Nhà Trần đánh tan hơn 50 vạn quân Nguyên, Thoát Hoan phải chui ống đồng chạy trốn

B.T sưu tầm, SGK Sử 7 |

Năm 1285, quân Nguyên Mông lại một lần nữa động binh, âm mưu đánh chiếm Đại Việt. Tuy nhiên, dưới chiến thuật cẩn trọng, chu toàn, chúng ta đã đánh tan 50 vạn quân địch.

Âm mưu xâm lược Chăm-pa và Đại Việt của nhà Nguyên

Năm 1279, nước Nam Tống bị tiêu diệt, Trung Quốc hoàn toàn bị Mông Cổ thống trị. Vua Nguyên là Hốt Tất Liệt ráo riết thực hiện âm mưu xâm lược Chăm-pa và Đại Việt để làm cầu nối xâm lược và thôn tính các nước ở phía nam Trung Quốc.

Hốt Tất Liệt cho quân đánh Chăm-pa (Chiêm Thanh) trước để làm bàn đạp tấn công vào phía nam Đại Việt, phối hợp với cánh quân của Thoát Hoan từ Trung Quốc đánh vào phía bắc.

Năm 1283, hơn một vạn quân Nguyên cùng hơn 300 chiến thuyền do tướng Toa Đô chỉ huy xâm lược Chăm-pa, chiếm được kinh thành. Quân dân Chăm-pa đã chiến đấu hết sức anh dũng ; cuối cùng quân Nguyên phải rút một bộ phận về cố thủ ở phía bắc để chờ phối hợp đánh Đại Việt.

Kế họach của nhà Nguyên định dùng Chăm-pa làm bàn đạp tấn công nước ta bước đầu tan vỡ.

Nhà Trần chuẩn bị kháng chiến

Sau khi biết tin quân Nguyên mượn đường đánh Cham-pa nhung chỉ là tìm cớ xâm lược Đại Việt, vua Trần triệu tập hội nghị các vương hầu, quan lại ở Bình Than (Chí Linh, Hải Dương) để bàn kế đánh giặc.

Đến Bình Than có Trần Quốc Toản, vì tuổi còn nhỏ nên không được dự hội nghị. Trần Quốc Toản tức giận quân Nguyên xâm lược đến nỗi tay cầm quả cam bóp nát lúc nào không biết. Khi về nhà, đã huy động gia nhân và thân thuộc hơn 1000 người, làm binh khí, đóng chiến thuyền và may cờ đề 6 chữ "Phá cường địch, báo hoàng ân" (Phá giặc mạnh, báo ơn vua).

Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo) được vua Trần giao trọng trách Quốc công tiết chế – chỉ huy cuộc kháng chiến. Ông soạn Hịch tướng sĩ động viên tinh thần chiến đấu của quân đội.

Đầu năm 1285, vua Trần mở Hội nghị Diên Hồng, mời các bậc phụ lão có uy tín trong cả nước và Thăng Long họp để bàn cách đánh giặc.

Trong Hội nghị Diên Hồng, khi vua Trần hỏi kế đánh giặc, "các phụ lão đều nói là nên đánh, muôn người cùng lời như một".

(Đại Việt sử kí toàn thư)

Nhà Trần tổ chức cuộc tập trận lớn và duyệt binh ở Đông Bộ Đầu rồi chia quân đóng giữ những nơi hiểm yếu.

Cả nước được lệnh chuẩn bị sẵn sàng đánh giặc. Quân sĩ đều thích vào cánh tay hai chữ "Sát Thát" (giết giặc Mông Cổ).

Diễn biến và kết quả của cuộc kháng chiến

Cuối tháng 1 - 1285, 50 vạn quân Nguyên do Thoát Hoan tổng chỉ huy tràn vào xâm lược Đại Việt. Sau một số trận chiến đấu chặn giặc ở vùng biên giới, Trần Quốc Tuấn cho lui quân về Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương).

