ấn tượng với khán giả. Tôi chỉ việc đến xem Tùng Dương hát là đủ để hạnh phúc rồi.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại