Từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump thường phàn nàn có chuyện rò rỉ tin tức cho giới báo chí, nhưng một quan chức nói khả năng cấm sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) không liên quan mối lo ngại chuyện “xì” tin tức cho giới truyền thông. Thay vào đó, khả năng cấm vì lo ngại an ninh mạng.
Một quan chức khác nói: có quá nhiều thiết bị kết nối với mạng lưới không dây ở dinh tổng thống Mỹ, và điện thoại cá nhân không đảm bảo an toàn như điện thoại do chính phủ liên bang cấp.
Các quan chức đều muốn giấu tên, vì Nhà Trắng chưa quyết sẽ cấm hay không.
Một quan chức khác cho biết: Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly đi đầu thúc đẩy việc ra lệnh cấm nhân viên sử dụng ĐTDĐ cá nhân. Đầu năm nay, bọn tin tặc đã tấn công điện thoại cá nhân của ông Kelly.
Hồi tháng 10, trang Politico đưa tin các quan chức Nhà Trắng cho rằng điện thoại cá nhân của ông Kelly đã bị xâm hại từ nhiều tháng trước, dẫn đến viễn cảnh các thế lực thù địch nước ngoài đã có thể tiếp cận dữ liệu chứa trong thiết bị này.
Các nhân viên cũng được lệnh: không được dùng ĐTDĐ riêng hoặc của chính phủ cấp, khi ông Trump thăm Trung Quốc hồi tháng 11 này.
Dinh tổng thống Mỹ đã có những biện pháp cẩn trọng với những thiết bị không dây cá nhân, gồm yêu cầu quan chức để điện thoại cá nhân trong các phòng họp mà thông tin mật hoặc nhạy cảm được đề cập.
Các quan chức cấp cao chưa quyết có nên và khi nào ra lệnh cấm sử dụng ĐTDĐ cá nhân, và liệu sẽ áp dụng lệnh cấm với tất cả nhân viên hay không.
Trong khi một số quan chức cấp thấp ủng hộ lệnh cấm, những người khác lo ngại nó có thể gây ra nhiều hậu quả ngoài ý muốn. Thiết bị di động do Nhà Trắng cấp không thể gởi nhắn tin, trong khi nhân viên lại nói tin nhắn thường là cách liên lạc dễ nhất với gia đình, trong lúc họ đang bận họp.
Những người khác lo ngại họ có thể bị buộc tội lãng phí tài sản chính phủ, nếu sử dụng điện thoại do Nhà Trắng cấp để gọi điện vì việc riêng.
Hệ thống điện toán Nhà Trắng đã chặn nhân viên truy cập vào một số trang web gồm Gmail và Google Hangouts, có nghĩa nhân viên đã không có điện thoại riêng lại bị cắt khỏi tài khoản thư điện tử cá nhân trong ngày làm việc.
Người phản đối lệnh cấm cũng lưu ý: các yêu cầu ghi âm của chính phủ có nghĩa nhiều cuộc gọi cá nhân-từ ĐTDĐ do chính phủ cấp-sẽ được tư liệu hóa và rất có thể bị công bố.
Nhưng những ưu tiên an ninh có thể trội hơn những lo ngại trên. An ninh ĐTDĐ luôn là một vấn đề lớn đối với Nhà Trắng, đôi lúc vài quan chức cấp cao cũng lo ngại nhân viên sử dụng điện thoại cá nhân để liên lạc với các nhà báo.
Trong thời gian đầu của chính phủ Mỹ, cựu thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer từng yêu cầu nhân viên dưới quyền ông nộp ĐTDĐ cá nhân để kiểm tra đột xuất, nhằm biết họ có “xì” thông tin cho giới truyền thông hay không.
Ông Spicer từng cảnh báo nhân viên rằng dùng các ứng dụng nhắn tin mã hóa như Signal và Confide là vi phạm Luật bảo vệ hồ sơ của Tổng thống (Presidential Records Act).
Cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus trước khi thôi chức (hồi tháng 7) cũng đề nghị cấm sử dụng ĐTDĐ cá nhân, theo một quan chức biết chuyện cho Bloomberg biết.