1. Trên trang chủ của AFC hôm nay, nổi bật nhất là bài viết mang tựa đề: "Iraq đã viết nên một câu chuyện cổ tích vào năm 2007". Đấy quả là một câu chuyện cổ tích thực sự.
Hơn 12 năm trước, tối ngày 29 tháng 7 năm 2007, đám đông khán giả Indonesia trên sân Gelora Bung Karno (Jakarta) hùng vĩ đã vỡ òa trong niềm vui khi Youni Mahmoud bật cao đánh đầu từ quả phạt góc của đội nhà, ghi bàn thắng duy nhất, đưa Iraq đến chức vô địch Asian Cup 2007.
Khán giả Indonesia ăn mừng, bởi như mọi cổ động viên bóng đá chân chính khác, họ có sự đồng cảm cao đội dành cho đội tuyển Iraq - những con người đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để lên ngôi đầu châu Á ngày hôm đấy.
Đối thủ của Iraq trong trận chung kết ấy là Saudi Arabia. Với ngân sách và cơ sở vật chất dường như là vô hạn, đến mức các đội bóng hàng đầu thế giới còn phải ghen tỵ, tưởng chừng như chức vô địch đã nằm gọn trong lòng bàn tay họ.
Trước khi giải đấu diễn ra, có ai ngờ được một đội bóng "rách rưới" - theo đúng nghĩa đen, không có cả trang phục thi đấu, góp mặt trong khó khăn kiệt cùng lại có thể bước lên bục vinh quang cao nhất của châu Á. Chức vô địch năm ấy là một câu chuyện cổ tích đúng nghĩa.
Trước giải đấu ấy, Iraq chỉ thắng có 2 trong số 8 trận thi đấu trước giải. HLV Jorvan Vieira của họ cũng chỉ được thuê 2 tháng trước ngày khai mạc, và đội bóng phải tập ở nước ngoài do tình hình an ninh cực kỳ đáng lo ngại ở quê nhà.
Chung kết Asian Cup 2007: Iraq 1-0 Saudi Arabia
HLV người Brazil Jorvan Vieira nhớ lại: "Một số cầu thủ của tôi mới mất người thân trong cuộc xung đột đẫm máu ở quê nhà. Buổi tập đầu tiên tôi cầm quân, chỉ có 6 cầu thủ được tập trung. HLV thể lực của chúng tôi bị giết bởi một quả bom chỉ 2 ngày trước chúng tôi đặt chân đến Bangkok, khi đang trên đường đi mua vé máy bay.
Khi đến nơi, 2 cầu thủ của chúng tôi bị bộ phận nhập cảnh giữ đến 8 tiếng. Đến nơi, chúng tôi phát hiện ra mình chẳng có dụng cụ tập luyện, thậm chí đồng phục thi đấu cũng không có nốt. Chúng tôi có vấn đề với thức ăn, với việc đặt phòng khách sạn... Cả một cơn ác mộng đổ ập xuống đầu".
Nhưng bất chấp tất cả, họ vẫn đứng đầu bảng A với chiến thắng gây sốc 3-1 trước Australia, sau khi hòa Thái Lan, và tiếp tục hòa Oman ở lượt đấu cuối.
Con đường lên ngôi vô địch của Iraq ngày ấy là trận đấu tứ kết vượt qua Việt Nam với tỷ số 2-0, trước khi vượt qua Hàn Quốc ở loạt sút luân lưu.
Đằng sau chiến tích kỳ vĩ ấy, là nguồn cảm hứng vô tận mà các cầu thủ đem đến cho đồng bào của họ ở quê nhà. Trong chiến tranh, người dân Iraq xiết chặt tay nhau, dùng niềm cảm hứng bóng đá để quên đi mất mát, đau thương. Ý nghĩa của kỳ tích ấy vượt ra ngoài khuôn khổ thể thao thông thường. Nó đem lại nguồn sống, tinh thần cho cả một dân tộc.
Và bây giờ, trước giải đấu Asian Cup 2019, đội tuyển Iraq lại được nhắc đến ở chiến tích đầy cảm hứng ấy, để lấy tinh thần bước vào trận đấu đầu tiên cùng Việt Nam - đối thủ ngày xưa của họ ở tứ kết.
2. Chiến thắng 12 năm trước của Iraq là cực kỳ kỳ vĩ, nhưng cũng nên nhớ, đấy là một giải đấu Asian Cup đáng tự hào của Việt Nam, bởi tính đến trước giải đấu năm nay, đấy là giải đấu đầu tiên và duy nhất Việt Nam được tham gia VCK Asian Cup, và chiến tích năm ấy của Việt Nam là cực kỳ đáng tự hào.
Nằm chung bảng với Nhật Bản, UAE và Qatar, có lẽ chẳng ai ngờ Việt Nam có thể đi tiếp vào vòng trong. Nhưng với chiến thắng ngay từ trận đấu ra quân trước UAE, sau đó hòa 1-1 cùng Qatar bằng bàn thắng dẫn trước của Phan Thanh Bình, dẫu bại trận ở lượt đấu cuối trước Nhật Bản, Việt Nam vẫn hiên ngang đi tiếp vào vòng tứ kết.
Cầm hòa Qatar 1-1, Công Vinh và các đồng đội đoạt vé vào tứ kết Asian Cup 2007.
Hơn 12 năm đã trôi qua tính từ ngày ấy, và suốt 10 năm sau đó, Việt Nam chưa từng được đặt chân vào VCK Asian Cup thêm lần nữa.
Hôm nay, Iraq chuẩn bị cho giải đấu bằng niềm cảm hứng lớn lao từ giải đấu 12 năm về trước. Nhưng đối thủ của họ ở trận ra quân - thầy trò HLV Park Hang-seo cũng đang có trong năm niềm cảm hứng chẳng kém lớn lao, suốt 12 tháng qua.
Khó khăn ư? Chẳng phải chỉ hơn một năm về trước, bóng đá Việt Nam vẫn đang phải rên xiết dưới thất bại thảm thương của HLV Hữu Thắng ở AFF Cup, ở SEA Games. Niềm tin của người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi ấy đã chạm đáy, và niềm tin đặt vào Park Hang-seo - một HLV Hàn Quốc hơn 10 năm liền thất bại, hẳn chẳng nhiều hơn Hữu Thắng là mấy.
Cũng như Iraq ở Asian Cup 12 năm về trước, kỳ tích của bóng đá Việt Nam ở giải U23 châu Á 2018, Asiad 2018 và AFF Cup 2018 đã là lịch sử. Cả Iraq 12 năm trước, và thầy trò HLV Park Hang-seo của Việt Nam 2018 đã viết nên lịch sử của riêng mình, từ tận cùng khó khăn, từ niềm tin mong manh, trong tột cùng kinh ngạc và cảm phục.
Dĩ nhiên, Iraq được đánh giá cao hơn Việt Nam rất nhiều. Họ mạnh hơn cái ngày thắng Việt Nam 2-0 ở tứ kết 12 năm về trước rất nhiều. Nhưng đội tuyển Việt Nam hôm nay, trong tay HLV Park Hang-seo chẳng còn là một Việt Nam dễ bắt nạt như 12 năm về trước nữa, mà là một Việt Nam đang được cả châu Á ngưỡng mộ, e dè.
Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, trận đấu đầu tiên, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ phải vào trận với tinh thần quyết tâm của Iraq ngày ấy, và nếu như Iraq từng viết nên câu chuyện cổ tích vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá của mình ở ngay Asian Cup, thì tại sao Việt Nam lại không thể. Biết đâu, sau giải đấu này, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ là câu chuyện cổ tích mới của bóng đá châu Á?