Tốt nghiệp và bước vào xã hội, trong quá trình tìm việc, chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều cuộc phỏng vấn lớn nhỏ. Có những cuộc phỏng vấn được xem "dễ thở" và cũng sẽ có những cuộc phỏng vấn khiến bạn đau đầu bởi loạt câu hỏi từ khó đến… "khó đỡ" của nhà tuyển dụng. Thường không có đáp án chính xác nào cho những câu hỏi như thế nhưng đáp án bạn đưa ra vẫn có thể giúp bạn trở nên nổi bật giữa dàn ứng viên và "lọt vào mắt xanh" của nhà tuyển dụng.
Như mới đây, Tiểu Kiệt – một chàng trai Gen Z đến từ Trung Quốc đã nhận được câu hỏi với nội dung khá kỳ lạ như sau: "Nếu Tôn Ngộ Không và Nhị Lang Thần đánh nhau, bạn sẽ giúp ai?". Câu hỏi vừa đưa ra đã lập tức đẩy Tiểu Kiệt và hai ứng viên lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng vào thế khó khi chẳng biết phải trả lời thế nào cho hợp lý.
Ứng viên đầu tiên là một cô gái có vẻ ngoài khá ưa nhìn. Cô trả lời: "Tôi sẽ giúp Tôn Ngộ Không, bởi chúng ta ai cũng từng xem Tây Du Ký. Dưới sự ảnh hưởng lâu dài của Tây Du Ký, tôi cũng giống như nhiều người khác, rất thích Tôn Ngộ Không". Đáng tiếc, người phỏng vấn có vẻ không mấy hài lòng với câu trả lời của cô gái này.
Ứng viên tiếp theo là một nam thanh niên lớn tuổi hơn Tiểu Kiệt một chút song đã có 5 năm kinh nghiệm làm việc. Ứng viên này suy nghĩ rồi nói: "Tôi nghĩ điều đó còn phụ thuộc vào lý do cả hai đánh nhau. Tôi chọn đứng về phía công lý, trong một cuộc chiến kiểu gì cũng có bên đúng bên sai mà". Nghe xong, người phỏng vấn vẫn lắc đầu, xem chừng đây cũng không phải điều mà người phỏng vấn muốn nghe bởi cả hai đáp án đều không có gì mới lạ, cũng không có gì đặc sắc.
Tiểu Kiệt là người cuối cùng phỏng vấn. Anh chàng ngẫm nghĩ sau đó vừa mỉm cười vừa nói: "Thần tiên đánh nhau, sao đến lượt người phàm nhúng tay vào?".
Tiểu Kiệt vừa dứt lời, người phỏng vấn lập tức cười lớn. Mặc dù câu trả lời rất ngắn và không đầu không đuôi nhưng nó lại khiến ban tuyển dụng vô cùng hài lòng.
Một số người cũng có thể nói rằng họ không hiểu ý của người phỏng vấn khi hỏi loại câu hỏi này. Hỏi mấy câu "vô nghĩa" như vậy liệu có kiểm tra được năng lực của ứng viên không hay chỉ để cho vui? Trên thực tế, trong quá trình phỏng vấn, những câu hỏi mà người phỏng vấn đặt ra đôi khi rất vô nghĩa và không có đáp án tiêu chuẩn cho chúng song đằng sau những câu hỏi đó đều có dụng ý riêng.
Không có câu trả lời nào là câu trả lời duy nhất, bởi lẽ nhiều câu hỏi chỉ nhằm kiểm tra khả năng phản ứng tại chỗ của ứng viên và khảo sát xem liệu khả năng tư duy logic của họ nhanh nhạy tới đâu. Trong trường hợp này, Tiểu Kiệt rõ ràng đã không đi theo lối mòn mà chọn tư duy theo hướng vừa sáng tạo vừa hợp lý. Và đó là lý do anh chàng này đã thành công được gọi đi làm ngay ngày hôm sau.
Nguồn: Sohu