Nghe tin quân của Trần Quốc Tuấn không chặn được giặc, phải lui quân, vua Trần lo lắng, bỏ cả ăn cơm, vội vã đi thuyền đến gặp và hỏi Quốc Tuấn: thế giặc mạnh, giết hại nhân dân tàn bạo, có nên hàng giặc không. Trần Quốc Tuấn trả lời: "Nếu bệ hạ (vua) muốn hàng giặc thì trước hãy chém đầu thần rồi hãy hàng".

(Đại Việt sử kí toàn thư)

Quân Thoát Hoan tập trung một lực lượng lớn tấn công vào Vạn Kiếp. Trước thế giặc mạnh, quân Trần lui về Thăng Long, sau đó rút về Thiên Trường (Nam Định). Nhân dân ở Thăng Long thực hiện lệnh "vườn không nhà trống" của triều đình.

Quân Thoát Hoan kéo vào chiếm Thăng Long trống vắng. Không dám đóng quân trong thành, chúng phải dựng doanh trại ở phía bắc sông Nhị (sông Hồng).

Toa Đô được lệnh từ Chăm-pa đánh ra Nghệ An, Thanh Hóaa. Thấy thế giặc mạnh, một số quý tộc nhà Trần đầu hàng giặc. Cuộc kháng chiến gặp rất nhiều khó khăn.

Nhà Trần đánh tan hơn 50 vạn quân Nguyên, Thoát Hoan phải chui ống đồng chạy trốn - Ảnh 1.

Lược đồ cuộc kháng chiến lần thứ 2 chống quân Nguyên ( 1285)

Cùng lúc đó, Thoát Hoan tự mình chỉ huy một lực lượng mạnh, mở cuộc tiến công lớn đánh xuống phía nam nhằm tạo thành thế "gọng kìm", hòng tiêu diệt quân chủ lực của ta và bắt sống toàn bộ đầu não của cuộc kháng chiến. Trước tình thế nguy cấp, Trần Quốc Tuấn phải ra lệnh rút lui để củng cố lựợng, chuẩn bị cho cuộc phản công tiêu diệt quân địch.

Bị thất bại trong âm mưu bắt sống vua Trần và tiêu diệt quân chủ lực của ta, Thoát Hoan rút quân về Thăng Long chờ tiếp viện. Quân Nguyên lâm vào tình thế bị động lại thiếu lương thực trầm trọng.

Tháng 5-1285, Lợi dụng thời cơ, quân Trần tổ chức phản công, đánh bại quân giặc ở nhiều nơi như Tây Kết, cửa Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên), bến Chương Dương (Thường Tín, Hà Nội) và tiến vào giải phóng Thăng Long.

Quân giặc hốt hoảng tháo chạy, bị quân Trần phục kích chặn đánh, nhiều tên bị giết. Thoát Hoan vất vả lắm mới chạy thoát về nước (tướng giặc là Lý Hằng hoảng sợ phải giấu Thoát Hoan vào ống đồng, bắt quân lính khiêng chạy).

Vua Trần còn đem quân chặn đánh đạo quân của Toa Đô ở Tây Kết, hàng vạn quân giặc bị tiêu diệt. Tướng Toa Đô bị chém đầu.

Sau gần hai tháng phản công (tháng 5 và 6), quân dân nhà Trần đã đánh tan tành 50 vạn quân Nguyên, một đạo quân hùng mạnh bậc nhất thế giới thời đó. Đất nước sạch bóng quân xâm lược, cả dân tộc ca khúc khải hoàn.

"Chương Dương cướp giáo giặc,

Hàm Tử bắt quân thù.

Thái bình nên gắng sức.

Non nước ấy ngàn thu".

Trần Quang Khải - Tụng giá hoàn kinh sư

(Phò giá về kinh - Bản dịch thơ của Trần Trọng Kim)

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 7, tr.58-59-60-61.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại