Theo Reuters cập nhật ngày 24/8, Mỹ và Trung Quốc kết thúc hai ngày đàm phán thương mại vào 23/8 và thảo luận về “cách để đạt được sự công bằng, cân bằng và có đi có lại trong mối quan hệ kinh tế, bao gồm giải quyết các vấn đề cấu trúc ở Trung Quốc” – trích tuyên bố của Nhà Trắng.
“Chúng tôi trân trọng việc phái đoàn Trung Quốc đến Mỹ tham gia những cuộc gặp này. Phái đoàn Mỹ sẽ tóm tắt kết quả cuộc gặp với các lãnh đạo của họ” – người phát ngôn Nhà Trắng Lindsay Walters nói trong một tuyên bố.
Theo Reuters, hai ngày đối thoại thương mại Mỹ - Trung kết thúc mà không có kết quả nào đột phá. Trong khi đó xung đột thương mại leo thang với vòng trừng phạt mới của hai nước đánh thuế lên 16 tỷ USD hàng hóa của nhau chính thức có hiệu lực từ ngày 23/8.
Chương trình áp thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa có hiệu lực ngày 23/8 không ảnh hưởng đến các cuộc đối thoại do Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Malpass và Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen dẫn đầu diễn ra ở Washington.
Đây là những cuộc đối thoại đầu tiên giữa Mỹ - Trung kể từ đầu tháng 6 để tìm ra giải pháp giảm căng thẳng xung đột thương mại.
Trước đó, một quan chức Mỹ cấp cao không đánh giá cao khả năng đối thoại thành công, cho rằng nguyên nhân chính là do Trung Quốc chưa giải quyết được khiếu nại của Mỹ về tài sản trí tuệ Mỹ và trợ cấp công nghiệp.
“Để chúng tôi có được kết quả tích cực từ sự tham gia này, điều quan trọng là họ (Trung Quốc) giải quyết những mối lo ngại cơ bản mà chúng tôi đã đề cập. Chúng tôi chưa nhìn thấy điều đó, nhưng sẽ cố gắng khuyến khích họ giải quyết các vấn đề.” – vị quan chức nói.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 23/8 nói Bắc Kinh sẽ khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO về vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ. Hiện tại hai nước đã nhắm đến 50 tỷ USD hàng hóa của nhau và đe dọa đánh thuế lên phần còn lại của thương mại song phương, gây lo ngại xung đột sẽ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo Reuters, các quan chức Mỹ có những ý kiến khác nhau về mức độ cần gây áp lực với Bắc Kinh, nhưng Nhà Trắng dường như cho rằng họ đang chiến thắng trong xung đột thương mại khi kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại và thị trường chứng khoán suy giảm.
Các nhà kinh tế học cho biết mỗi 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế sẽ làm giảm thương mại toàn cầu khoảng 0,5%. Họ dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ bị tác động trực tiếp từ 0,1-0,3% trong năm 2018, con số có phần ít hơn Mỹ, nhưng tác động sẽ trở nên lớn hơn vào năm 2019 cùng với thiệt hại khác của các nước và công ty liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc.
Trước đó, các nhóm doanh nghiệp bày tỏ hy vọng cuộc gặp Mỹ - Trung sẽ đánh dấu khởi đầu đàm phán nghiêm túc về thay đổi chính sách kinh tế và thương mại Trung Quốc, như Tổng thống Trump đã yêu cầu. Dù vậy, ông Trump ngày 21/8 nói không mong đợi nhiều từ đối thoại lần này.
Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc của Mỹ khi cho rằng Trung Quốc ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ và nói họ tuân thủ các quy tắc của Liên Hợp Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng không tiết lộ chi tiết các cuộc đối thoại trong buổi tóm tắt tin tức hàng ngày. “Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể gặp Trung Quốc với một thái độ thực tế, hợp lý, tận tâm để có được một kết quả tốt.” – ông Lục nói.
Chương trình thuế mới nhất của Washington áp dụng lên 279 hạng mục hàng hóa bao gồm chất bán dẫn, nhựa, chất hóa học và trang bị đường sắt – được cho là sản phẩm có lợi từ kế hoạch “Made in China 2025” của Bắc Kinh nhằm khiến Trung Quốc trở nên cạnh tranh trong các ngành công nghệ cao.
Trong khi đó danh sách của Trung Quốc gồm 333 hạng mục hàng hóa Mỹ như than, phế liệu đồng, nhiên liệu, sản phẩm thép, xe buýt và trang bị y tế.
Video: Nhiều nước đổ xô mua đậu nành của Mỹ sau khi Trung Quốc tăng thuế