*Dưới đây là bài chia sẻ của một tác giả được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc) nhận được sự chú ý:
01
Gần đây Đồng Đồng tham gia phỏng vấn ở nhiều công ty khác nhau. Cô ấy hài hước nói: “Tôi đã phỏng vấn 5 công ty rồi, 'miễn nhiễm' với các câu hỏi lạ lùng. Cứ nghĩ chẳng có gì làm khó được mình nữa. Nhưng hôm nay mới biết mình vẫn còn ‘non và xanh’ quá!”.
Đồng Đồng kể lại trải nghiệm phỏng vấn gần đây. Khi đi phỏng vấn, cô nhận được câu hỏi có phần kỳ lạ từ nhà tuyển dụng. Câu hỏi là: “Nếu đồng nghiệp nợ bạn 500 tệ (khoảng 1,7 triệu đồng) không trả, bạn sẽ làm gì?” .
Suy nghĩ đầu tiên của nhiều người khi nghe qua câu hỏi này có thể là: “Phỏng vấn thì phải kiểm tra năng lực làm việc, tại sao hỏi mấy câu này?” .
Trên thực tế, câu hỏi người phỏng vấn hỏi đều có mục đích. Nếu bạn không thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu hỏi, bạn có thể trả lời sai và bỏ lỡ cơ hội.
02. Người phỏng vấn đang tìm kiếm điều gì ở bạn?
Trước hết, chúng ta hãy phân tích "Tại sao nhà tuyển dụng lại đặt câu hỏi như vậy?". Trong quá trình phỏng vấn, năng lực làm việc của bạn có thể được đánh giá thông qua kinh nghiệm công việc. Nhưng một điều quan trọng thường bị bỏ qua chính là khả năng kết nối, dung hoà mối quan hệ nơi công sở.
Tại nơi làm việc, người chúng ta tiếp xúc nhiều nhất chính là đồng nghiệp và tiền bạc luôn là một chủ đề nhạy cảm với mọi người.
Trong câu hỏi phỏng vấn trên, việc kết hợp 2 chủ đề này lại với nhau, thoạt nhìn có vẻ là để làm vấn đề thêm khó khăn, nhưng cách bạn trả lời sẽ thể hiện được cách bạn giao tiếp với đồng nghiệp cũng như cách xử lý mối quan hệ công sở. Mặt khác, nhà tuyển dụng cũng đang kiểm tra khả năng ứng biến của bạn.
Đồng Đồng chia sẻ rằng, có 3 người tham gia phỏng vấn, mỗi người đều đưa ra câu trả lời khác nhau, nhưng chỉ có một người được chọn.
Ứng viên đầu tiên không suy nghĩ nhiều, thẳng thắn trả lời rằng: "Đồng nghiệp không phải bạn bè, tôi sẽ không tùy tiện cho đồng nghiệp mượn tiền”.
Nhà tuyển dụng không đánh giá cao câu trả lời này. Nếu bạn xa cách với đồng nghiệp đến mức đó, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn không thể hòa nhập, không đoàn kết với đồng nghiệp và làm việc nhóm không hiệu quả.
Một ứng viên thuộc thế hệ 9X khác trả lời: "Chỉ là 500 tệ (khoảng 1,7 triệu đồng) thôi mà, cũng không nhiều, trả hay không cũng không sao”.
Câu trả lời cũng không được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Chỉ có ứng viên cuối cùng đưa ra một câu trả lời logic và giải quyết vấn đề một cách hợp lý, vừa không ảnh hưởng đến tình cảm đồng nghiệp, vừa lấy lại được tiền.
03. Câu trả lời của ứng viên được chọn
1. Hạn chế giao dịch tiền bạc với đồng nghiệp
Trước hết, tôi sẽ hạn chế việc liên quan đến vấn đề tài chính với đồng nghiệp. Mối quan hệ giữa các đồng nghiệp vốn đã mong manh. Chúng ta có thể làm bạn đồng hành tốt trong công việc, nhưng chưa chắc đã là bạn bè thân thiết. Nếu không cẩn thận, thử thách liên quan đến vấn đề tiền bạc sẽ khiến mối quan hệ sẽ dễ rạn nứt.
Hơn nữa, việc cho vay tiền không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho công việc của tôi, ngược lại có thể gây ra xung đột. Tôi sẵn sàng mời đồng nghiệp đi ăn một bữa, nhưng tốt nhất không nên cho mượn tiền. Nếu có lý do đặc biệt buộc phải cho vay, tôi sẽ cân nhắc kỹ, xem xét mọi khía cạnh.
2. Chỉ cho 2 kiểu người vay tiền
Nếu phải cho vay tiền, tôi sẽ cân nhắc 2 khía cạnh: tính cách, uy tín của đồng nghiệp và tính cấp thiết của việc vay tiền.
Nếu đồng nghiệp vay tiền vì tiêu xài hoang phí, ăn uống vui chơi và không còn tiền đóng tiền nhà, thì việc cho vay trong trường hợp này rất có khả năng sẽ khiến lại mượn tiền lần nữa. Vì vậy, tôi quyết định không cho vay tiền.
Những đồng nghiệp cần tiền vì trường hợp khẩn cấp, như ốm đau hay cần xoay xở tạm thời, tôi sẵn lòng giúp đỡ,cho vay để họ vượt qua khó khăn. Tôi tin rằng họ sẽ trả lại.
Đối với những người trung thực, có trách nhiệm, tôi sẵn sàng cho vay. Nhưng nếu đối phương có danh tiếng không tốt, tôi không cần phải giữ "thể diện" hay lo ngại về mối quan hệ mà vẫn từ chối cho vay.
3. Nếu đồng nghiệp không trả tiền, tôi sẽ áp dụng 2 mẹo
500 tệ (khoảng 1,7 triệu đồng) không phải số tiền lớn, nhưng điều quan trọng là niềm tin. Nếu đồng nghiệp không tự giác trả lại, tôi sẽ chủ động đòi, sau đó sẽ nhẹ nhàng nhắc nhở. Tôi có thể dùng 2 cách này:
Thứ nhất, mượn tiền ngược lại. Nếu ngại hỏi thẳng, tôi sẽ nói rằng mình đang cần tiền và hỏi vay họ, với số tiền lớn hơn 500 tệ nhưng không quá nhiều. Nếu đồng nghiệp quên số tiền đã mượn tôi, việc này sẽ gợi nhớ mà không gây ngại ngùng. Họ sẽ chủ động nói: "Bạn chỉ cần trả lại phần còn lại sau khi trừ 500 tệ (1,7 triệu đồng) là được”.
Thứ hai, đòi thẳng mặt trước mọi người. Khi mọi cách nhẹ nhàng không hiệu quả, tôi sẽ nói thẳng, ngay cả trước mặt đồng nghiệp khác. Ví dụ: "Nếu cậu trả tiền, chúng ta sẽ mời mọi người uống trà chiều”. Sự chú ý từ tập thể sẽ gây áp lực và họ sẽ trả tiền cho bạn.
Với phần trả lời trên, ứng viên cuối cùng được tuyển dụng vì cô ấy có khả năng ứng biến tốt, tư duy logic và giải quyết vấn đề một cách hợp lý.
Nếu bạn là ứng viên đi phỏng vấn xin việc, đối diện với câu hỏi như vậy, bạn sẽ trả lời ra sao?
Theo Toutiao