Hiện nay, phần lớn nhiều công ty đều mong muốn tuyển dụng những nhân sự không chỉ có năng lực trong lĩnh vực chuyên môn của mình mà còn có tư duy linh hoạt, trí tuệ cảm xúc cao. Trong các buổi phỏng vấn, nhiều nhà tuyển dụng đưa ra những câu hỏi mang tính kiểm tra tư duy logic, ứng dụng thực tế nhằm tìm được ứng viên chất lượng như mong muốn.
Nhiều trường hợp, các ứng viên phải đối mặt với những câu hỏi có phần hơi kỳ lạ từ nhà tuyển dụng. Nhiều ứng viên bối rối và nghĩ rằng những câu hỏi như vậy không liên quan gì đến công việc. Thực chất, những câu hỏi này được đặt ra giúp nhà tuyển dụng có thể đánh giá được khả năng tư duy nhạy bén, kỹ năng giao tiếp, cách phản ứng tại chỗ của ứng viên để tìm ra ứng viên phù hợp nhất với các vị trí mà công ty yêu cầu.
Có một câu hỏi tuyển dụng từ công ty ở Trung Quốc cũng gây chú ý trên MXH. Chu Tiểu Diệp là một nhà quản lý cấp trung của một công ty, sau đó cô đã từ chức vì lý tưởng công việc của cô không phù hợp với công ty. Khi nhận lời mời phỏng vấn từ công ty mới, đó là một doanh nghiệp lớn, vì vậy cô rất muốn được nhận vào làm việc. Vị trí mà cô phỏng vấn cũng là vị trí quản lý cấp trung.
Phương thức phỏng vấn của công ty này cũng đặc biệt, tập hợp tất cả những người ứng tuyển cho cùng một vị trí để phỏng vấn cùng lúc. Vòng đầu tiên, phỏng vấn về kỹ năng chuyên môn, có 16 người tham gia phỏng vấn, nhưng cuối cùng chỉ có 6 người được giữ lại tham gia vòng 2, những người khác đều bị loại.
Sau đó, 6 người được giữ lại được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 3 người, và vào 2 phòng phỏng vấn khác nhau. Nhóm của Chu Tiểu Diệp có cô và 2 ứng viên khác.
Điều mà các ứng viên không ngờ tới là, khi vào phòng phỏng vấn, nhà tuyển dụng trực tiếp đặt ra 1 câu hỏi dường như không liên quan gì đến vị trí công việc mà họ đang phỏng vấn.
Người phỏng vấn hỏi: "Khi nào 0 lớn hơn 2, 2 lớn hơn 5, và 5 lớn hơn 0? Các bạn có 3 phút để suy nghĩ. Trước mặt mỗi người có một tờ giấy, hãy viết câu trả lời của mình lên giấy và sau đó giải thích cho tôi. Mời các bạn bắt đầu”.
3 người mặc dù cảm thấy câu hỏi của người phỏng vấn có chút kỳ lạ, nhưng vẫn tập trung suy nghĩ trả lời câu hỏi. 3 phút trôi qua rất nhanh, người phỏng vấn ra hiệu bắt đầu giải thích câu trả lời của mình từ trái sang phải.
Ứng viên đầu tiên ngồi ở bên trái nhất, sau khi nghe yêu cầu của người phỏng vấn, liền đứng dậy nói: "0 lớn hơn 2, 2 lớn hơn 5, 5 lớn hơn 0, là điều không thể. Câu hỏi này, tôi thực sự không nghĩ ra, tôi tin rằng hai vị đây cũng chưa chắc nghĩ ra, vì câu này căn bản là không có ý nghĩa gì cả”.
Sau khi người phỏng vấn đầu tiên nói xong, ứng viên ngồi giữa cũng đứng lên nói: "Khi nào 0 lớn hơn 2, 2 lớn hơn 5, 5 lớn hơn 0? 5 lớn hơn 0, điều này vốn dĩ hợp lý, nhưng 2 lớn hơn 5, điều này tôi không thể hiểu được. Nếu có thể cho tôi thêm chút thời gian, có lẽ tôi sẽ đoán ra”.
Cuối cùng, đến lượt Chu Tiểu Diệp trả lời, cô đứng dậy cúi chào nhà tuyển dụng, sau đó cười và nói: "Câu hỏi này không khó, hãy thay đổi cách suy nghĩ để giải quyết nó. Thực tế, đây chính là trò chơi oẳn tù tì, “kéo, búa, bao”! Búa là 0, kéo là 2, bao là 5. 0 lớn hơn 2, 2 lớn hơn 5, 5 lớn hơn 0, điều này rất dễ hiểu…Trong trò chơi này, cái búa là nắm các ngón tay lại, cũng như số 0. Cái kéo là hai ngón tay (ngón trỏ, ngón giữa) mở ra như chữ V, các ngón còn lại sẽ được nắm lại. Vì vậy sẽ như số 2. Cái bao là xòe cả bàn tay ra, là số 5. 0 lớn hơn 2 tức là búa hơn kéo, 2 lớn hơn 5 là kéo lớn hơn bao, 5 lớn hơn 0 tức là bao hơn búa”.
Nhà tuyển dụng sau khi nghe câu trả lời của Chu Tiểu Diệp, đứng dậy vỗ tay cười và nói: "Chu Tiểu Diệp, lời giải thích của bạn rất hợp lý, bạn có IQ, EQ cao. Thực ra, câu hỏi này cũng nhằm kiểm tra khả năng tư duy của các bạn. Các bạn đều biết, là một người quản lý, không chỉ cần năng lực làm việc mà khả năng tư duy cũng phải linh hoạt, như vậy mới có thể dễ dàng giải quyết các vấn đề mà đội ngũ gặp phải trong công việc hàng ngày. Chào mừng bạn gia nhập công ty chúng tôi, hy vọng trong tương lai đội ngũ do bạn dẫn dắt sẽ tạo ra thêm thành tựu mới cho công ty”.
Còn bạn thì sao, trong trường hợp nhận được câu hỏi này, bạn sẽ trả lời như thế nào?
Theo Toutiao