Ai cũng biết thị trường công việc trong xã hội hiện nay cạnh tranh rất gay gắt. Để đánh bại các đối thủ khác đã khó, khó hơn nữa là còn phải đủ tỉnh táo để trả lời những câu hỏi mẹo từ nhà tuyển dụng. Để chọn ra nhân tài phù hợp với công ty, các nhà tuyển dụng hiện đang rất "ưa chuộng" phương pháp đặt câu hỏi mẹo để "úp sọt" ứng viên. Thông qua cách ứng viên tư duy để trả lời câu hỏi, nhà tuyển dụng có thể kiểm tra rõ hơn về nhiều phương diện tiềm ẩn, không có trong sơ yếu lý lịch của các ứng viên.
Lý Vỹ là một sinh viên đại học vừa mới tốt nghiệp. Tìm việc làm đối với một sinh viên vốn đã là điều không dễ dàng, hơn nữa số lượng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm là hằng hà sa số như cát ngoài biển khơi, lại càng tăng cao tỷ lệ cạnh tranh.
Lý Vỹ gửi rất nhiều hồ sơ xin việc và cuối cùng may mắn đã mỉm cười với anh, anh đã nhận được lời mời phỏng vấn từ một công ty lớn. Vốn là một người tự tin, anh nghĩ mình sẽ chiếm được lợi thế hơn các ứng viên khác.
Trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đã hỏi một câu rất là thú vị, chẳng chút liên quan đến chuyên môn: "Có một miếng tàu hủ, chỉ cho bạn cắt 2 dao, làm sao cắt nó thành 16 miếng?"
Khi đó phỏng vấn có 3 người, nghe xong câu hỏi, trong lòng mọi người dường như đều muốn toát mồ hôi lạnh. Ứng viên đầu tiên chậm rãi hắn giọng, ánh mắt có chút bối rối không biết nên nhìn vào đâu, nói: "Chỉ cắt 2 dao thì làm sao có thể cắt được thành 16 miếng?"
Nhà tuyển dụng chau mày: "Tại sao bạn lại hỏi ngược lại chúng tôi chứ?"
Ứng viên thứ hai thành thật nói: "Từ nhỏ tôi đã rất kém môn toán, đối với câu hỏi này tôi thật sự lực bất tòng tâm."
Cuối cùng, nhà tuyển dụng chỉ còn hy vọng vào Lý Vỹ. Lý Vỹ mỉm cười, tự tin nói: "Đầu tiên cắt thành 2 miếng, sau đó xếp chúng chồng lên nhau, cắt dao xuống, khi vừa chạm đến miếng thứ hai thì chúng ta lấy 2 miếng trên cùng vừa mới cắt ra và đặt chúng dưới miếng đậu phụ thứ hai chưa được cắt, sau đó tiếp tục cắt xuống, đến tầng đậu phụ dưới cùng thì lại ngưng và lấy phần đậu vừa được cắt ở bên trên, đặt xuống dưới. Cứ lặp đi lặp lại quy trình đó thì chúng ta có thể cắt ra vô số miếng đậu phụ."
Nhà tuyển dụng: "Cách trả lời này tuy có chút lách luật, nhưng vẫn là một câu trả lời hay, công ty của chúng tôi đang thiếu những nhân tài có tư duy cởi mở như bạn."
Và đương nhiên sau buổi phỏng vấn, người được chọn không ai khác ngoài Lý Vỹ. Hầu như tất cả các câu hỏi dạng này thường sẽ không có một câu trả lời cố định, hoặc thậm chí là chẳng tồn tại một câu trả lời nào cả. Thứ mà nhà tuyển dụng muốn lắng nghe chính là tư duy của ứng viên, cách họ ứng biến trong những tình huống bất ngờ, bộc lộ tính cách của họ ra sao.
Lỗi sai lớn nhất của đa số những người đi xin việc là quá xem thường nhà tuyển dụng. Khi nghe những câu hỏi ngoài lề như thế, họ sẽ ngay lập tức nghĩ nó quá vô nghĩa và không muốn động não trả lời một cách nghiêm túc. Chính hành động này cũng đã phản ánh lên một phần tư duy của họ, làm âm điểm trong mắt các nhà tuyển dụng.
Do đó, cách tốt nhất là chúng ta nên lắng nghe kỹ câu hỏi, vì khi lắng nghe kỹ câu hỏi, chúng ta sẽ dễ nhìn thấy rõ ý đồ thực sự của nhà tuyển dụng hơn, nhờ đó mà tìm ra đúng đáp án mà họ muốn nghe. Đồng thời bạn cũng cần giữ thái độ đúng mực khi trả lời, hành động này nhằm thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn là một người lễ phép, biết ổn định bản thân trong những tình huống bất ngờ.
Câu hỏi trên cũng không chỉ có 1 câu trả lời. Liệu bạn có thể cắt 1 miếng đậu phụ thành 16 miếng chỉ bằng 2 lần xuống dao hay không? Hãy thử tìm ra câu trả lời của riêng mình xem sao nhé!